Giá Cá Tra Tăng Bất Thường?

Những ngày qua, giá cá tra ở Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng mạnh. Song, thay vì phấn khởi, vui mừng, nông dân lại thấy lo bởi nhiều khả năng đây chỉ là cơn “sốt giá ảo”.
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp (DN) mua ở mức 25.000 - 25.500 đồng/kg, tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Với giá này thì nông dân có lãi khoảng 2.000 đồng/kg. Do thua lỗ triền miên trong nhiều năm qua nên người nuôi treo hầm khá nhiều. Vì vậy, hiện nay dù giá cá tăng nhưng chẳng có bao nhiêu nông dân được hưởng lợi. Phần lớn các hộ trúng giá đợt này là “kì cựu” trong nghề.
Theo ông Lê Hồng Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản huyện Châu Thành thì nguyên nhân chính khiến cá tra tăng giá mạnh là do nguồn nguyên liệu đang cạn dần. Nếu như vài năm trước đây, huyện Châu Thành có hơn 200ha nuôi cá tra nguyên liệu thì hiện nay chỉ còn “cầm cự” khoảng 100ha. Phần lớn người nuôi bị thua lỗ nhiều vụ liên tiếp, cạn vốn đầu tư, thậm chí lâm nợ buộc phải treo ao.
Hiệp hội Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang cố gắng tự chủ nguồn cá tra nguyên liệu, nhưng thực tế chỉ đáp ứng 60 - 65%, phần còn lại doanh nghiệp vẫn phải sử dụng nguồn cá bên ngoài của nông dân. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho hay, hiện cá tra của công ty vẫn chưa tới cỡ sản xuất nên phải mua thị trường bên ngoài, doanh nghiệp đang “khát” nguyên liệu.
Cũng từ thông tin cá tra tăng giá mạnh, nhiều nông dân “kì cựu” trong nghề nuôi cá tra nhận định, có thể đây chỉ là việc tăng giá ảo của thị trường. Bởi hiện nay thị trường xuất khẩu cá tra chưa thật sự bền vững, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Đông Âu... Do đó, việc xuất hiện thông tin “sốt” giá cá tra xuất khẩu là chưa chính xác.
Hiện nay, các vùng cá tra đang bắt đầu vào vụ mới, thêm vào đó việc giá cá tra thương phẩm tăng mạnh khiến lượng cá giống hút hàng. Chỉ so với tháng trước, cá tra giống tăng 40 - 45%, tuỳ kích cỡ. Hiện, cá giống cỡ 2cm giá 1.100 - 1.200 đồng/con, tăng gần 600 đồng so với tháng trước.
Cá tra giống thiếu chỉ là nhất thời, do nhiều hộ quay trở lại thả nuôi cá thương phẩm. Tuy nhiên, một hệ lụy của việc tăng giá cá giống đột ngột là cá giống sản xuất sẽ kém chất lượng. Bởi có thể do thiếu giống nên một số cơ sở sẽ sản xuất chạy theo đơn đặt hàng và ép cá đẻ, dễ dẫn tới chất lượng cá con yếu, hao hụt cao. Do đó, các hộ nuôi cần thận trọng khi mua cá giống.
Để có được con giống có chất lượng, các hộ nuôi cần phải mua con giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, không nên mua con giống trôi nổi trên thị trường. Nếu chọn được cá giống có chất lượng tốt sẽ giúp cho người nuôi hạ thấp tỉ lệ hao hụt.
Trước thông tin về nhu cầu xuất khẩu cá tra tăng mạnh, kéo theo tình trạng hút cá nguyên liệu, đẩy mức giá tăng cao khiến cho nhiều hộ dân đổ xô thả giống.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh cho biết: “Với mức tăng 2.000 đồng/kg như hiện nay là mức giá ổn định phù hợp cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp. Tuy nhiên, nông dân cần thận trọng, không nên tăng diện tích ngoài vùng quy hoạch.
Để phát triển vững nghề nuôi và xuất khẩu cá tra trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc liên kết trên tinh thần đồng thuận, cùng chia sẻ lợi nhuận giữa các bên tham gia như người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu lẫn doanh nghiệp cung ứng thức ăn”.
Có thể bạn quan tâm

Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, năm nay các nhà vườn trong tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục đón một mùa nhãn bội thu. Trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi mang lại niềm vui cho người làm vườn sau khi mùa vải thiều vừa khép lại.

Viện khoa học nông nghiệp Tây Nguyên đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu bảo quản lạnh trái bơ sau thu hoạch". Chủ nhiệm đề tài, KS. Hoàng Mạnh Cường cho biết, thời gian bảo quản dài nhất đạt được đối với trái bơ qua các thí nghiệm là 18 ngày, trong đó giữ những khay/hộp trái bơ trong kho bảo quản có nhiệt độ duy trì 8 độ C trong 15 ngày và trưng bày trên kệ của cửa hàng có nhiệt độ không khí 20 độ C 3 ngày chờ khách mua.

Tiếp theo vải thiều Bắc Giang, vải Thanh Hà (Hải Dương), vụ nhãn 2015 nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm "tiến vua" sẽ lần đầu tiên được xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ và các nước.
Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các ứng dụng khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, ông Nguyễn Thanh Bình ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thu lời mỗi năm hơn 600 triệu đồng từ vườn cam mật.

Sau 3 năm triển khai diệt bệnh chổi rồng trên nhãn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đạt được kết quả khả quan. Ngành Nông nghiệp đã chuyển giao thành công cho nông dân cách xử lý phù hợp bằng các giải pháp giống, kỹ thuật canh tác và hóa học. Đồng thời, ngành chức năng tìm lối ra cho diện tích nhãn bị nhiễm bệnh nặng bằng hình thức chuyển đổi giống cây trồng hợp lý theo lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.