Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Lúa Liên Tục Giảm!

Giá Lúa Liên Tục Giảm!
Ngày đăng: 08/03/2014

Hơn 1 tuần nay, khi vụ đông xuân vào thời kỳ thu hoạch rộ, giá lúa tại ĐBSCL đã rớt từ 200- 500 đồng/kg. Thương lái thì bỏ hợp đồng.

Có hợp đồng cũng như không

Ngày 7/3, anh Hà Văn Phương - nông dân ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) bức xúc: “Đầu vụ đông xuân, thương lái hợp đồng mua giá 4.600 đồng/kg, nhưng mấy hôm nay giá lúa rớt quá họ bỏ luôn tiền đặt cọc. Tôi tìm gặp họ, thì họ mới chịu thương lượng và giá bán sụt 200 đồng/kg so với hợp đồng đã ký. Đó, có hợp đồng mà cũng như không”.

Ông Út Lam - nông dân cũng ở xã Tân Phước lo lắng: “Có hợp đồng với thương lái mà có phải ai cũng bán được đâu, tôi không có hợp đồng thì không biết sẽ ra sao đây. Mới đầu vụ thu hoạch mà đã vậy, thì khi thu hoạch rộ giá lúa chắc sẽ còn rớt nữa, giá 4.200-4.300 đồng/kg thì kể như huề, nghĩa là nông dân trắng tay”.

Theo ông Lê Văn Việt - Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Hưng I, phường Long Sơn, thị xã Tân Châu (Đồng Tháp): “3-4 ngày nay, giá lúa giảm mạnh. Lúa hạt dài OM 6976, thương lái đặt cọc giá 5.200 đến 5.250 đồng/kg, nay than lỗ xin nông dân giảm giá hạ xuống 5.100 đồng/kg. Một số khác thì bỏ tiền cọc chứ không mua”. Cũng theo ông Việt, hiện tại thương lái đang thu mua lúa OM 6976, cắt gặt đập liên hợp giá 4.900 đồng/kg; IR50404 giá 4.700 đồng/kg. Theo kinh nghiệm của ông Việt, vài ngày tới có khả năng giá lúa còn tiếp tục xuống…

Tình hình thu mua lúa ở Hậu Giang cũng bi đát không kém, ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, toàn huyện đã thu hoạch khoảng 1.000ha lúa. Giống lúa IR 50404, mua tại ruộng có giá 4.300-4.400 đồng/kg, giống lúa dài từ 4.600-4.700 đồng/kg. Đó là giá lúa do thu hoạch bằng máy gặt đập, chứ thu hoạch thủ công thì thấp hơn khoảng 200 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Ba ngụ ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy nói: “Nhà tôi thu hoạch được 15 công vào đầu vụ, có giá cao hơn bây giờ nhiều, lúa IR50404 thì 4.700 đồng/ kg, còn lúa hạt dài thì khoảng 5.600 đồng/ kg. Không biết làm sao, mà hễ vào mùa thu hoạch rộ là thương lái bắt đầu ép giá nông dân, được mùa lại rớt giá. Bị ép hoài làm sao nông dân sống nổi…”.

Trốn dân vì không… bán được lúa

Sáng 7/3, hàng chục hộ dân đã tìm đến nhà ông Phan Thanh Việt- Tổ trưởng tổ 1 cánh đồng mẫu lớn ở ấp Định Yên, xã Định Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ) để hỏi về việc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Thới Lai) không đến mua lúa. Trong khi đó hàng trăm công lúa Jasmine 85 đã chín rục ngoài đồng.

Ông Việt than: “Tôi là tổ trưởng tổ 1, một trong 2 tổ tham gia cánh đồng mẫu lớn ở ấp Định Yên, tôi có trách nhiệm vận động bà con trong tổ sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn với 20 ha, có ký hợp đồng mua bán với Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật với giá 5.300 đồng/kg. Lúa thu hoạch rộ nhưng không được người của công ty đến thu mua buộc người dân phải thuê máy cắt đem về nhà trữ. Không bán được, những người dân trong tổ lại kiếm tôi trách phiền nên mỗi ngày tôi phải trốn đi nơi khác”.

Cũng theo ông Việt, không chỉ có riêng tổ của ông mà nhiều tổ khác trong xã cũng không bán được lúa cho doanh nghiệp. Với hàng nghìn tấn lúa, người dân không thể đem về nhà phơi hết được. “Các doanh nghiệp làm như vậy chúng tôi rất khổ. Bây giờ có tiền đâu mà mua giống tái sản xuất vụ sau, tiền chi tiêu của gia đình trong những ngày sắp tới”- ông than.

Ông Phan Văn Quang ngụ cùng ấp với ông Việt cũng bức xúc: “Tôi không còn muốn sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn nữa vì không chủ động bán được. Nếu lúa Jasmine 85 chín quá sẽ rơi rụng hạt nhiều dẫn đến năng suất thấp, nông dân thua thiệt đủ đường”.

Ông Nguyễn Văn Thưa - Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn cho hay: “Toàn xã có 100ha diện tích cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa Jasmine 85. Đến nay đã thu hoạch khoảng 50%. Trước đó công ty hợp đồng mua 80 tấn/ngày, sau đó nói lại chỉ mua 60 tấn/ngày vì sấy không kịp. Tuy nhiên, thực chất họ chỉ lấy được 30 tấn/ngày vì khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn”.

Để tìm hiểu rõ hơn về việc giá lúa giảm, chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Thanh Tòng - thương lái mua lúa tại ấp Phước Long (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ông Tòng cho biết: “Khoảng 1 tuần trước giá lúa tươi hạt dài mua tại đồng ruộng lên đến 5.200 đồng/kg, bây giờ giảm còn 4.700 đồng/kg, có nơi thương lái mua chỉ 4.400 đồng/kg. Hơn 240 tấn lúa tôi mua trước đây với giá 5.200 đồng/kg đang được chất đống chờ giá lúa lên mới bán ra được. Nếu không làm vậy tôi sẽ lỗ chết. Số tiền mà tôi đặt cọc mua 75 công (200.000 đồng/công) lúa thơm OM4900 với các hộ dân cũng không biết thế nào. Tôi tính lúc họ thu hoạch, tôi sẽ đến thỏa thuận lại, xin giảm giá xuống thì mới mua được, nếu không phải bỏ tiền cọc”.

Không riêng gì tỉnh Vĩnh Long, tại các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt thuộc TP.Cần Thơ, giá lúa cũng đang trên đà xuống thấp. Theo nhiều người dân, mức giá cũng xấp xỉ như ở các địa phương của tỉnh Vĩnh Long. Đáng chú ý là, tốc độ thu mua lúa của các thương lái và doanh nghiệp đã chững lại, có một số địa phương, kể cả vùng lúa cánh đồng mẫu lớn, người dân không bán được lúa mặc dù có ký kết với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Theo thông tin tôi được biết, nguyên nhân giá lúa giảm có thể là do ở Thái Lan và Ấn Độ đang tung ra lượng lớn lúa gạo. Tình hình này người dân chắc sẽ còn gặp nhiều khó khăn”.


Có thể bạn quan tâm

Đưa Khoa Học Lên Đồng Ruộng Đưa Khoa Học Lên Đồng Ruộng

Anh Mai Công Quốc ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đã trải nghiệm vụ mùa 2012 gần 50 loại giống lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm với năng suất cao. Anh góp phần rất lớn cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, Viện lúa đbscl chọn ra giống lúa chịu mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.

24/06/2013
Cấp Giống Thanh Long Ruột Đỏ Cho 4 Hộ Dân Xã Trà Phú (Quảng Ngãi) Cấp Giống Thanh Long Ruột Đỏ Cho 4 Hộ Dân Xã Trà Phú (Quảng Ngãi)

Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp hỗ trợ 1.300 hom giống thanh long ruột đỏ cho 4 hộ dân tại xã Trà Phú (Trà Bồng). Được biết, cách đây 3 năm, cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm ở hai xã Trà Phú và Trà Bình đã phát huy hiệu quả.

07/08/2013
Chuối Tiêu Hồng Phù Hợp Với Đồng Đất Đại Từ (Thái Nguyên) Chuối Tiêu Hồng Phù Hợp Với Đồng Đất Đại Từ (Thái Nguyên)

Mô hình chuối tiêu hồng nuôi cấy mô được Trạm Khuyến nông huyện triển khai với diện tích 2 ha, tập trung ở xóm Lược 1 và Lược 2, xã Phục Linh (Đại Từ - Thái Nguyên) từ tháng 3/2012. Bước đầu cho kết quả khả quan, giống chuối này có thể trồng được trên đồng đất Đại Từ.

12/12/2012
Tiếp Tục Mở Rộng Mạng Lưới Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Tại Hà Nội Tiếp Tục Mở Rộng Mạng Lưới Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Tại Hà Nội

Ngày 14-3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá tình hình cung cấp gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội dịp Tết Quý Tỵ, kiểm điểm công tác phòng, chống gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh chủ trì. Đến dự có đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Sở Công thương TP Hà Nội.

17/03/2013
Mô Hình Trồng Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím Trái Vụ Ở Võ Cường (Bắc Ninh) Mô Hình Trồng Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím Trái Vụ Ở Võ Cường (Bắc Ninh)

Mô hình trồng cà chua ghép trên thân cây cà tím trái vụ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh triển khai trình diễn ở phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) từ vụ đông xuân năm 2010 đã cho thu nhập với năng suất cao gấp 2 đến 3 lần so với cây chính vụ, mở ra một hướng đi mới cho nông dân địa phương cũng như nông dân trên địa bàn toàn thành phố.

13/12/2012