Dùng Bả Diệt Kiến Hôi Trên Quả Thanh Long, Hiệu Quả Cao

Ông Nguyễn Văn Thinh, Phó phòng Nông nghiệp huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cho biết, nông dân xã Quơn Long có sáng kiến dùng bả diệt kiến hôi trên quả thanh long, hiệu quả rất cao.^ Sáng kiến này được thử nghiệm trên diện tích 50 ha thanh long, từ cuối tháng 4/2008 đến nay.
Bả diệt diệt kiến hôi được làm bằng cơm dừa và mỡ lợn xào thơm trộn thêm chút đường cát và thuốc trừ sâu Regent (hoặc dùng bánh mì chiên mỡ, ngâm dung dịch 2 gram thuốc Regent và 1 lít nước đường). Bả được cho vào các túi vải nhỏ, mỗi túi sử dụng cho một trụ thanh long, tránh ánh nắng mặt trời và mưa. Cách làm này đã diệt được kiến hôi trên vườn nhưng không gây hại cho quả thanh long; đồng thời, góp phần hạn chế lượng thuốc hoá học phun xịt trên vườn thanh long, chi phí thấp và an toàn cho người tiêu dùng.
Được biết, quả và cành thanh long khi còn non là đối tượng hấp dẫn của kiến hôi, khoảng từ 8 - 9 giờ sáng là thời điểm kiến hôi tấn công mạnh nhất. Những quả thanh long bị kiến hôi tấn công, khi lớn mẫu mã quả rất xấu, do các vết cắn khi quả còn nhỏ sẽ trở thành các vết sẹo trên vỏ. Đây là "vấn nạn" trong sản xuất thanh long, vì khi quả bị các nốt sần do kiến hôi xâm hại giá bán rất thấp.
Trước đây, khi diệt kiết hôi, nông dân thường sử dụng thuốc hoá học tràn lan, dẫn đến hậu quả thanh long huyện Chợ Gạo bị dư lượng hoá chất cấm sử dụng, gây mất an toàn cho người tiêu dùng, không xuất khẩu được. Gần đây, nông dân huyện Chợ Gạo sử dụng thuốc tự chế, hiệu quả diệt kiến hôi cao, hầu như không tốn kém và không làm ảnh hưởng đến chất lượng của quả thanh long; phù hợp với sản xuất quả thanh long theo hướng thực phẩm an toàn (GAP).
Thạc sĩ Trần Thanh Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang nói, đây là sáng kiến của nông dân, thích nghi với điều kiện giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay. Ngoài ra, phương thức này rẻ tiền nhưng hiệu quả cao, nên hướng dẫn cho nông dân áp dụng đại trà. Hiện huyện Chợ Gạo đang đúc kết mô hình diệt kiến hôi ở xã Quơn Long (có diện tích 700 ha, lớn nhất huyện) để khẩn trương nhân nhanh toàn huyện. Được biết, thanh long trồng tập trung ở các xã Quơn Long, Thanh Bình, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước, Mỹ Tịnh An… huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) với khoảng 2.200 ha ruột trắng, ngon, được ưa chuộng trên thị trường, nhất là xuất khẩu./.
Có thể bạn quan tâm

Cũng như giống thanh long nói chung, thanh long ruột đỏ ưa sáng, đất trồng không ngập nước. Cây không bị che ánh sáng mặt trời quá 30% diện tích chiếu sáng. Nước tưới không nhiễm phèn, mặn.

Kiến là một trong số các đối tượng nguy hại nhất, làm giảm chất lượng trái thanh long thương phẩm, giảm đáng kể thu nhập của nhà vườn. Hiện nay nhiều nông dân trồng thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang sử dụng bã diệt kiến tự chế đem lại hiệu quả cao trong diệt kiến mà không gây hại cho người tiêu dùng và môi trường.

Viện Cây ăn quả Miền Nam vừa lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng (LĐ5) với nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại thanh long hiện có.

Theo thông tin TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, chúng tôi đã tóm lược nội dung và ghi nhận lại cách bón phân để thanh long ra trái nghịch vụ vẫn đảm bảo cho trái phát triển tốt và đạt năng suất cao. Tùy theo đợt chông đèn mà chúng ta ứng dụng 4 đợt phân bón.

Phương pháp kích thích bằng cách chấm thuốc VSL 1 để thanh long ra hoa trái vụ được nhà vườn Bình Thuận áp dụng trong 3 năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.