Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đắk Lắk Cần Chủ Động Phòng Ngừa Bệnh Chết Nhanh, Chết Chậm Trên Cây Tiêu

Đắk Lắk Cần Chủ Động Phòng Ngừa Bệnh Chết Nhanh, Chết Chậm Trên Cây Tiêu
Ngày đăng: 19/06/2014

Mấy năm gần đây, tình trạng phát triển cây hồ tiêu ồ ạt không theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến nhiều diện tích tiêu bị chết hàng loạt vì sâu bệnh.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), để phòng ngừa các loại bệnh trên cây tiêu, nhất là bệnh chết nhanh và chết chậm, nông dân cần chủ động thực hiện các biện pháp canh tác bền vững, đặc biệt là trong mùa mưa.

Theo Sở NN-PTNT, Dak Lak hiện có gần 10.000 ha hồ tiêu, trong đó diện tích đang kinh doanh trên 6.000 ha, vượt gần ½ so với quy hoạch. Việc nông dân chạy theo phong trào, ồ ạt trồng tiêu khiến nhiều người phải trắng tay vì tiêu chết hàng loạt do sâu bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm.

Nguyên nhân sâu xa là do người dân xử lý đất không tốt trước khi trồng tiêu; trồng ở những vùng đất không phù hợp như đất trũng; đầu tư thâm canh quá mức bằng các loại phân bón hóa học khiến đất bị chai, nghèo dinh dưỡng; việc mở rộng diện tích nhanh mà không chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc… đã tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm phát triển mạnh, gây hại cho vườn tiêu.

Theo Chi cục BVTV, tiêu là loại cây trồng rất dễ bị sâu bệnh gây hại, trong đó loại bệnh nguy hiểm nhất là thối gốc, chết dây hay còn gọi là chết nhanh. Bệnh này chủ yếu do nấm Phytophthora capsici gây ra, có thể tấn công, gây hại tất cả bộ phận và các giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu, gây thiệt hại có khi lên tới 100% vườn tiêu...

Gọi là bệnh chết nhanh, bởi từ khi thấy dây tiêu bị héo xuống lá rồi chuyển vàng, rụng ào ạt để lại dây, cành trơ trọi chỉ diễn ra trong vòng 7 - 10 ngày, sau đó cây chết trong vòng vài tuần lễ.

Một khi xuất hiện bệnh sẽ làm chết tiêu hàng loạt, do đó việc phòng trị rất khó khăn, tốn kém và ít mang lại hiệu quả, vì khi triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài thì bộ rễ tiêu đã bị nấm tấn công từ 1 - 2 tháng trước. Bệnh thường xuất hiện trên các vườn tiêu từ 3-4 năm tuổi trở lên, chủ yếu phát sinh, phát triển và lây lan trong mùa mưa, nhất là giai đoạn giữa và cuối mùa mưa.

Đối với bệnh chết chậm, bệnh này do một loại nấm Fusarium oxysporum, sống trong đất gây ra, bệnh xuất hiện và gây hại nặng trên những vườn tiêu bị ngập úng, thoát thủy thoát khí kém, bón thừa đạm..., làm cây tiêu sinh trưởng chậm, èo uột, rụng đốt, thối rễ và gốc, phần mạch dẫn nhựa thân dây có màu nâu đen. Từ khi cây bị bệnh đến khi cây chết kéo dài vài ba tháng đến một năm.

Theo bà Minh Thị Phượng, cán bộ kỹ thuật của Chi cục, Dak Lak đang bước vào mùa mưa, các bệnh do nấm gây ra trên cây tiêu đang bắt đầu phát sinh và có xu hướng gây hại tăng dần. Do vậy, đối với cây tiêu phải xem phòng bệnh là chính.

Theo đó, nông dân cần sử dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp như: thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện tình hình cây bị bệnh sớm, vệ sinh vườn tiêu bằng cách xén tỉa cành để cách mặt đất khoảng 30 - 40cm làm cho phần gốc, thân được thông thoáng; quét dung dịch Bordeaux 10%, vôi vào phần thân tiêu sát mặt đất nhằm hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh. Tuyệt đối không lấy hom trong vườn tiêu đã bị bệnh và nên dùng giống tiêu kháng bệnh tốt; khi chăm sóc không làm tổn thương gốc, thân, rễ cây tiêu làm nấm bệnh xâm nhập.

Đặc biệt, trong mùa mưa nông dân nên đào rãnh tiêu, thoát nước giữa hai hàng tiêu để chống úng (đây là công việc quan trọng hạn chế được bệnh chết nhanh). Bón phân cân đối, đặc biệt giữa đạm và kali, chú ý bổ sung các chất trung và vi lượng. Thường xuyên thu nhặt tàn dư thực vật như lá, cành, rễ, cây bệnh trong vườn mang đi tiêu hủy. Vườn tiêu bị bệnh không nên trồng lại ngay mà cần tiến hành xử lý mầm bệnh và sau 2 đến 3 năm mới trồng lại.

Về lâu dài, các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây tiêu để giúp nông dân nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác về chọn giống, chăm sóc, quản lý sau bệnh nhằm chủ động phòng ngừa, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Khuyến cáo người dân không nên trồng tiêu ở những vùng đất thấp, trũng dễ bị ngập úng trong mùa mưa, gây thiệt hại lớn về kinh tế khi có sâu bệnh.


Có thể bạn quan tâm

Cấp Giống Thanh Long Ruột Đỏ Cho 4 Hộ Dân Xã Trà Phú (Quảng Ngãi) Cấp Giống Thanh Long Ruột Đỏ Cho 4 Hộ Dân Xã Trà Phú (Quảng Ngãi)

Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp hỗ trợ 1.300 hom giống thanh long ruột đỏ cho 4 hộ dân tại xã Trà Phú (Trà Bồng). Được biết, cách đây 3 năm, cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm ở hai xã Trà Phú và Trà Bình đã phát huy hiệu quả.

07/08/2013
Chuối Tiêu Hồng Phù Hợp Với Đồng Đất Đại Từ (Thái Nguyên) Chuối Tiêu Hồng Phù Hợp Với Đồng Đất Đại Từ (Thái Nguyên)

Mô hình chuối tiêu hồng nuôi cấy mô được Trạm Khuyến nông huyện triển khai với diện tích 2 ha, tập trung ở xóm Lược 1 và Lược 2, xã Phục Linh (Đại Từ - Thái Nguyên) từ tháng 3/2012. Bước đầu cho kết quả khả quan, giống chuối này có thể trồng được trên đồng đất Đại Từ.

12/12/2012
Tiếp Tục Mở Rộng Mạng Lưới Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Tại Hà Nội Tiếp Tục Mở Rộng Mạng Lưới Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Tại Hà Nội

Ngày 14-3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá tình hình cung cấp gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội dịp Tết Quý Tỵ, kiểm điểm công tác phòng, chống gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh chủ trì. Đến dự có đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Sở Công thương TP Hà Nội.

17/03/2013
Mô Hình Trồng Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím Trái Vụ Ở Võ Cường (Bắc Ninh) Mô Hình Trồng Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím Trái Vụ Ở Võ Cường (Bắc Ninh)

Mô hình trồng cà chua ghép trên thân cây cà tím trái vụ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh triển khai trình diễn ở phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) từ vụ đông xuân năm 2010 đã cho thu nhập với năng suất cao gấp 2 đến 3 lần so với cây chính vụ, mở ra một hướng đi mới cho nông dân địa phương cũng như nông dân trên địa bàn toàn thành phố.

13/12/2012
Khi Nghề Chăn Nuôi Dê, Cừu Được Rót Vốn Ở Ninh Thuận Khi Nghề Chăn Nuôi Dê, Cừu Được Rót Vốn Ở Ninh Thuận

Vùng đất Ninh Thuận quanh năm khô hạn thường xuyên, tưởng khó có thể làm giàu từ canh tác, chăn nuôi. Nhưng bằng cơ cấu vật nuôi hợp lý, nhờ được hỗ trợ nguồn vốn kịp thời, Ninh Thuận đã thành một địa phương có nghề chăn nuôi dê, cừu phát triển nhất cả nước.

19/03/2013