Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ghi Nhận Sau Chiến Dịch Phòng Trừ Sâu Cuốn Lá Nhỏ Bảo Vệ Lúa Mùa

Ghi Nhận Sau Chiến Dịch Phòng Trừ Sâu Cuốn Lá Nhỏ Bảo Vệ Lúa Mùa
Ngày đăng: 23/08/2014

Chưa năm nào người nông dân Thái Bình lại chứng kiến nạn sâu cuốn lá nhỏ hoành hành dữ dội như vụ mùa năm nay. Sâu hại trên 100% các giống lúa, trà lúa ở tất cả các huyện, thành phố với mật độ cao gấp 7 - 10 lần so với trung bình nhiều năm.

Trước tình hình sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện rộng, từ ngày 16 - 20/8 nông dân toàn tỉnh đã tổ chức đợt phun thuốc phòng trừ trên lúa xuân. Mặc dù thời gian của chiến dịch là 5 ngày song nhiều địa phương tập trung phun trong 2 ngày đã cơ bản xong, tỷ lệ sâu chết khá cao, trên 80%.

Tuy nhiên do mật độ sâu cuốn lá nhỏ đợt này quá cao, tình hình các lứa sâu nở gối phức tạp nên mật độ sâu cuốn lá nhỏ còn lại sau 3 ngày phun thuốc vừa qua vẫn còn rất cao, bình quân 80 - 120 con/m2, nơi cao 200 - 300 con/m2.

Ðặc biệt, mật độ sâu cuốn lá nhỏ còn lại sau phun thuốc đợt 1 còn cao hơn mật độ sâu thời điểm khi chưa phun thuốc cùng kỳ năm 2013 và nhiều năm trước; nếu không phòng trừ triệt để thì lượng sâu cuốn lá nhỏ còn lại sẽ gây thiệt hại nặng nề cho lúa mùa năm 2014.

Ðể bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa vụ mùa, ngày 18/8, UBND tỉnh đã có Công điện số 07/CÐ-UBND về việc tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 2 bảo vệ lúa mùa năm 2014, yêu cầu các các địa phương tập trung tuyên truyền để bà con nông dân đồng loạt phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 2 cho toàn bộ diện tích lúa mùa. Thời gian từ 19 - 21/8 (thời điểm phun thuốc đợt 2 cách đợt 1 là 3 ngày).

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Chỉ sau một ngày phát động đợt 2, nông dân toàn tỉnh đã phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho hơn 32.000 ha, đạt trên 35% diện tích. Một số huyện đạt tỷ lệ phun cao như Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Ðông Hưng…

Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên trên 11.000 ha lúa mùa của huyện Hưng Hà sinh trưởng, phát triển tốt, lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng.

Tuy nhiên, trên đồng ruộng sâu bệnh diễn biến phức tạp. Ông Vũ Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngay sau khi có công điện của UBND tỉnh, UBND huyện Hưng Hà đã tổ chức họp triển khai chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm cho toàn bộ diện tích lúa mùa từ ngày 15 -18/8.

Các biện pháp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh được tuyên truyền đến tận hộ nông dân qua hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở mỗi ngày 5 lần và xe lưu động đi đến từng khu dân cư tuyên truyền để mọi người dân biết mức độ nguy hại của sâu bệnh, hướng dẫn bà con kỹ thuật phun trừ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) để đạt hiệu quả cao. Ðến ngày 17/8, 100% diện tích lúa mùa của huyện đã được phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Tuy nhiên, do mật độ sâu còn cao nên trong 2 ngày 18 và 19/8, UBND huyện đã thành lập 9 đoàn công tác gồm các đồng chí lãnh đạo huyện, trưởng các ban, ngành, đoàn thể cùng cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật trực tiếp xuống các cánh đồng để chẻ sâu, xác định mật độ sâu của từng vùng, từng xã. Ðồng thời tiếp tục phát động phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 2 từ ngày 18 - 21/8.

Do thời tiết những ngày này bất thuận, mưa nhiều nên đến ngày 20/8, toàn huyện mới phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đạt khoảng 40% diện tích. Hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung ra đồng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông phối hợp với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bám sát đồng ruộng hướng dẫn nông dân kỹ thuật phun thuốc, thực hiện các biện pháp thâm canh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Tuyệt đối không phun thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa, không bón đạm nuôi đòng, nuôi hạt. Ðiều tiết nước hợp lý để tăng hiệu lực của thuốc.

Cũng như ở Hưng Hà, những ngày này, cán bộ ngành nông nghiệp huyện Vũ Thư cũng “căng” hết sức mình để theo dõi tình hình sâu bệnh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương tiếp tục tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Tranh thủ thời tiết hửng nắng, trên nhiều thửa ruộng, bà con nông dân xã Việt Hùng đã tập trung ra đồng phun thuốc lần hai.

Thời tiết những ngày này mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển nên việc phòng trừ cũng gặp không ít khó khăn. Hiện toàn huyện mới chỉ phun được khoảng 30% diện tích. Các địa phương đang tập trung tuyên truyền bà con nông dân phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 2 xong trước ngày 22/8.

Chị Hoàng Thị Hằng (thôn Lộc Ðiền, xã Việt Hùng) cho biết: Nhà tôi cấy hơn một mẫu lúa, năm nay lúa tốt lắm, đang chuẩn bị làm đòng nhưng sâu bệnh nhiều quá phải phun thuốc lần hai theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với nỗ lực của bà con nông dân trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, hy vọng lúa mùa năm 2014 sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, làm tiền đề để các địa phương tiếp tục giành thêm một vụ mùa đạt năng suất, sản lượng cao, tạo đà cho sản xuất vụ đông sắp tới.


Có thể bạn quan tâm

11,6 Triệu Con Tôm Bị Bệnh Hoại Tử Gan Tụy Cấp Tính 11,6 Triệu Con Tôm Bị Bệnh Hoại Tử Gan Tụy Cấp Tính

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, tại xã An Hiệp, An Ninh Đông (Tuy An) đã có 21ha tôm thẻ chân trắng với khoảng 11,6 triệu con (từ 30 đến 45 ngày tuổi) bị chết do mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Nguyên nhân do môi trường nước bị ô nhiễm làm cho dịch bệnh lây lan nhanh.

07/10/2013
Tỷ Phú Nuôi Ngao Ở Nam Định Tỷ Phú Nuôi Ngao Ở Nam Định

Từ lâu đã được nghe về năng lực và hiệu quả của việc sản xuất ngao giống tại Nam Định nhưng phải đến bây giờ, chúng tôi mới có điều kiện để đích thị đến thăm cở sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Cửu ở xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy. Tin đồn quả không sai!

07/10/2013
Giá Trứng Hạ, Người Nuôi Cút Gặp Khó Giá Trứng Hạ, Người Nuôi Cút Gặp Khó

Hơn tháng qua, giá trứng cút liên tục giảm khiến cho người nuôi ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) gặp khó khăn; nhiều hộ phải giảm đàn, bỏ trống chuồng.

07/10/2013
Hội Thảo Kỹ Năng Chăn Nuôi Và Dự Phòng Lây Nhiễm Bệnh Trên Động Vật Hội Thảo Kỹ Năng Chăn Nuôi Và Dự Phòng Lây Nhiễm Bệnh Trên Động Vật

Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - Anh quốc vừa phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Chi cục thú y Đồng Tháp tổ chức chương trình Hội thảo kỹ năng chăn nuôi và dự phòng lây nhiễm bệnh trên động vật. Trên 60 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Châu Thành tham gia.

07/10/2013
Nghề Nuôi Ong Lấy Mật Nghề Nuôi Ong Lấy Mật

Ở xã chuyên canh nhãn Nhị Quí (Cai Lậy - Tiền Giang), ngoài vườn cây ăn trái, nhiều hộ dân đã gắn bó lâu năm với nghề nuôi ong lấy mật. Nuôi ong chi phí đầu tư không cao, đem lại thu nhập khá nếu nắm vững kỹ thuật chăm sóc và có niềm đam mê với nghề.

07/10/2013