Gà Đông Cảo Mô Hình Mới Trên Đất Chợ Gạo

Ông Nguyễn Công Minh ngụ ấp Bình An, xã Song Bình (Chợ Gạo - Tiền Giang) đã bắt đầu làm quen với gà Đông Tảo (gà Đông Cảo) - đây là giống gà ngày xưa chỉ dùng để tiến vua. Gia đình ông nuôi thử nghiệm từ giữa năm 2012, đến nay ông đã thành lập trang trại Gia Phát chuyên cung cấp con giống gà Đông Cảo và chim trĩ.
Ông Minh cho biết, gà Đông Cảo - giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đặc điểm nổi bật của loại gà này là đôi chân rất to, xù xì, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 6kg, gà mái từ 3,5 - 5kg.
Đầu năm 2012, ông Minh đã mua 20 con mái giống giá 1,5 triệu đồng/con và 8 con trống từ 2 triệu - 4 triệu/con, trong đó có 4 con thuần chủng. Gà mái nuôi từ 7 - 8 tháng bắt đầu sinh sản, với 20 con mái giống mỗi ngày đẻ từ 10 - 12 trứng. Mỗi tháng trang trại của ông cung cấp khoảng 120 - 150 con gà giống, cao điểm có thể lên đến 200 con.
Gà con khoảng 02 tuần tuổi có giá dao động từ 120 ngàn đến 150 ngàn/con, có khi lên đến 180 ngàn đồng/con. Trừ đi chi phí, mỗi tháng gia đình ông Minh thu lời trên 10 triệu đồng. Thịt gà Đông Cảo ăn giòn, không dai, miếng thịt đậm đà, gà có thể chế biến được nhiều món như luộc, xào lăn, hầm thuốc bắc hoặc nấu lẩu. Đặc biệt, một con gà trống Đông Cảo thuần chủng, 8 tháng tuổi trở lên, dáng đẹp có giá từ 3 đến 5 triệu đồng, còn thông thường phải 1,2 - 1,5 triệu đồng/con.
Gà Đông Cảo là loài không quen nuôi nhốt, quen chạy nhảy nên chuồng trại phải rộng rãi, gà mau lớn và thịt sẽ ngon hơn. Gà dễ nuôi nhưng phải chú ý chăm sóc kỹ trong giai đoạn 1 tháng tuổi, chuồng trại đảm bảo ấm áp, các khâu vệ sinh, nước uống đầy đủ, gà mới phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.
Đến nay, qua quá trình nuôi, ông nhận thấy, gà Đông Cảo thích nghi với điều kiện nuôi tại Chợ Gạo, gà sinh trưởng, phát triển tốt, sức đề kháng cao, ít bị bệnh, kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh giống như gà thả vườn. Sau 4 tháng nuôi, trung bình cả gà trống và mái đạt 2,2 đến 2,5 kg/con, giá gà thương phẩm hiện nay trên 120 ngàn đồng/ký.
Song song với gà Đông Cảo, gia đình ông Nguyễn Công Minh còn đầu tư xây các khu chuồng trại để nuôi chim trĩ xanh và chim trĩ đỏ khoang cổ, chuồng được xây bằng gạch ống cao khoảng 1,2 mét; phía trên, ông dùng lưới B40 bao quanh để chim không bay ra ngoài, phía dưới có một lớp cát dày khoảng 10 cm để chim tắm cát và làm ổ đẻ, hiện tại trang trại của ông có 130 con.
Chim trĩ ít mắc bệnh và dễ nuôi như gà, chỉ cần nuôi đến 8 tháng là chim trĩ mái bắt đầu đẻ trứng, đẻ liên tục, bình quân khoảng 60 đến 70 trứng. Sau đó, chim nghỉ khoảng 2 tháng để thay lông rồi tiếp tục đẻ.
Để có đủ nguồn con giống cung cấp ra thị trường, gia đình ông đầu tư 3 lò ấp trứng bằng điện với tỷ lệ nở thành công từ 80% trở lên. Thức ăn chính của chim trĩ là cám tổng hợp, bắp, rau xanh, cỏ... Giá bán một con chim trĩ con hiện tại từ 60 - 80 ngàn đồng/con; một cặp chim trĩ giống có trọng lượng 1,3 - 1,5 kg, là 1,7 - 1,8 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng trang trại của ông cung cấp từ 700 - 800 con chim trĩ giống, trừ đi chi phí gia đình ông thu lãi 30 triệu đồng.
Từ thành công bước đầu, đến nay trang trại gà Đông Cảo và chim trĩ đang phát triển tốt, ông Minh cung cấp gà và chim trĩ cho các hộ gia đình xung quanh nuôi rồi thu mua lại trứng. Bên cạnh đó, ông còn nuôi thử nghiệm thêm 90 con gà ri lông vàng Hà Nội, đàn gà đang phát triển khá tốt.
Nói về những dự định cho tương lai, ông Minh tâm sự sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng mô hình này, trước hết là hỗ trợ người chăn nuôi tại địa phương về con giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm để giúp người dân địa phương thoát nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Việc đưa giống gà Đông Cảo và chim trĩ vào nuôi không những mở ra một hướng mới trong chăn nuôi gia cầm, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân ở địa phương mà còn cung cấp giống cho nhiều địa phương khác cùng phát triển.
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Đào Văn Trí, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, hiện những bệnh trên tôm hùm ở các tỉnh miền Trung là do vi khuẩn và nấm gây ra – đây là những bệnh có thể điều trị được, do đó khi tôm có kích thước lớn bị những bệnh này vẫn có thể làm thực phẩm mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết, từ đầu năm 2013 tới nay, bệnh LMLM gia súc đã xảy ra tại huyện Cát Tiên và huyện Đơn Dương làm 431 con trâu bò của 137 hộ và 13 con heo của 6 hộ dân bị nhiễm. Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy 30 con trâu bò (đã chết) và 45 con heo (13 con mắc bệnh và 32 con nuôi cùng chuồng).

Bệnh cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản và đề xuất giải pháp khắc phục địch hại và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Trung tâm chẩn đoán Thú y T.Ư (thuộc Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại xã Gia Thủy (huyện Nho Quan - Ninh Bình) là do vi rút gây bệnh xuất huyết mùa xuân (SCV) trên mẫu bệnh phẩm cá trắm cỏ tại cơ sở nuôi cá của anh Nguyễn Văn Kiên (xã Gia Thủy, Nho Quan).

Có thể so sánh mô hình nuôi trồng thủy sản kiểu mới này ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cũng giống như mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, gà ở các huyện trong tỉnh. Mô hình này có nhiều ưu điểm là ít vốn, an toàn, ăn chắc, bảo vệ môi trường, phù hợp với bà con nông dân khi không đủ vốn để nuôi tôm theo hướng công nghiệp.