Được mùa rau câu
Được mùa, được giá
Thời gian gần đây, những người chuyên khai thác rau câu ở xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) khá vui mừng khi rau câu xuất hiện dày khắp mặt đầm Thủy Triều. Đi dọc bờ đầm, phóng tầm mắt ra xa, không khó để bắt gặp người dân với những chiếc ghe lớn nhỏ đang khai thác rau câu. Ông Bùi Cắt (thôn Suối Cam) - người đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề khai thác rau câu cho biết: “Gia đình có 4 anh em theo nghề khai thác loài rong biển này. Năm nay, rau câu xuất hiện nhiều, chỉ cần bơi ghe ra đầm chừng 1 - 2 giờ là đầy xuồng. Rau câu rất nhiều, chỉ sợ mình không đủ sức để làm”.
Thấy rau câu xuất hiện nhiều, người dân ven đầm Thủy Triều đổ xô đi khai thác. Bà Hồ Thị Kỹ (thôn Suối Cam) cho biết: “Có hơn 30 hộ dân khai thác rau câu trên vùng đầm này. Một nhà bỏ ra 3 công, trong đó 2 công vớt, 1 công phơi, nếu siêng năng có thể kiếm được 600.000 - 700.000 đồng/ngày”. Được biết, năm trước, rau câu không xuất hiện nhiều, mỗi ngày ra đầm người dân chỉ vớt được vài trăm ký. Còn năm nay, sản lượng rau câu khai thác được tăng gần gấp đôi. Mỗi ngày, 3 người trong gia đình bà Kỹ có thể khai thác được hơn 1 tấn rong tươi, sau khi phơi còn khoảng 150kg rong khô.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, rau câu xuất hiện nhiều từ tháng 3 đến 5 âm lịch, sau khi khai thác phải qua công đoạn phơi từ 1 đến 2 nắng cho khô rồi mới đem bán. Theo ông Nguyễn Văn Ken - người chuyên thu mua rau câu ở xã Cam Thành Bắc, rau câu chủ yếu được bán để làm thạch rau câu, nước giải khát hoặc bán cho các cơ sở chế biến thức ăn thủy sản… Thời gian qua có rất nhiều người đến các điểm thu mua để đặt hàng với số lượng lớn. Từ tháng Giêng đến nay, chỉ tính riêng điểm thu mua của ông Ken đã mua được cả chục tấn rau câu khô. Không riêng gì gia đình ông, ở địa phương còn có 2 - 3 hộ khác cũng thu mua rau câu.
Thời điểm này, giá rau câu cũng khá cao. Hiện nay, mỗi ký rau câu khô bán 4.500 đồng. Với giá này, một người khai thác rau câu cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Chính vì vậy mà ngoài những hộ dân chuyên mưu sinh bằng nghề này còn có nhiều người làm nghề thả lờ dây, lưới cá trên đầm Thủy Triều cũng chuyển sang khai thác rau câu. Ngoài người dân xã Cam Thành Bắc, người dân ở xã Cam Hải Đông và một số địa phương khác ven đầm Thủy Triều cũng đang tập trung khai thác để kiếm thêm thu nhập.
Cần khai thác hợp lý
Ông Lâm Ngọc Xuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc cho biết, nghề khai thác rau câu trên đầm Thủy Triều đã có hơn 10 năm nay. Hiện nay, ở các thôn: Suối Cam, Tân Phú, Tân Quý có hàng chục hộ dân chuyên nghề này. Loại rau câu người dân khai thác là rau câu chỉ (có sợi mảnh như sợi chỉ, màu vàng). Năm nay, rau câu được mùa, được giá nên thu nhập của người dân tương đối khá. Tuy nhiên, ông Xuyên tỏ ra lo lắng cho hệ sinh thái trong vùng đầm Thủy Triều: “Rau câu là nơi trú ẩn, sinh sản của nhiều loài thủy sản trong đầm Thủy Triều. Vì vậy, việc khai thác rau câu tự phát, không theo bất cứ quy cách nào sẽ khiến cho môi trường sinh thái ở vùng đầm này bị ảnh hưởng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để bảo vệ thảm cỏ biển và sinh thái vùng đầm Thủy Triều, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền cho người dân hạn chế khai thác rau câu, vận động chuyển đổi nghề nghiệp. Thế nhưng, số người khai thác rau câu vẫn còn khá đông. Họ dùng cào để cào hết những vạt rau câu dập dềnh trên mặt nước chứ không có bất cứ kỹ thuật khai thác nào. Đây là nguy cơ làm cho thảm cỏ biển ở đầm Thủy Triều bị suy giảm, nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản sẽ không còn. Ông Cắt nói: “Chúng tôi biết cào hết rau câu như thế này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhưng không biết cách khai thác như thế nào là hợp lý. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật khai thác”.
Hiện nay, việc khai thác rau câu cũng không khác mấy so với khai thác rong mơ ở một số vùng biển trong tỉnh thời gian qua. Nếu không khai thác thì rau câu hay rong mơ khi hết chu kỳ sinh trưởng cũng sẽ tàn lụi, nhưng khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của các vùng đầm, vịnh. Vì vậy, hướng dẫn cho người dân kỹ thuật khai thác hợp lý để họ có thêm thu nhập và bảo vệ thảm cỏ biển là việc cần làm.
Có thể bạn quan tâm
Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phối hợp với huyện Tuy An tiến hành tiêu hủy vùng sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng. Lần đầu tiên rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại, người trồng sắn thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, mô hình thâm canh ca cao trong vườn điều đang triển khai hàng trăm hécta ở Đông Nam bộ đã cho hiệu quả rất cao. Mô hình này cho năng suất cao trên cả cây ca cao và cây điều mang lại thu nhập cao cho người sản xuất.
Là địa phương có truyền thống về trồng cây vụ đông, những năm gần đây, nông dân xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) đã trồng thử nghiệm khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu không những cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao mà còn khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần cải tạo đất và mở ra phương thức gieo trồng mới đối với cây khoai tây vụ đông.
Vụ thu hoạch mía ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ mới bắt đầu nhưng nông dân rất lo lắng vì giá quá thấp. Chưa khi nào nghề trồng mía lại long đong vì thua lỗ, nợ nần như mấy năm gần đây.
Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc với sự tham gia của 9 thành viên ban đầu, có vốn điều lệ 500 triệu đồng và hoạt động theo 6 nhóm ngành nghề: ươm và mua bán cây ca cao giống; sơ chế các loại trái cây sau thu hoạch; thu mua, buôn bán nông sản, sản xuất phân hữu cơ….