Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá cà phê cuối vụ tăng mạnh liệu có bền lâu

Giá cà phê cuối vụ tăng mạnh liệu có bền lâu
Ngày đăng: 28/09/2015

Liệu đợt tăng này có bền hay chỉ là cái bẫy chặn dòng hàng cà phê xuất khẩu một lần nữa?  

Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (nguồn: theice.com)

Giá bật mạnh từ đáy

Giá cà phê nội địa chạm mức 33,5 triệu đồng/tấn vào ngày 23-9, đó cũng được xem là đáy giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa của niên vụ 2014-15 vì chỉ còn vỏn vẹn đúng 3 ngày giao dịch nữa là qua niên vụ mới, bắt đầu từ ngày 1-10-2015.

Rất nhanh, giá cà phê tại nhiều nơi trên các tỉnh Tây Nguyên bừng dậy dũng mãnh, lên 36 triệu đồng/tấn vào chiều hôm qua thứ Sáu 25-9 và sáng nay 26-9 đang ở mức ấy, tăng 2,5 triệu đồng/tấn chỉ trong vòng 3 ngày giao dịch.

Giá tăng quá nhanh, người có hàng trong tay không khỏi bỡ ngỡ, đẩy giá kỳ vọng lên 38 triệu đồng/tấn thay vì mới đây họ nói chỉ cần trên 35 triệu đồng/tấn là sẽ bán. Mua bán đã trở lại tuy không nhộn nhịp như thời gian hàng hóa còn nhiều.

Thực giả chuyện giá tăng đợt này

Một số nguồn tin từ doanh nghiệp cà phê cho biết rằng đã có người trả giá mua cho các hợp đồng xuất khẩu mùa mới. Tuy nhiên, giá không được cao như các hợp đồng giao ngay bán thời gian gần đây.

Nếu như giá chào mua trước đây cho cà phê robusta loại 2, đen bể 5% tối đa giao hàng tháng 8 và 9-2015 được hỏi ở mức cộng 50-60 đô la Mỹ/tấn, nay cũng loại ấy cho giao hàng tháng 12-2015 trở đi chỉ quanh mức trừ 20 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) so với giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta London.

Hồ Nam, một nông dân có kinh nghiệm phát biểu:

Tôi nghĩ rằng lúc này cuối vụ giới kinh doanh quốc tế tăng giá để họ bán hết số hàng đã mua từ trước! Số hàng này bán ra bây giờ đang có mức giá cộng tới, qua đầu niên vụ mới họ sẽ mua vào với mức trừ lùi!

Hàng năm thường như thế, đầu niên vụ giá xuất khẩu thường được họ trả mức trừ thấp hơn giá niêm yết, có lúc lên tới trừ 120 đô la Mỹ/tấn, nên so với mức cộng hiện nay thì chênh lệch giữa hai mức cộng và trừ ấy rất cao.

Chỉ còn mấy ngày nữa là qua niên vụ mới, bán ra giá thấp cũng cần cân nhắc”.

Giá kỳ hạn tăng, liệu xuất khẩu còn căng?

Giá đóng cửa trên hai sàn kỳ hạn cà phê bất ngờ đảo chiều tăng cao sau khi chạm đáy 1.511 đô la/tấn vào ngày 22-9 rồi có khi tăng lên 1.608 đô la/tấn để đóng cửa chốt mức 1.596 đô la/tấn phiên giao dịch cuối tuần ngày hôm qua 25-9, tăng 85 đô la/tấn (xin theo dõi biểu đồ trên).

Như vậy, sàn kỳ hạn robusta London có một tuần giao dịch cuối niên vụ khá phức tạp và rủi ro. Đang theo đà giảm liên tục từ mức 1.740 đô la/tấn vào ngày 11-8 xuống mức sâu nhất của niên vụ là 1.511 đô la/tấn, giá robusta London đột ngột mạnh lên lại đầy ngỡ ngàng nhưng vui mừng khôn xiết của nông dân và doanh nghiệp còn hàng trữ chưa bán được.

Giá tăng ở thời điểm ngày cùng tháng tận của niên vụ cũ sẽ kích thích thị trường bán mạnh thêm dù giao hàng không thể kịp để tính vào kế hoạch năm cũ.

Sơ kết của bộ phận thống kê hải quan cho biết trong nửa đầu tháng 9-2015, xuất khẩu cà phê của cả nước ta chỉ đạt 40.616 tấn (giảm hơn một nửa so với mức xuất khẩu cà phê 92.000 tấn của tháng 8-2015) đưa tổng lượng xuất khẩu tám tháng rưỡi đầu năm 2015 đạt 920.021 tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2014.

Giá lên nhanh, nhiều người phấn khởi, nhưng ở giai đoạn hết sức “khó chịu” vì cận kề niên vụ mới 2015-16, hàng vụ cũ còn cũng không dồi dào, hàng vụ mới vẫn nằm trên cây.

Đứng trên vị thế của một nhà kinh doanh, bán trước để tranh thủ được giá cao hay chờ đợi?

Liệu bán rồi, nhỡ như mất mùa hay nhiều người lại kêu gọi trữ hàng chờ giá cao, thị trường “khô hàng” căng hơn cả khô hạn như năm ngoái dịp đầu niên vụ giá bùng lên… thì cũng “chết”… một loạt câu hỏi như thế làm các doanh nghiệp cà phê không có cơ sở sản xuất như nông trường, vườn cây, lại đang đói vốn đành “bó tay” chờ thời.

Nếu nay là lúc nên bán, họ chỉ biết tiếc nhìn cơ hội ra đi.

Thách thức lớn còn trước mặt

Tuy nhiên, một số chuyên gia ngành hàng cho rằng đợt tăng hiện nay có vẻ không chắc.

“Trước đợt giá tăng ngày 22-9 vừa qua, thị trường ước các quỹ đầu cơ trên sàn kỳ hạn robusta London đã bán khống một lượng hàng chừng 330.000 tấn.

Khi nhìn lại, vài tay chơi trên sàn kỳ hạn này đang giữ tồn kho đạt chuẩn chất lượng robusta khá lớn, chính xác là 205.950 tấn kiểm kê vào ngày 14-9.

Nếu tính số tồn kho ấy là lượng mua cần bán, cộng với lượng mua khống của các tay chơi này, phía mua (long position) thắng áp đảo về lượng, nên đầu cơ lo ngại thua lỗ khi giá trên sàn bị ép tăng, họ đành phải thoát bằng cách mua bù sớm để tránh hậu họa.

Đó là lý do chính của đợt tăng giá kỳ này do đầu cơ mua thoát vị thế bán khống làm giá tăng mạnh và nhanh."

Về trung và dài hạn, sức ép bán ra của lượng hàng thực vụ mới từ các nước sản xuất còn lớn vì sản lượng vụ mới vẫn còn đó.

Cộng với sức ép tâm lý từ các yếu tố bên ngoài như chính sách tiền tệ chi phối giá trên sàn rất mạnh.

Đó là đồng nội tệ của các nước sản xuất ở Nam và Trung Mỹ tạo nên nguồn bán cà phê xuất khẩu tăng không ngớt do phá giá đồng nội tệ của các nước như Brazil và Colombia.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đồng real Brazil (BRL) phá giá đến 35%, là một trong các nguyên nhân chính làm giá cà phê arabica trên sàn New York rớt mạnh, từ 225 xu/cân Anh (cts/lb) vào đầu niên vụ cũ nay chỉ còn quanh mức 123 cts/lb, giảm gần 50% (tương ứng với 4.960 và 2.710 đô la/tấn).

Một thách thức khác là Cục Dự trữ liên bang Mỹ gần đây lại bóng gió sẽ tăng lãi suất đồng đô la Mỹ vào cuối năm nay.

Nếu như quyết định này được thực hiện, thị trường tin rằng giá hàng hóa trên các sàn kỳ hạn sẽ giảm, đặc biệt khi sàn cà phê sử dụng đồng đô la Mỹ để giao dịch, nên có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp một cách tiêu cực nhiều hơn.


Có thể bạn quan tâm

Giúp Nông Dân Phát Triển Sản Xuất Bền Vững Giúp Nông Dân Phát Triển Sản Xuất Bền Vững

Trong hai ngày 9 và 10.4, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng đã đến làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp, hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi... của tỉnh Bạc Liêu.

12/04/2012
Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Rắn Kết Hợp Cá Sấu Thịt Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Rắn Kết Hợp Cá Sấu Thịt

Trong khi ở nhiều địa phương, rắn hổ hèo vẫn còn là mô hình mới và khó tìm đầu ra thì tại xã Phú Bình, huyện Phú Tân (An Giang) hàng chục hộ nông dân đã và đang mở rộng mô hình này với nhiều tín hiệu khả quan. Không chỉ giúp các hộ ăn nên làm ra, mà nghề nuôi rắn còn được kết hợp với nuôi cá sấu thịt theo quy mô trang trại, cho hiệu quả kinh tế khá cao.

12/04/2012
Nuôi Cá Chình Trong Bè Nuôi Cá Chình Trong Bè

Với một cái bè 16m2 được thiết kế rất đơn giản (chiều dài 4m, chiều ngang 2m và chiều cao 2m) đặt xuống lòng kênh Đồng Tiến phía trước nhà, vào cuối năm 2009, ông Lâm thả tổng cộng 50kg cá chình giống vào bè nuôi. Trước khi thả cá giống, ông vệ sinh bè sạch sẽ bằng vôi bột rồi ngâm dưới mặt nước nhiều ngày

06/12/2011
Su Hào Không Được... Xu Nào Su Hào Không Được... Xu Nào

Vụ đông vừa qua, người dân xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) thất thu bởi giá hành tây quá thấp. Giờ su hào cũng rơi vào thảm cảnh với giá chỉ 300 đ/củ.

13/04/2012
Quản Lý Oxy Hoà Tan Quản Lý Oxy Hoà Tan

Hàm lượng oxy hòa tan trong ao có vai trò quan trọng không chỉ đối với đời sống của tôm nuôi mà còn ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác trong môi trường ao nuôi. Oxy bị mất đi chủ yếu do quá trình hô hấp của tôm, cá, tảo, vi khuẩn và phân hủy các vật chất lắng tụ ở đáy ao...

09/12/2011