Gạo Nhân Tạo Ở Bogor Ngon Thật!
Mới ra đời từ năm 2011, “gạo nhân tạo” còn quá mới để thuyết phục người tiêu dùng, nhưng dù sao hướng đi của các nhà khoa học Indonesia trong chuyện tìm kiếm sản phẩm thay thế gạo hoàn toàn đúng đắn. Bài học “gạo nhân tạo” của Indonesia đáng để nhiều quốc gia học hỏi.
“Các bạn hãy thưởng thức những chiếc bánh do chúng tôi làm bằng sản phẩm thay thế gạo rồi cho biết cảm nghĩ”, GS.TS Purwiyatno Hariyadi – giám đốc trung tâm Công nghệ, khoa học nông nghiệp và thực phẩm Đông Nam Á (SEAFAST) thuộc đại học Nông nghiệp Bogor (Indonesia) – nói như thế với đoàn nhà báo khoa học Việt Nam tham quan SEAFAST vào sáng ngày 23.4.
Trước chuyến đi Bogor (Indonesia), tôi định bụng phải ăn bằng được những sản phẩm của SEAFAST để biết sản phẩm thay thế gạo là gì và “gạo nhân tạo” (artificial rice) – sáng tạo chính của SEAFAST – có khác gì gạo tự nhiên hay không. Tôi đã thoả mãn bước đầu, những chiếc bánh làm từ sản phẩm thay thế gạo – thành phần là nhiều loại củ và chất xơ sẵn có ở Indonesia – mang màu vàng nâu, mềm dẻo, nhưng lại không quá ngọt. Không chỉ tôi, các thành viên trong đoàn đều tấm tắc khen ngon.
Ý tưởng tạo ra sản phẩm thay thế gạo xuất phát từ thách thức rất lớn mà đất nước vạn đảo đang đối mặt: diện tích trồng lúa không nhiều, manh mún, trong khi dân chúng rất chuộng gạo và dân số tăng quá nhanh.
Thống kê cho thấy Indonesia là một trong những quốc gia tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới khi mỗi đầu người tiêu thụ 140kg gạo/năm, trong khi cứ mỗi mười năm nước này lại có thêm… 75 triệu miệng ăn (dân số Indonesia hiện nay là 240 triệu)! Do đó, dù là nước sản xuất gạo đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng Indonesia lại nhập khẩu gạo và lệ thuộc nhiều vào gạo.
SEAFAST nghiên cứu rất bài bản. Những sản phẩm thay thế gạo làm ra đều phải qua khâu nếm thử, đánh giá cảm quan, mùi vị trước khi tung ra thị trường. Chuyên viên tư vấn Dase Hunaefi dẫn chúng tôi tham quan phòng thí nghiệm đánh giá cảm quan, ở đây có những ô nhỏ dành cho người ngồi nếm thử thực phẩm. Công việc những người này đơn giản nhưng rất quan trọng, thưởng thức những mẫu thực phẩm làm ra bởi SEAFAST rồi cho điểm.
Có thể xem “gạo nhân tạo”, là sản phẩm tiêu biểu của SEAFAST. Trong tiếng Bahasa (ngôn ngữ chính của Indonesia), người ta gọi là “beras analog” nghĩa là “gạo tương tự” vì nó có hình dạng như gạo nhưng lại được làm bằng bột của bắp, lúa miến (sorghum), sago (một loại cây cọ), bổ sung thêm chất xơ, chất chống ôxy hoá và vài thành phần khác.
Lợi ích chính của “gạo nhân tạo” là nó được nấu trực tiếp không cần phải vo như gạo tự nhiên. Thế nhưng giá nó vẫn còn khá đắt, tuỳ theo thành phần bổ sung mà giá mỗi ký từ 9.000 – 14.000 rupiah (18.000 – 28.000 đồng), vì thế nó chỉ phù hợp với người khá giả trở lên.
Hành trình khám phá SEAFAST của chúng tôi kết thúc hơn giữa trưa, bằng việc thưởng thức món cơm Indonesia nấu bằng “gạo nhân tạo” tại một trung tâm thương mại. Phải ăn một lần cho biết.
Về mặt cảm quan, sau khi nấu xong, “gạo nhân tạo” không khác gì gạo tự nhiên, nhưng ăn vào thì cảm nhận ngay độ dẻo và mùi vị của bắp. “Tôi không thích ăn lắm”, Harry Surjadi, nhà báo khoa học Indonesia cùng ăn với chúng tôi, không hề giấu giếm.
Mới ra đời từ năm 2011, “gạo nhân tạo” còn quá mới để thuyết phục người tiêu dùng, nhưng dù sao hướng đi của các nhà khoa học Indonesia trong chuyện tìm kiếm sản phẩm thay thế gạo hoàn toàn đúng đắn.
Tận dụng nguồn nông sản bản địa sẵn có, đa dạng nguồn lương thực để không phụ thuộc vào bất kỳ cây trồng nào là bài học cho con người khi thiên nhiên là hữu hạn nhưng nhu cầu nhân loại lại vô hạn.
Với mục đích nâng cao nhận thức của con người về chuyện này, từ năm 2012 đại học Nông nghiệp Bogor đã phối hợp với chính quyền thành phố Depoka, Tây Java, phát động chiến dịch “Một ngày không gạo”.
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã cho thành lập 11 khu bảo vệ thủy sản, với tổng diện tích gần 350, chiếm khoảng 1,5% diện tích đầm phá. Nền tảng để duy trì các khu bảo vệ thủy sản này chủ yếu dựa vào cộng đồng, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ và hưởng lợi của người dân.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tỉnh Lạng Sơn, hiện nay công tác phòng chống rét cho cá trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, nhằm giúp cá lưu qua đông khỏe mạnh, đáp ứng số lượng, chất lượng giống cho vụ nuôi sau và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Ngày 23 tháng Chạp đang đến gần, các trại giống đang tất bật xuống ao quăng chài, thả lưới vây bắt cá chép để phục vụ lễ cúng tiễn ông Táo về trời.
Thiên nhiên thật hào phóng, ban tặng cho người dân ở vùng châu thổ Mê Kông một loài cá quý có tên là bông lau (loài hoa trắng). Cá thuộc loại da trơn, thịt trắng, thơm ngon. Giới sành điệu gọi là “đệ nhất da trơn” vì có giá trị cao gấp 10 lần cá tra. Hằng năm, khi nước dưới sông chuyển màu từ đục sang trong, cơn gió chướng bắt đầu thổi, là lúc người dân trong vùng bước vào mùa đánh bắt.
Là huyện trung du miền núi thấp, trừ một số ít xã nằm dọc đôi bờ sông Lam, đất Thanh Chương (Nghệ An) là cả một chuỗi nối nhau của những quả đồi hình bát úp. Ở đó, dưới tán mít, đồi cọ trải dài, những chú gà thơ thẩn kiếm ăn đã làm nên một thương hiệu riêng không thể lẫn - gà đồi Thanh Chương, góp thêm một món ăn độc đáo của vùng đất này ngoài quả tro, nhút mít.