Quy Hoạch Vùng Chuyên Canh Ở Tuy Đức Tạo Tiền Đề Cho Phát Triển Nông Nghiệp Công Nghệ Cao
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết quả rõ nét nhất trên địa bàn huyện Tuy Đức là địa phương đã bước đầu quy hoạch, phân vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng khá bài bản, hợp lý.
Đây được xem là tiền đề căn bản để nông dân đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo nhu cầu thị trường.
Trên cơ sở các mô hình thực nghiệm thành công cũng như điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của từng địa bàn, huyện Tuy Đức đã xây dựng các vùng chuyên canh để tập trung phát triển cây, con hợp lý.
Cụ thể, hiện nay, huyện đã quy hoạch các vùng chuyên canh như: vùng sản xuất lúa gạo tại xã Đắk R’tíh, Quảng Tân; vùng chuyên canh cây cao su tại xã Đắk Ngo, Đắk R’tíh; vùng chuyên canh cây cà phê tại xã Quảng Tân, Đắk Búk So, Quảng Tâm; vùng chuyên canh cây khoai lang ở xã Quảng Trực, Đắk Búk So; vùng chuyên canh các loại rau, hoa ở xã Quảng Tâm và vùng chuyên canh cây mắc ca tại xã Quảng Tâm, một phần xã Quảng Tân và phía nam xã Quảng Trực.
Trên cơ sở quy hoạch chung, hàng năm, UBND huyện phối hợp với UBND các xã hướng dẫn, chỉ đạo nhân dân phát triển cây, con theo đúng quy hoạch vùng. Mặt khác, tùy vào điều kiện cụ thể, huyện cũng đã ban hành hàng loạt chính sách liên quan để hỗ trợ người dân trong chuỗi quy trình sản xuất.
Cụ thể, thời gian qua, huyện đã ban hành chính sách huy động lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chính sách thu hút xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng hệ thống nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm…
Bên cạnh quy hoạch các vùng chuyên canh, huyện cũng đã khuyến khích, hướng dẫn người dân tập hợp hình thành nên các hợp tác, tổ hợp tác, nhóm đồng sở thích với phương châm hỗ trợ nhau trong sản xuất như góp vốn đầu tư, trao đổi khoa học kỹ thuật canh tác, hợp tác sản xuất cây trồng vật nuôi với quy mô lớn và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.
Huyện hiện đã quy hoạch được khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Quảng Tâm với quy mô hơn 45 ha. Định hướng của huyện là sẽ từng bước xây dựng khu vực này thành một “trung tâm chuyên sản xuất các loại giống cây trồng chất lượng cao” và một số mô hình kinh tế có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Hiện tại, khu vực này đã có những tổ hợp tác, nhóm đồng sở thích đang trồng các loại giống như lay ơn, cà phê, khoai lang cấy ghép mô tạo giống F1… để phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Điều đáng nói, tại mỗi vùng quy hoạch chuyên canh, huyện đều triển khai các mô hình trình diễn, thực nghiệm để người dân học tập, qua đây, nhiều nông dân nhận thấy lợi ích từ mô hình và tự giác đầu tư nhân rộng.
Điển hình như mô hình trồng lay ơn lấy củ cung cấp giống cho thị trường Đà Lạt. Ban đầu, mô hình này chỉ được triển khai với quy mô nhỏ nhưng đến nay, nhiều hộ dân ở thôn 2, xã Quảng Tâm và một số hộ ở xã Quảng Trực đã và đang đầu tư trồng giống loại cây này.
Việc sớm quy hoạch các vùng chuyên canh không chỉ giúp địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước, lồng ghép, đầu tư hiệu quả các nguồn vốn mà còn giúp tạo được thế mạnh trong bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân cũng như từng bước định hình quy trình khép kín từ sản xuất, tiêu thụ đến chế biến sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, diện mạo xã Đăk Djrăng (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã hoàn toàn thay đổi. Đổi thay đó có sự góp sức không nhỏ của Hội ND xã mà người đứng đầu là anh Đỗ Văn Thinh…
Vài năm gần đây nhiều nông dân xã Phú An (Cai Lậy) thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng chanh bông tím, trong đó có ông Nguyễn Văn Tám ở ấp 6.
Giữa rừng đước xanh um, tôm giống được thả xuống. Không cần cho ăn, không dùng thức ăn tăng trưởng, không thuốc kháng sinh trị bệnh, người nuôi chỉ dọn dẹp xung quanh thật sạch và đảm bảo 50-60% rừng trên tổng diện tích nuôi tôm là có tôm sạch.
Theo lời giới thiệu của chủ tịch UBND xã Hà Lương, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyễn Hồng Quang, hội viên hội nông dân chi hội 4 của xã. Được biết trong những năm gần đây, với ý chí quyết tâm làm giàu và dám nghĩ dám làm, anh Quang đã mạnh dạn lập mô hình nuôi con đặc sản và cho thu nhập cao.
Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.