Gần 100% diện tích mía được bao tiêu

Theo đó, các DN, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân được 11.225 ha mía, chiếm hơn 96% diện tích mía trong tỉnh. Trong đó, Cty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã ký 9.467 ha, Cty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Losuco) đã ký 1.785 ha, với giá dự kiến ban đầu dao động từ 750-950đ/kg tùy theo chữ đường mía ở thời điểm thu hoạch, tương đương với giá năm 2014.
Cụ thể, Casuco đưa ra mức giá bao tiêu là 830đ/kg, mía 10 chữ đường, cân tại cầu cảng nhà máy. Đối với Losuco, mức giá thu mua là 750-780đ/kg, thu mua tại ruộng, còn cân tại cầu cảng nhà máy là 950đ/kg, mía 10 chữ đường. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giá sàn ban đầu, giá sẽ còn tăng nếu thời điểm thu hoạch mà giá đường, giá mía nguyên liệu trên thị trường tăng, nhà máy sẽ có mức điều chỉnh tăng hợp lý, có lợi cho người dân.
Điều mà người trồng mía chưa hài lòng, mặc dù các nhà máy đã ký kết bao tiêu đầu ra nhưng chưa có sự thống nhất về thời gian vào vụ ép mía cũng như giá cả thu mua giữa các nhà máy đường.
Theo kế hoạch, Casuco dự kiến vào vụ ép từ ngày 15 - 20/9, (tương đương cùng kỳ năm trước) để mía đạt năng suất và chữ đường tốt nhất, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng mía và DN. Losuco dự kiến vào vụ vào ngày 15/8, vì giống mía chín sớm (ROC 16) năm nay chiếm diện tích khá lớn. Hiện mía gần đạt độ chín và vùng mía của Losuco bao tiêu chủ yếu là vùng trũng, thường bị ngập khi lũ về nên công ty chỉ có thời gian thu mua đến tháng 11 phải dứt điểm.
Nhằm đảm bảo quyền lợi, giá đầu ra có lãi cho người trồng mía, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các nhà máy khẩn trương hoàn tất công tác sửa chữa trang thiết bị và cố gắng ký kết hết diện tích mía trên địa bàn tỉnh. Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra công tác thu mua, đo chữ đường khi vào vụ chính thức nhằm đảm bảo tính khách quan và quyền lợi cho người trồng mía.
Về thời gian, thống nhất bắt đầu vào vụ vào ngày 10/9 đối với vùng mía huyện Phụng Hiệp, đây là vùng trũng, khả năng bị ngập lũ rất lớn. Riêng các địa phương còn lại sẽ vào vụ từ đầu tháng 10. Đối với giá thu mua, căn cứ theo mức giá của thị trường khi vào vụ thu hoạch, nhưng phải đảm bảo nguồn lợi nhuận cho bà con. Ngoài ra, các nhà máy đường cũng phải có sự phối hợp để tạo sự thống nhất về giá thu mua.
Niên vụ mía 2015-2016, toàn tỉnh xuống giống được gần 11.500ha, giảm hơn 1.000 ha so với năm 2014. Nguyên nhân gần đây giá đường trên thị trường giảm, kéo theo giá mía nguyên liệu giảm mạnh. Mặt khác, một số vùng trồng mía không đủ điều kiện tránh lũ, không được đầu tư xây dựng ô đê bao khép kín, thường xuyên bị ngập úng.
Hơn nữa nông dân thiếu khoa học kỹ thuật, chậm đổi mới giống mía, trồng giống kém chất lượng, dễ nhiễm bệnh, cho năng suất thấp…, dẫn đến sản xuất thua lỗ, họ chuyển sang trồng cây con khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Vinamilk và tỉnh Lâm Đồng vừa có thỏa thuận hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa tại đây với 2 - 3 trang trại, quy mô đàn lên tới 10.000 con.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết sản phẩm mật ong của Bảo Lộc hiện đã được xuất bán sang thị trường nước ngoài. Theo đó, Công ty TNHH Phong Sơn (Bảo Lộc) là đơn vị đầu tiên và duy nhất của tỉnh - tính đến thời điểm hiện tại xuất khẩu mật ong chúa sang thị trường Mỹ. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mật ong của công ty đạt hơn 1,6 triệu USD.

Từ nay đến cuối năm, Chi cục Thú y tỉnh An Giang phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Thú y 11 huyện, thị xã, thành phố quản lý chất lượng heo đực giống. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch 160 triệu đồng, từ nguồn phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2015.

Thông tin từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, do nguồn cung hạn chế đã khiến giá gà bán tại các trại chăn nuôi tăng khoảng 10 - 15% so với 2 tháng trước đó. Riêng gà ta bán tại trại cho thương lái đã tăng từ mức 60.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg.

Những năm trước, gia đình bà Trần Thị Khiển ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thuộc diện hộ nghèo của phường. Được sự giúp đỡ của địa phương, giờ đây gia đình bà đã vươn lên thành hộ khá nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp.