Được mùa rau câu
Được mùa, được giá
Thời gian gần đây, những người chuyên khai thác rau câu ở xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) khá vui mừng khi rau câu xuất hiện dày khắp mặt đầm Thủy Triều. Đi dọc bờ đầm, phóng tầm mắt ra xa, không khó để bắt gặp người dân với những chiếc ghe lớn nhỏ đang khai thác rau câu. Ông Bùi Cắt (thôn Suối Cam) - người đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề khai thác rau câu cho biết: “Gia đình có 4 anh em theo nghề khai thác loài rong biển này. Năm nay, rau câu xuất hiện nhiều, chỉ cần bơi ghe ra đầm chừng 1 - 2 giờ là đầy xuồng. Rau câu rất nhiều, chỉ sợ mình không đủ sức để làm”.
Thấy rau câu xuất hiện nhiều, người dân ven đầm Thủy Triều đổ xô đi khai thác. Bà Hồ Thị Kỹ (thôn Suối Cam) cho biết: “Có hơn 30 hộ dân khai thác rau câu trên vùng đầm này. Một nhà bỏ ra 3 công, trong đó 2 công vớt, 1 công phơi, nếu siêng năng có thể kiếm được 600.000 - 700.000 đồng/ngày”. Được biết, năm trước, rau câu không xuất hiện nhiều, mỗi ngày ra đầm người dân chỉ vớt được vài trăm ký. Còn năm nay, sản lượng rau câu khai thác được tăng gần gấp đôi. Mỗi ngày, 3 người trong gia đình bà Kỹ có thể khai thác được hơn 1 tấn rong tươi, sau khi phơi còn khoảng 150kg rong khô.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, rau câu xuất hiện nhiều từ tháng 3 đến 5 âm lịch, sau khi khai thác phải qua công đoạn phơi từ 1 đến 2 nắng cho khô rồi mới đem bán. Theo ông Nguyễn Văn Ken - người chuyên thu mua rau câu ở xã Cam Thành Bắc, rau câu chủ yếu được bán để làm thạch rau câu, nước giải khát hoặc bán cho các cơ sở chế biến thức ăn thủy sản… Thời gian qua có rất nhiều người đến các điểm thu mua để đặt hàng với số lượng lớn. Từ tháng Giêng đến nay, chỉ tính riêng điểm thu mua của ông Ken đã mua được cả chục tấn rau câu khô. Không riêng gì gia đình ông, ở địa phương còn có 2 - 3 hộ khác cũng thu mua rau câu.
Thời điểm này, giá rau câu cũng khá cao. Hiện nay, mỗi ký rau câu khô bán 4.500 đồng. Với giá này, một người khai thác rau câu cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Chính vì vậy mà ngoài những hộ dân chuyên mưu sinh bằng nghề này còn có nhiều người làm nghề thả lờ dây, lưới cá trên đầm Thủy Triều cũng chuyển sang khai thác rau câu. Ngoài người dân xã Cam Thành Bắc, người dân ở xã Cam Hải Đông và một số địa phương khác ven đầm Thủy Triều cũng đang tập trung khai thác để kiếm thêm thu nhập.
Cần khai thác hợp lý
Ông Lâm Ngọc Xuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc cho biết, nghề khai thác rau câu trên đầm Thủy Triều đã có hơn 10 năm nay. Hiện nay, ở các thôn: Suối Cam, Tân Phú, Tân Quý có hàng chục hộ dân chuyên nghề này. Loại rau câu người dân khai thác là rau câu chỉ (có sợi mảnh như sợi chỉ, màu vàng). Năm nay, rau câu được mùa, được giá nên thu nhập của người dân tương đối khá. Tuy nhiên, ông Xuyên tỏ ra lo lắng cho hệ sinh thái trong vùng đầm Thủy Triều: “Rau câu là nơi trú ẩn, sinh sản của nhiều loài thủy sản trong đầm Thủy Triều. Vì vậy, việc khai thác rau câu tự phát, không theo bất cứ quy cách nào sẽ khiến cho môi trường sinh thái ở vùng đầm này bị ảnh hưởng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để bảo vệ thảm cỏ biển và sinh thái vùng đầm Thủy Triều, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền cho người dân hạn chế khai thác rau câu, vận động chuyển đổi nghề nghiệp. Thế nhưng, số người khai thác rau câu vẫn còn khá đông. Họ dùng cào để cào hết những vạt rau câu dập dềnh trên mặt nước chứ không có bất cứ kỹ thuật khai thác nào. Đây là nguy cơ làm cho thảm cỏ biển ở đầm Thủy Triều bị suy giảm, nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản sẽ không còn. Ông Cắt nói: “Chúng tôi biết cào hết rau câu như thế này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhưng không biết cách khai thác như thế nào là hợp lý. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật khai thác”.
Hiện nay, việc khai thác rau câu cũng không khác mấy so với khai thác rong mơ ở một số vùng biển trong tỉnh thời gian qua. Nếu không khai thác thì rau câu hay rong mơ khi hết chu kỳ sinh trưởng cũng sẽ tàn lụi, nhưng khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của các vùng đầm, vịnh. Vì vậy, hướng dẫn cho người dân kỹ thuật khai thác hợp lý để họ có thêm thu nhập và bảo vệ thảm cỏ biển là việc cần làm.
Related news
Vụ hè thu 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang phát động thi đua ứng dụng công nghệ sinh thái (CNST) trên toàn tỉnh thu hút 81 nông dân đăng ký tham gia ứng dụng trên tổng diện tích hơn 1.200 héc-ta. TS. Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đánh giá: “Chương trình rất có ích cho nông dân và nông thôn.
Nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong điều kiện giá mủ cao su đang xuống thấp như hiện nay, gia đình anh Lương Xuân Hùng ở ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã thực hiện thành công mô hình trồng nấm bào ngư. Hiện nay gia đình anh có 3 nhà nấm, mỗi vụ trồng được khoảng 9.000 bịch phôi giống. Với giá bán cho thương lái trung bình 12.000 đồng/kg, gia đình thu lời khoảng 30 triệu đồng/vụ.
Còn vú sữa được trồng nhiều ở Kế Sách và Mỹ Xuyên. Theo nhiều lão nông, vú sữa tím được trồng đầu tiên là ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, nhưng các vườn vú sữa này đang dần suy kiệt và bà con ở đây không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa.
Sở hữu 1.500 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập trên 1,3 tỷ đồng, mô hình nuôi ong lấy mật của anh Trần Xuân Phong ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang,TP Tuyên Quang đang được biết đến như một địa chỉ tin cậy cho những ai muốn làm giàu.
Ngày 8/10, ông Lê Mộng Ngọc, phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, thời gian gần đây rất nhiều thương lái đổ về địa phương đua nhau thu mua cả sầu riêng non với giá lên tới 26.000đ/kg, cao gấp đôi so với niên vụ trước.