Doanh nghiệp, nhà nông bắt tay sản xuất chăn nuôi giảm nỗi lo về chất lượng, giá cả

18 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 69 xã chăn nuôi trọng điểm, trong đó 12 xã nuôi bò sữa, 15 xã nuôi bò thịt, 13 xã nuôi lợn, 29 xã nuôi gia cầm.
Bên cạnh đó, thành phố cũng có 6 vùng chăn nuôi gà và 4 vùng chăn nuôi lợn tập trung.
Một trong những vấn đề “đau đầu” nhiều năm nay là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm do việc giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn tự phát.
Mặt khác, việc thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nên người dân thường bị thương lái ép giá, còn người tiêu dùng thì phải mua sản phẩm với giá cao, nhưng lại không rõ nguồn gốc, độ an toàn…
Để hạn chế những vấn đề trên, trong 2 năm gần đây Sở NNPTNT Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ.
Theo đó, hiện Hà Nội đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết trong chăn nuôi như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, vịt Đại Xuyên, gà mía Sơn Tây, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt bò Hà Nội… với hai hình thức chính là: Liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng và liên kết các đối tượng cùng tham gia quá trình sản xuất kinh doanh.
Chuỗi liên kết này đã có 3.400 thành viên tham gia với 30 điểm giao dịch, 1.300 đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm.
Ước mỗi ngày, các chuỗi này tiêu thụ khoảng 392.000 quả trứng, 22 tấn thịt lợn, 11 tấn gia cầm, 150kg thịt bò, 100 tấn sữa và tạo việc làm cho trên 4.000 lao động.
Hiện tất các sản phẩm này đều được tiêu thụ thông qua các chuỗi cửa hàng.
Điển hình như chuỗi cửa hàng bán thịt lợn hữu cơ của trang trại Bảo Châu Farm (Sóc Sơn).
Ông Nguyễn Đại Thắng – Chủ trang trại Bảo Châu Farm cho biết: “Đây là trang trại chăn nuôi theo công nghệ sạch EM, hữu cơ.
Sản phẩm của trang trại hiện đã được chứng nhận thực phẩm hữu cơ Organic và đang được tiêu thụ tại 6 của hàng trên địa bàn Hà Nội, với khoảng 150 – 200kg thịt lợn/ngày”.
Hay chuỗi liên kết của Công ty CP Thực phẩm sạch 3F, đang liên kết với 200 trang trại gà và 15 trang trại lợn rừng trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, mỗi ngày chuỗi liên kết này tiêu thụ khoảng 100.000 – 150.000 quả trứng gà sạch, gần 2 tấn gà đã qua giết mổ và 3 tấn lợn rừng và lợn lai các loại, trong đó 80% tiêu thụ tại các siêu thị như: Big C, Metro, Oceanmart, Fivimart… và các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ.
Người tiêu dùng được tiêu thụ sản phẩm sạch
" Một vấn đề rất quan trọng là thay đổi tư duy của người sản xuất và thay đổi tư duy của người tiêu dùng.
Chừng nào người sản xuất có ý thức sản xuất ra sản phẩm “sạch”, an toàn và người tiêu dùng biết lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ thì chuỗi mới có thể thành công” .
Ông Nguyễn Xuân Dương
Theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, việc xây dựng các chuỗi liên kết đã và đang tạo nên bước “đột phá” trong chăn nuôi của Hà Nội.
Thứ nhất, chuỗi đã kiểm soát được cơ bản nguồn gốc của con giống, thức ăn, thuốc thú y; thứ hai, việc xây dựng thương hiệu lợn sạch thông qua chuỗi đã bước đầu mang lại lợi ích cho người chăn nuôi và người tiêu thụ thì truy xuất được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm; thứ ba, tránh được việc ép giá của thương lái, cắt giảm khâu trung gian, khiến người chăn nuôi và tiêu thụ đều có lợi; thứ 4, giảm thiểu được tình trạng mất vệ sinh an toàn trong giết mổ.
Tuy nhiên, ông Tường cũng cho rằng, mặc dù liên kết, nhưng đầu ra vẫn còn hạn chế.
Nguyên nhân do công tác tuyên truyền còn hạn chế, giá các sản phẩm “sạch” vẫn còn thấp, nhiều khi bằng giá với sản phẩm thường, do đó gây tâm lý nghi ngờ độ “sạch” của sản phẩm của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Duyên, xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ), một trong các hộ tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi với Công ty CP Công nghệ chế biến thực phẩm Vinh Anh cho biết, xây dựng chuỗi liên kết này, người dân được lợi rất nhiều như được cấp con giống tốt, thức ăn tốt, bao tiêu đầu ra và giá cả cũng nhỉnh hơn.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, đây là một mô hình hay, người chăn nuôi và tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Tuy nhiên, để mô hình ngày càng được nhân rộng, rất cần sự tham gia vào cuộc của các ban ngành, tăng cường quản lý của các đơn vị.
Có thể bạn quan tâm

Bất kỳ chứng nhận nào, nếu không có khách hàng thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc, nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế?

Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu bán được giá trên thị trường đang thu hút nông dân quay trở lại trồng mới và chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều cho người trồng tiêu. Việc xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương đang là vấn đề quan tâm của các cấp chính quyền trong vùng có khả năng trồng tiêu và ngành chuyên môn. Là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chất đất nên phát triển các mô hình trồng tiêu sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện tình hình bệnh trên cây tiêu tràn lan.

Hiện thanh long của Việt Nam được xuất khẩu qua hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá khá tốt, đạt cao nhất trên 90.000 đồng/kí lô gam. Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, thuộc Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết như vậy tại hội nghị: “Phổ biến kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị thanh long và nhân rộng đối với sản phẩm trái cây khác”, được tổ chức tại Tiền Giang sáng ngày 17-10.

Chiều 23-10, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, Võ Văn Út cho biết đã chuyển giao sản xuất thành công hơn 270 ha lúa siêu chịu mặn trên “cánh đồng chó ngáp” của huyện vốn xưa nay bỏ hoang hóa.

Hưởng ứng phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo”, anh Đỗ Thanh Long ngụ ở ấp Trung Hiếu, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.