Giá Lợn, Gà Tăng Người Chăn Nuôi Phấn Khởi
Sau một thời gian dài giảm giá mạnh, khoảng 1 tháng gần đây, giá bán các sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà… đang tăng dần trở lại. Đây được xem là tín hiệu vui để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì chăn nuôi, yên tâm tái đàn.
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, đánh giá về tình hình chăn nuôi suốt từ năm ngoái đến nửa đầu năm nay nhiều hộ chăn nuôi cho rằng: năm 2013 là năm đầy khó khăn với người chăn nuôi, nông dân phải đối mặt với giá gia súc, gia cầm liên tục giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào không giảm dẫn đến thu nhập của các hộ chăn nuôi giảm mạnh, thậm chí nhiều hộ phải chịu lỗ, chăn nuôi cầm chừng, giảm đàn…
Trong khi đó, thông tin gà thải loại Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào các chợ qua đường nhập lậu chưa ngăn chặn được khiến người chăn nuôi gia cầm cả nước nói chung và người chăn nuôi Hưng Yên nói riêng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn…
Cụ thể giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường tỉnh Hưng Yên lúc thấp nhất là: lợn thịt 37.000- 40.000 đồng/kg, gà ta khoảng 60.000 – 70.000 đồng/ kg, gà công nghiệp 40.000 – 42.000 đồng/kg, trứng gà từ 1.300- 1.500 đồng/quả.
Trừ mọi chi phí, khi xuất chuồng người chăn nuôi phải chịu lỗ từ 300.000 - 500.000 đồng/100kg lợn thịt, 10.000 – 20.000 đồng/kg gà thịt, 15.000 – 20.000 đồng/kg gà công nghiệp, 300 - 500 đồng/ quả trứng gà… Trước những khó khăn đó, nhiều người chăn nuôi cố gắng duy trì đàn gia súc, gia cầm nhưng cũng chỉ chăn nuôi cầm chừng nên số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không tăng mà chỉ ở mức ổn định so với năm trước.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, tính đến tháng 6 năm nay, toàn tỉnh có khoảng 522.000 con lợn, trên 5 triệu con gà; 6 tháng đầu năm ước tính toàn tỉnh xuất chuồng khoảng 564.000 con lợn với trên 50.000 tấn thịt hơi, xuất chuồng trên 4,8 triệu con gà với trên 10.800 tấn thịt hơi và khoảng 50,2 triệu quả trứng.
Khoảng 1 tháng gần đây, giá bán các sản phẩm chăn nuôi có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, thời điểm này, lợn thịt xuất chuồng có giá 50.000 – 52.000 đồng/kg; gà ta xuất chuồng có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg; gà công nghiệp có giá bán 60.000 – 70.000 đồng/kg; trứng gà có giá bán 2.100 – 2.300 đồng/quả.
Giá lợn thịt, gà thịt tăng trong những ngày qua cũng khiến giá con giống tăng mạnh, hiện nay lợn giống có giá 1 – 1,3 triệu đồng/con (tăng 200.000 – 300.000 đồng/con so với đầu năm); gà giống Đông Tảo lai có giá 13.000 - 15.000 đồng/con mới nở (đầu năm là 2.500 – 3.000 đồng/con).
Với giá bán này, người chăn nuôi có thể được lãi 600.000- 800.000 đồng/100kg lợn; 30.000 – 35.000 đồng/kg gà ta; 10.000 – 15.000 đồng/kg gà công nghiệp; 7.000 – 8.000 đồng/con gà giống; 500 – 800 đồng/quả trứng gà nên nhiều hộ chăn nuôi rất phấn khởi.
Đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Hiến ở thôn Đông Hòa, xã Yên Hòa (Yên Mỹ) vào buổi trưa nắng gắt nhưng vẫn tấp nập thương lái đến mua gà giống.
Anh Hiến cho biết: “Trang trại của gia đình tôi chuyên nuôi gà Đông Tảo lai với khoảng 3.000 - 4.000 con gà đẻ. Đã gắn bó với nghề này từ 7 năm nay nhưng tôi thấy chưa bao giờ chăn nuôi lại khó khăn như thời gian vừa qua.
Bắt đầu từ đầu năm 2013 giá gà đã giảm và từ tháng 10 năm ngoái đến tận tháng 4 năm nay giá gà giảm sâu đến mức kỷ lục chỉ còn 65.000 – 67.000 đồng/kg gà thịt và 3.000 đồng/con gà mới nở. Trong khi đó, đều đặn mỗi ngày trang trại của gia đình tôi xuất bán từ 1.000 – 1.200 con gà mới nở, tính ra lỗ khoảng 2 triệu đồng/ngày nhưng tôi vẫn phải cầm cự để giữ mối hàng và chờ thời điểm tăng giá.
Hiện nay giá gà đang tăng trở lại, chúng tôi đã bắt đầu có lãi giúp bù lại được ít nhiều chi phí sau cả một năm chăn nuôi thua lỗ. Theo kinh nghiệm của tôi, từ nay đến cuối năm giá gà thịt vẫn ổn định như mức hiện nay và có thể tăng thêm nữa, giá gà giống có thể tăng thêm 20 – 30% từ nay đến tháng 9”.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình chăn nuôi của địa phương từ đầu năm đến nay, ông Lê Xuân Thuật, Phó chủ tịch UBND xã Yên Hòa (Yên Mỹ) cho biết: “Trong những năm gần đây, chăn nuôi gà được xác định là hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang lại hiệu quả cao cho người dân của xã.
Tuy nhiên, thời gian qua do thị trường bất lợi đã khiến nhiều hộ chăn nuôi gà trong xã gặp khó khăn, thua lỗ dẫn đến người dân chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, thậm chí giảm số lượng đàn.
Nửa đầu năm nay, trên địa bàn xã, tổng số hộ chăn nuôi gà đã giảm 30% so với trước đó và tổng đàn gà giảm trên 20.000 con còn khoảng 70.000 con. Đến thời điểm này, giá gà đã tăng dần trở lại, người chăn nuôi đã có lãi, điều đó đã động viên, khích lệ người chăn nuôi tăng quy mô đàn”.
Cũng phải chịu lỗ một thời gian dài, anh Nguyễn Ngọc Minh, một người chăn nuôi lợn ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) nói: “Gia đình tôi nuôi 45 con lợn thịt và 3 con lợn nái.
Thời điểm quý 1 năm nay, giá lợn thịt và lợn giống xuống thấp kỷ lục (40.000 đồng/kg lợn thịt và 900.000 – 1.000.000 đồng/con lợn giống) gia đình tôi xuất chuồng trên 2 tấn lợn thịt và phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng.
Hiện nay, giá bán lợn thịt và lợn giống đã tăng khoảng 20% so với trước đó nên chúng tôi rất phấn khởi. Mong sao giá bán lợn thịt, lợn giống trong thời gian tới sẽ được duy trì ổn định như hiện nay thì chúng tôi mới có lợi nhuận và yên tâm đầu tư, tăng đàn”.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết: “Nguyên nhân của việc tăng giá các sản phẩm gia súc, gia cầm trong thời gian gần đây được cho là: do giá lợn, gà đã giảm một thời gian dài, theo quy luật thị trường không thể giảm mãi được và đây là thời điểm bắt đầu chu kỳ tăng; cũng vì giá bán các sản phẩm gia súc, gia cầm giảm trong thời gian dài dẫn đến người chăn nuôi phải cân nhắc, tính toán giảm đàn nên nguồn cung các sản phẩm này ra thị trường có phần giảm đẩy giá bán lên cao; thời điểm này cũng là lúc nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm của người dân bắt đầu tăng...
Theo nhận định của chúng tôi, từ nay đến cuối năm giá các sản phẩm gia súc, gia cầm sẽ cơ bản ổn định như mức hiện nay và khó có thể tăng đột biến hoặc giảm sâu như năm ngoái. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết cùng với các hoạt động chăn nuôi tái đàn phục vụ tiêu dùng dịp từ nay đến cuối năm tăng cao nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.
Chính bởi vậy, các hộ chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thực hiện tốt công tác tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại và kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn… qua đó góp phần bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi”.
Có thể bạn quan tâm
Con đường về thôn Quyết Thắng trải bê tông giờ đã rộng rãi đẹp hơn; những cánh rừng trồng, những thửa ruộng lúa mùa hạ xanh mướt một màu no ấm, đưa chúng tôi về thăm gia đình CCB Vi Hữu Nhân, một tấm gương vượt khó, từ hai bàn tay trắng khi ra quân, sau 15 năm lập nghiệp nơi đất mới, anh đã trở thành một trong những CCB làm kinh tế giỏi, XĐGN xuất sắc của phường Ngọc Hà thành phố Hà Giang.
Đúng như nhận định của nhiều nhà vườn, thị trường nông sản năm nay vẫn là một ẩn số khó “dò”. Bên cạnh những nông sản “được giá”, đầu ra ổn định thì một số loại trái cây khác như dâu xanh, dâu vàng, thậm chí măng cụt, chôm chôm dù mới vào mùa đã có dấu hiệu “rớt giá”.
Thị xã Ngã Bảy đang chuẩn bị ra mắt xã nông thôn mới (NTM) cuối cùng và trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM.
Nhà nước cần có các cơ chế bảo vệ doanh nghiệp như chỉ cho phép doanh nghiệp có vùng nguyên liệu được xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với nông dân...
Sau nhiều năm gắn bó với chốn thị thành náo nhiệt của TP.Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), do đam mê nghề chăn nuôi nên Phạm Minh Quang đã rời bỏ mảnh đất yêu thương của mình mà đến xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) lập nghiệp, cuộc sống đã bắt đầu thay đổi từ đây.