Giá giảm, mục tiêu xuất khẩu 165 tỷ USD đang gặp nhiều thách thức
Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại buổi giao bao trực tuyến do do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay 30/11.
Xuất khẩu nông lâm sản giảm mạnh
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu cả doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 43,56 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 101,6 tỷ USD tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, như xuất khẩu điện thoại tăng 29,6%, hàng dệt may tăng 9,1%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 38,2%, giày dép tăng 16,3%.
Tuy nhiên, việc giá dầu thô giảm mạnh cộng với sự sụt giảm của nhóm hàng nông lâm sản và khoáng sản, đang gây áp lực lớn đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm nay.
Cụ thể, sau 11 tháng, xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 4,64 tỷ USD, giảm 45,4% so với cùng kỳ năm ngoài (tương đương mức giảm 3,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái), riêng dầu thô giảm 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 18,9 tỷ USD, giảm 7,6% về giá so với cùng kỳ năm 2014, (tương đương giảm 1,56 tỷ USD).
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep, xuất khẩu mặt hàng thủy sản đến hết tháng 11 đã giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến năm nay chỉ đạt hơn 7 tỷ USD (giảm mạnh so với mục tiêu ban đầu đề ra là 8,7 tỷ USD).
Trong đó, giảm nhiều nhất là mặt hàng tôm, khi chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với năm ngoái.
Nguyên nhân theo Vasep là do giá giảm, nếu tính từ giữa năm 2014 đến thời điểm này, mặt hàng tôm đã giảm 30% về giá do vậy đã ảnh hưởng chung đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm của mặt hàng cá tra cũng làm hụt thu cho ngành khoảng 100 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Khối FDI xuất siêu gần 15 tỷ USD
Ở chiều ngược lại, báo cáo của Vụ Kế hoạch cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập 62,3 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập 90,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 45,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 25,6 tỷ USD, tăng 29,3%; ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, tăng 4,5%; Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng 14,9%; EU đạt 10 tỷ USD, tăng 24,2%; Mỹ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 28,5%.
Nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước tiếp tục tăng cao, như nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 25,7% so với cùng kỳ; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 27,7%; điện thoại các loại tăng 29,7%; vải và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đều tăng trên 8%.
Như vậy, trong tháng 11, Việt Nam ước tính đã nhập siêu 200 triệu USD.
Tính chung 11 tháng, cả nước nhập siêu khoảng 3,78 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,78 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 15 tỷ USD.
Có thể thấy, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 như kế hoạch đề ra từ đầu năm thì tháng 12 kim ngạch xuất khẩu sẽ phải đạt 16,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và sức mua tại nhiều thị trường lớn còn phục hồi chậm thì những yêu cầu đặt ra như trên đang rất khó khăn.
Do vậy, tại buổi giao ban, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã yêu cầu các Vụ, Cục chức năng đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm chi phí, hỗ trợ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường tăng cường các giải pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại, cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp nhằm quản lý nghiêm các mặt hàng đầu vào phục vụ chăn nuôi, không để các chất cấm có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất và nuôi trồng.
"Tất cả các đơn vị phải nghiêm chỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, qua đó phấn đầu hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra cho ngành công thương," Thứ trưởng kết luận.
Có thể bạn quan tâm
Gia đình ông Đa có 6.000 m2 đất trồng 75 cây sầu riêng hạt lép giống Ri 6 và Monthong, trong đó có 1.500 m2cây 6 năm tuổi và 4.500 m2 cây 12 năm tuổi, từ năm 2009 đến nay ông xử lý thành công sầu riêng ra hoa trái vụ khắc phục tình trạng "được mùa, thất giá".
Hơn 2 năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi nên nhiều nhà nông ở phường 2 (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) đã có được thu nhập tăng thêm đáng kể so với một số cây trồng khác.
Nguyên nhân do hiện đang là mùa khô, mùa thu hoạch rộ của hành tây, đồng thời cũng là thời điểm su su kém phát triển nhất trong trong năm.
Những chuyến tham quan, trao đổi kinh nghiệm ở các nước có nền nông nghiệp phát triển dù ngắn ngủi nhưng cũng đủ giúp thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều nông dân TP.HCM.
Trong vụ hè thu năm nay, huyện Tuy Đức đã gieo trồng được hơn 5.000 ha cây trồng các loại. Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giúp cây trồng phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất cao.