Ông vua gấc Nguyễn Công Suất làm nông nghiệp phải có tri thức
Trong 15 năm đã qua, ông "vua gấc" Nguyễn Công Suất đã đem nhữnghạt gấc đi phổ biến cho người dân khắp nơi để gieo trồng, rồi ông lại thu mua gấc để làm nguyên liệu chế biến ra dầu gấc. Thương hiệu dầu gấc VINAGA mà ông xây dựng giờ đã nổi tiếng trên cả thế giới.
Cây gấc vốn là một cây trồng mọc tự do ở bờ ao, tường rào xuất hiện khá nhiều ở các vùng quê Việt Nam, thường được người dân sử dụng để nấu xôi. Ý tưởng nào dẫn ông đến việc chế biến quả gấc thành dầu thực vật?
- Năm 1990, khi còn làm ở Bệnh viện 108, tôi được tham gia làm một dự án chuyên về gan mật, liên quan đến vấn đề chất độc da cam dioxin, đây chính là bước ngoặt dẫn tôi đến với cây gấc. Lúc đầu, để trị bệnh cho các nạn nhân nhiễm dioxin, các bác sĩ chủ yếu dùng các sản phẩm hóa dược như vitamin A liều cao, beta caroten, nhưng những chất này có khả năng gây ngộ độc rất cao.
Vì thế, đã có một bác sĩ đề xuất dùng thửdầu gấc để trị bệnh và tôi được giao tham gia nghiên cứu về gấc. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã đi đến rất nhiều nơi để thu thập, tìm hiểu về gấc và tôi nhận thấy, bản thân cây gấc còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, có thể giúp người dân thêm thu nhập.
Tới năm 1992, tôi đã chính thức nghiên cứu ra được công thức chế biến dầu gấc, nhưng do còn mới nên thời đó không có công ty nào chịu hợp tác với tôi để sản xuất cả, vì họ còn lo về tính khả thi của việc chế biến này.
Ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc công ty Vinaga.
Quá trình nghiên cứu đó, ông nhận thấy tiềm năng của cây gấc như thế nào, bà con nông dân liệu có thể làm giàu từ cây gấc?
- Gấc là cây dễ trồng, có thể sống ở mọi địa hình từ bờ dậu, bờ rào cho đến bờ mương, đồi núi… chỗ nào gấc cũng có thể leo được, chi phí đầu tư lại thấp, không phải phun thuốc trừ sâu. Hiện nguồn nguyên liệu gấc dùng để chế biến ra dầu rất thiếu do gấc khó trồng tập trung ở một vùng, một khu nào cả, mà được trồng rải rác ở nhiều nơi.
Như công ty chúng tôi đã xây dựng được vùng nguyên liệu gấc hàng nghìn ha ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và mới đây, tôi cũng đã cho phát triển ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang. Ở những nơi đã trồng, gấc đều phát triển rất tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Có một điều khó đối với bà con nông dân, cũng như các chủ trang trại là muốn phát triển gấc, nhưng không biết mua gấc ở đâu và bán đi đâu, hiệu quả kinh tế ra sao. Ông chia sẻ như thế nào về vấn đề này?
- Có thể nói, gấc là một giống rất độc đáo, chỉ nước ta mới có nguồn giống này, hiện chúng tôi đã nhân được giống gấc với số lượng lớn và sẵn sàng cung ứng giống cho bà con nông dân có nhu cầu. Vừa qua, có một số doanh nhân Nhật Bản cũng sang tìm hiểu, đặt vấn đề với chúng tôi về việc hợp tác cung cấp nguồn nguyên liệu gấc.
Theo đó, họ chỉ cần chúng ta sơ chế bóc tách lớp vỏ bên ngoài, còn phần ruột gấc họ sẽ thu mua trực tiếp để đưa về nước chế biến. Tôi muốn nói như thế để bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho cây gấc.
Hiện công ty chúng tôi cũng sẵn sàng thu mua gấc với số lượng lớn về để phục vụ nhà máy chế biến tại Nội Bài, Hà Nội với công suất 5.000 tấn quả/năm. Chỉ có điều do cây gấc thường được trồng phân tán, nên đòi hỏi khi trồng bà con cần phải có sự liên kết với nhau, khi đó mới tạo ra được số lượng lớn, việc tiêu thụ mới thuận lợi.
Còn về hiệu quả kinh tế, có thể khẳng định trồng gấc là “làm chơi, ăn thật”, bà con nông dân chỉ việc trồng cây gấc xuống đất và đợi ngày thu quả. Dàn để gấc leo cũng được làm bằng những vật liệu đơn giản như cọc tre, dây điện thoại thải… nên không tốn kém.
Thường mỗi gốc gấc cho ra tầm 20-30 quả, trọng lượng 1-1,5kg với giá bán khoảng 80.000-90.000 đồng/kg, chỉ cần trồng một gốc gấc nếu chăm sóc tốt, đã có thể thu về từ 3-4 triệu đồng.
Mọi người vẫn gọi ông là Suất “gấc”. Từ một vị bác sĩ trở thành một doanh nhân thành đạt của ngành nông nghiệp, lại giúp nhiều bà con nông dân có thêm thu nhập, ông thấy việc đầu tư và làm nông nghiệp ở nước ta hiện nay có khó không, có giàu được không?
- Từ lâu, mọi người vẫn quan niệm làm nông nghiệp là nghèo, thu nhập thấp nên không mấy người mặn mà làm nông nghiệp. Cá nhân tôi thì cho rằng, ngày nay làm nông nghiệp cũng cần phải là người trí thức có tri thức, có vốn mới được. Chúng ta phải thay đổi tư duy, làm nông nghiệp tức chỉ cần làm theo thói quen, mà không cần kiến thức kỹ thuật đây là điều hết sức sai làm.
Tôi được biết, hiện có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đổ vốn đầu tư vào làm nông nghiệp, ngay như ở Lương Sơn (Hòa Bình) đã có người bỏ ra cả mấy tỷ đồng để đầu tư trồng 200ha gấc.
Đó là một người làm ở một doanh nghiệp bất động sản, hôm gặp tôi, anh ấy bảo, nói thật nói đầu tư mấy tỷ đồng vào nông nghiệp tưởng to nhưng cũng chỉ bằng một căn nhà chung cư, nhưng cái thiếu của em là về kinh nghiệm, kỹ thuật, chứ thực ra xét về lý thuyết và tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp vẫn ổn định hơn cả.
Tôi cho rằng, thực tế nhà nước không cần có quá nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, mà hãy để những doanh nhân, những người có điều kiện họ tự suy nghĩ, tìm tòi ra hướng đi đúng, còn nhà nước chỉ nên giữ vai trò định hướng, quy hoạch các vùng sản xuất là đủ.
- Với những thành công sau 15 năm gây dựng ngành chế biến dầu gấc, tới đây ông sẽ có dự định gì để đưa cây gấc vươn xa?
Có thể nói, hiện các sản phẩm dầu gấc của Việt Nam đã trở thành thương hiệu, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Nhật Bản, EU…
Tới đây, tôi dự định sẽ hợp tác với đối tác Nhật Bản để thu mua, sơ chế và bán nguyên liệu (ruột gấc) cho họ. Song chỉ có điều, nguồn nguyên liệu hiện vẫn chưa đáp ứng được, vì thế ngoài các tỉnh miền Bắc chúng tôi cũng đang nghiên cứu và mở rộng diện tích gấc vào các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị. Tôi cũng cho rằng, tiềm năng của cây gấc là rất lớn và còn nhiều cơ hội để phát triển.
Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ này!
Gấc là một loại cây bán hoang dại, cây leo và chu kỳ gieo trồng đến thu hoạch khoảng 9 tháng đến 1 năm. Trung bình một gốc gấc cho thu hoạch 20 – 30 quả, khi chín trọng lượng quả đạt 1 – 1,5 kg. Gấc là một loại cây trồng có sức chống chịu tuyệt vời, chưa thấy sâu bệnh hại, thân lá gấc có mùi hôi nên trâu bò ít phá.
Gấc là cây không kén đất và chỉ cần một khoảng đất nhỏ đã có thể trồng được một gốc, một gốc có tuổi thọ 15 – 20 năm, đầu tư rất thấp, nhưng hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến hết tháng 4/2015, diện tích nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh Quảng Trị đạt 1.306 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đó là kết quả khảo sát mới nhất do Hiệp hội Cá tra Việt Nam công bố. Đến tháng 4-2015, địa phương đứng đầu về diện tích thả nuôi cá tra tại ĐBSCL là Đồng Tháp (393 héc-ta, sản lượng 125.362 tấn), kế đến là Bến Tre (221 héc-ta, sản lượng 40.570 tấn), An Giang xếp thứ 3 (170 héc-ta, sản lượng 69.512 tấn), đứng sau là Cần thơ (109 héc-ta, sản lượng 34.552 tấn).
Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh), tính đến thời điểm ngày 3-6, diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố là 280,42 ha/1020 ha; số hộ bị ảnh hưởng là 383 hộ.
Sau những cơn mưa đầu mùa, người dân ở các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang soi ếch đồng bán được giá cao kỷ lục so với những mùa mưa trước đây. Hiện một kg ếch ở các chợ xã, huyện trong tỉnh được thương lái thu mua với giá 100.000 - 110.000 đồng/kg, sau đó bán lại với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Thu nhập 6 triệu đồng/lần xuất chuồng bán là lợi nhuận có được từ mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Hồ Hoàng Tân, khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ (ảnh).