Giá Mãng Cầu Xiêm Tuột Dốc
Những ngày gần đây, nhiều vườn trồng mãng cầu xiêm ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trái chín rộ do những cơn mưa đầu mùa, khiến cho mãng cầu xiêm rớt giá.
Ông Nguyễn Văn An, nông dân trồng mãng cầu xiêm ở xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông cho biết, hiện nay các thương lái thu mua mãng cầu xiêm tại vườn với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng trái), giảm mạnh so với mức hơn 22.000 đồng/kg trong tháng trước. Ở địa phương này, năng suất mãng cầu xiêm bình quân đạt 16 - 18 tấn/ha, lợi nhuận từ vườn mãng cầu xiêm có thể đạt từ 100-200 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú, cho biết, mãng cầu xiêm ở huyện Tân Phú Đông có chất lượng trái tốt, nhiều dinh dưỡng. Hơn nữa, theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì mãng cầu xiêm còn có tác dụng phòng trị một số bệnh nguy hiểm, nên thị trường tiêu thụ mãng cầu xiêm ngày càng mở rộng, sức tiêu thụ mạnh.
Tại xã Tân Thạnh, ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, xã có diện tích trồng mãng cầu lớn trong huyện, nhờ cây mãng cầu, toàn xã đã có hơn 20 hộ thoát nghèo bền vững. Vì vậy, hiện nay nhiều người dân trong xã đã chuyển từ trồng lúa và dừa sang trồng mãng cầu xiêm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, cách đây hơn 10 năm, mãng cầu gai (tên gọi khác của mãng cầu xiêm) đã bắt đầu phát triển trên vùng đất này trên diện tích canh tác lúa kém hiệu quả. Cây mãng cầu gai theo hình thức ghép vào thân cây bình bát (một loại cây sống lâu, chịu được nước mặn) thích hợp với thổ nhưỡng đất nhiễm phèn mặn, mau cho trái, năng suất cao, chất lượng trái tốt nên trong những năm qua mãng cầu gai là cây trồng vượt khó làm giàu ở địa phương.
Đến nay, toàn huyện có 540 ha mãng cầu xiêm, tập trung tập trung tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh... Đồng thời, tỉnh đang quy hoạch mở rộng vùng chuyên canh, chuyển giao kỹ thuật trồng và thâm canh theo tiêu chí VietGAP, hình thành các tổ hợp tác sản xuất mãng cầu gai nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu mãng cầu gai Tân Phú Đông trên thị trường.
Theo Đề án phát triển mãng cầu đến năm 2015, huyện Tân Phú Đông sẽ có khoảng 600 ha mãng cầu. Hiện Tổ hợp tác trồng mãng cầu xiêm xã Tân Phú đang vận động nông dân trồng mãng cầu xiêm thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP dưới sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhằm cung cấp những sản phẩm chất lượng cao cho thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Xác định chăn nuôi lợn là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vừa thành lập Hội Chăn nuôi lợn sạch nhằm liên kết người sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững.
Mắc ca, loài cây có nguồn gốc Úc châu đã bắt đầu thân thuộc với nông dân Lâm Đồng. Tại khắp nơi trong tỉnh, từ Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà, Đơn Dương, diện tích mắc ca trồng xen với cây cà phê đã lên xanh và kết trái, mang lại thu nhập không nhỏ cho người nông dân.
Người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị bước vào vụ mùa cà phê mới. Bên cạnh việc tất bật tìm nhân công thu hái, bảo vệ vườn cây, nhiều hộ dân còn “đau đầu” với nạn hái trộm cà phê đang diễn ra từng ngày với thủ đoạn rất liều lĩnh, manh động.
Tuy nhiên dù là vụ có điều kiện sản xuất thuận lợi, nhưng với thời tiết diễn biến phức tạp, thì nhà nông vẫn rất cần các giống lúa vừa cho năng suất chất lượng cao, vừa có khả năng kháng được sâu bệnh và điều kiện bất lợi.
Giá mủ cao su đầu mùa khai thác nằm ở mức 30 triệu đồng/tấn khiến nhiều người có diện tích cao su lớn bỏ cạo để dưỡng cây, chờ giá nhích lên tí đỉnh rồi cạo. Bởi nếu cạo với giá mủ thấp nhưng phải thuê nhân công làm trọn gói từ a tới z sẽ không lời đồng nào, trong khi đó chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng leo thang.