EU Ngưng Nhập Sản Phẩm Sò Điệp, Sò Lông Nỗi Lo Ứ Hàng

Cồi điệp, sò lông chưa được xử lý nhiệt đúng yêu cầu cùng với sản phẩm có chứa độc tố Lipophilic là 2 lý do Liên minh châu Âu (EU) mới khuyến nghị Việt Nam ngưng xuất các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống ngư dân Bình Thuận…
Phải xử lý nhiệt…
Thông tin từ các báo cho biết, khi đoàn thanh tra của EU có chuyến khảo sát thực tế tại Việt Nam từ ngày 9 đến 16/9 để đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ thì phát hiện ra 2 lỗi trên.
Đoàn thanh tra EU yêu cầu phía Việt Nam phải giải quyết được hai lỗi nói trên mới được xuất khẩu trở lại. Trong thời gian chờ khắc phục, toàn bộ sản phẩm chế biến từ sò lông, sò điệp không được xuất khẩu qua thị trường EU.
Theo đó, kể từ ngày 20/9, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng không cấp chứng thư cho các lô hàng sò điệp, sò lông xuất khẩu vào EU trong trường hợp lô hàng chưa được xử lý nhiệt đúng theo quy định của EU. Đặc biệt tuyệt đối không cấp chứng thư cho các lô hàng cồi điệp không được xử lý nhiệt triệt để như trụng/chần...
Thông tin này khiến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở có chế biến sò điệp, sò lông trên địa bàn tỉnh xuất vào thị trường EU đang phải tính toán lại nhiều vấn đề.
Công ty TNHH Hải Nam, đơn vị được xem là xuất khẩu đa dạng các loài hải đặc sản, trong đó có sò điệp, sò lông vào thị trường EU và cũng là đơn vị đầu tiên ở tỉnh quyết định cùng cộng đồng nhân dân nuôi điệp quạt tại xã Phước Thể (Tuy Phong), cho biết chuyện dừng xuất khẩu vào thị trường này có thời gian nhất định.
Trong thời gian đó, công ty đầu tư trang thiết bị xử lý nhiệt sản phẩm sò điệp, sò lông đáp ứng yêu cầu theo quy định của EU nên sẽ tốn thêm chi phí lẫn chi phí tập huấn, đào tạo cho cán bộ bảo đảm chất lượng và công nhân chế biến về thao tác thực hành theo đúng quy định. Nhưng bù lại, sau này, khi thị trường EU mở lại thì giá xuất sẽ cao hơn.
Trong khi đó, một số cơ sở chuyên cung cấp hàng cồi sò điệp, sò lông… cho các công ty xuất khẩu tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng có những loay hoay ban đầu trong việc chuyển thị trường xuất khẩu hoặc chuyển mục đích sử dụng các lô sản phẩm sò điệp, sò lông sản xuất trước ngày 20/9.
Lo ứ hàng
Thời điểm này, thật khó biết đến lúc nào thị trường EU mở lại đối với hàng sò điệp, sò lông. Vì thế, nếu kiểm tra lại sản lượng khai thác của 2 loại hải đặc sản trên tại tỉnh trong năm, khoảng 9.000 tấn với sò điệp và 2.000 tấn với sò lông sẽ thấy nỗi lo ứ hàng, giá rẻ của ngư dân.
Hơn thế, nguồn lợi tự nhiên từ biển này từ lâu được coi là nguồn thu nhập chính của ngư dân trong tỉnh, khi hàng năm, có trên hàng trăm lượt thuyền hành nghề lặn hải đặc sản, tập trung nhiều nhất là tại vùng biển Tuy Phong, Phú Quý và La Gi.
Cùng quá trình đó, nhiều công ty đã chế biến các hải đặc sản xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường cụ thể, ít nhiều tạo ra thương hiệu, có xuất xứ như một sự bứt phá khỏi vị trí gián tiếp cung cấp nguyên liệu cho các công ty ở TP.HCM xuất khẩu của nhiều cơ sở ở tỉnh trong nhiều năm qua.
Số liệu của Cục Thống kê Bình Thuận cho thấy, sản lượng sò điệp, sò lông xuất khẩu chưa nhiều so với các mặt hàng thủy hải sản khác. Nổi bật có Công ty TNHH Hải Nam đã xuất các sản phẩm sò điệp, sò lông vào thị trường châu Âu từ mấy năm nay, cụ thể như 8 tháng của năm nay đã xuất được gần 500 tấn vào Pháp, Đan Mạch.
Một số công ty khác như: Hải Thuận, Hòa Phú cũng có xuất hàng với số lượng ít vào một số nước châu Á. Riêng những cơ sở chế biến bán cho các công ty xuất khẩu ở TP. HCM… nhiều nhưng khó thống kê. Dù vậy, việc mở rộng đầu ra nhiều hướng đã góp phần đưa giá sò điệp lên 35.000 đồng/kg, sò lông khoảng 20.000 đồng/kg tại các chợ.
Tạm dừng xuất khẩu vào một thị trường nào đó là chuyện không mới đối với những mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Gần nhất, đầu năm 2014, cá tra bị cấm xuất khẩu vào thị trường Nga và phía Nga mới bỏ lệnh cấm vào tháng trước.
Hay như con tôm xuất khẩu vào thị trường Nhật thường xuyên bị kiểm tra 30%, thậm chí, có lúc 100% lô hàng xuất sang thị trường Nhật bị kiểm tra. Vì thế, vấn đề ở chỗ các công ty xuất khẩu hải đặc sản khắc phục sớm các lỗi, tuân thủ yêu cầu của EU thì việc khơi thông thị trường tiềm năng này không là khó.
Có thể bạn quan tâm

QII/2014 chứng kiến mức giảm đáng kể trong XK tôm sang Nhật Bản do quy định kiểm tra kháng sinh Oxytetracycline (OTC) trong toàn bộ tôm NK từ Việt Nam từ giữa tháng 3. Vì vậy, Nhật Bản “xuống hạng”, từ thị trường NK số 1 của tôm Việt Nam xuống vị trí thứ 3 trong QII/2014 sau Mỹ và EU. Bức tranh XK tôm sang Nhật Bản sẽ tiếp tục ảm đạm khi vấn đề OTC chưa thể giải quyết.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, vượt qua không ít khó khăn, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giữ được hoạt động sản xuất ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình nuôi gà ri lai chọi thả vườn được Hội Nông dân tỉnh triển khai và đã chọn 2 hộ ở xã Thạch Bình thực hiện thí điểm, với quy mô 800 con. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Hội đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học cho các hộ nông dân có nhu cầu tiếp thu KHKT nuôi gà; chọn mua giống gà sạch bệnh 1 ngày tuổi, sinh trưởng tốt và đúng nguồn giống an toàn dịch bệnh.

Tháng 6/2013, Hợp tác xã (HTX) Ðồng Tiến ở xã Ðắk Sin (Đắk R’lấp - Đăk Nông) đã huy động vốn của xã viên được trên 20 tỷ đồng để đầu tư nuôi heo sinh sản và heo thịt theo mô hình khép kín an toàn dịch bệnh và hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sữa ngoại nhập khẩu, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi Việt Nam, Bộ NN-PTNT đặt ra chỉ tiêu tăng số lượng đàn bò sữa đạt 500.000 con vào năm 2020 để có sản lượng sữa khoảng 1 triệu tấn sữa tươi mỗi năm.