Quản chặt rệp sáp trên cây thanh long
Rệp sáp là đối tượng gây hại nghiêm trong trên cây thanh long và được phía Trung Quốc kiểm dịch chặt chẽ trong quá trình xuất khẩu thanh long sang nước này.
Thời gian gần đây, một số diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện rải rác rệp sáp gây hại. Ảnh: KS.
Rệp sáp vẫn gây hại thanh long dai dẳng
Bình Thuận là ‘thủ phủ’ thanh long của cả nước với diện tích hiện lên đến 33.750 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, với sản lượng trung bình khoảng 650.000 tấn quả/năm.
Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận biết, các loài rệp sáp Dysmicoccus neobrevipes, Pseudococcus jackbeardsleyi là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, yêu cầu các cơ sở cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình sơ chế đóng gói thanh long. Vì vậy trước khi đóng gói trái thanh long cần phải loại bỏ loài rệp này.
Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2019, Sở NN-PTNT Bình Thuận đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV lập đoàn kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long và nông dân phòng trừ, xử lý bệnh rệp sáp trước khi xuất khẩu.
Kết quả, đoàn kiểm tra có phát hiện một số vựa thanh long xuất khẩu trên địa bàn “dính” rệp sáp. Song họ không biết nên đoàn đã gửi tài liệu nhận diện rệp sáp và cách loại bỏ bằng rửa hoặc thổi hơi. Nhờ vậy, các doanh nghiệp và nông dân cơ bản đã chủ động trong việc loại trừ và phòng trừ rệp sáp gây hại trên cây thanh long.
Thời gian đây, rệp sáp gây hại có xuất hiện rải rác trên cây thanh long trên địa bàn tỉnh. Bà Mai Thị Thúy Kiều, Trưởng trạm Kiểm dịch thực vật nội địa (Chi cục Trồng trọt và BTTV tỉnh), cho biết, những ngày đầu tháng 8/2021 đã có khoảng 89 ha thanh long ở các huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Nam bị rệp sáp gây hại. Các giải pháp phòng trừ đã được Chi cục hướng dẫn cụ thể cho nông dân.
Kinh nghiệm xử lý rệp sáp
Theo bà Kiều, cách nhận biết rệp sáp điển hình là có cơ thể hình oval, hơi tròn về phía sau, có màu cam nhạt đến màu hồng, cơ thể phủ đầy sáp không dày, không có những đường dọc trên lưng, bên hông có mang túi trứng.
Xung quanh cơ thể mang 17 cặp tua sáp, độ dài của những đôi tua này tăng dần về phía sau, cặp ở phía trước có chiều dài bằng 1/4 chiều dài cơ thể, cặp phía sau bằng 1/4 đến 1 lần chiều dài cơ thể, thẳng, ngoại trừ cặp phía sau thường cong lên phía trên.
Tất cả các bộ phận của cây thanh long như bông, thân cành và quả đều có thể bị rệp sáp tấn công. Rệp dùng vòi chích hút chọc thủng lớp biểu bì thân, cành, quả... để hút các chất dinh dưỡng. Các vết châm của rệp làm cho mô bị hại bị thâm nâu, triệu chứng bên ngoài vỏ quả có màu vàng. Rệp phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, thiệt hại phổ biến trong mùa khô.
Cũng theo bà Kiều, để phòng trừ rệp sáp hiệu quả, nông dân phải thường xuyên vệ sinh, thu gom và tiêu hủy tàn dư xung quanh gốc thanh long, cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, dọn sạch cỏ, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế nơi sinh sống của rệp sáp.
Bên cạnh đó, tưới nước, bón phân đầy đủ nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp. Trong quá trình tưới thanh long, nên sử dụng vòi bơm nước phun mạnh vào chỗ có nhiều rệp sáp đeo bám nhằm rửa trôi, tạo độ ẩm trên cây và giảm mật độ rệp sáp.
“Bà con phải thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm rệp gây hại, nhất là trong mùa khô. Chú ý vào những bộ phận như chồi non, hoa, quả mà rệp hay xuất hiện và gây hại. Từ đó, tỉa bỏ và tiêu huỷ những bộ phận của cây nhiễm rệp sáp nặng”, bà Kiều lưu ý.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên trong vườn của rệp như kiến vàng bọ rùa, bọ mắt vàng, bọ cánh gân, bọ xít đỏ, ong ký sinh. Trong đó, kiến vàng là loài thiên địch hữu hiệu nhất, chúng ăn ấu trùng, trưởng thành rệp và có thể xua đuổi, ngăn cản rệp trưởng thành gây hại và đẻ trứng. Bà con cần sử dụng các chế phẩm nấm ký sinh Mertahizum anisopliae, Beauveria bassiana hoặc Paecilomyces sp. phun trừ rệp, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm.
Ngoài ra, cần lưu ý thêm khi phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là ở giai đoạn cây đang có bông, trái non, trái đang phát triển. Song bà con nên sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng" và đảm bảo thời gian cách ly.
Các loại thuốc phải nằm trong danh mục được phép sử dụng do Bộ NN-PTNT ban hành hàng năm để phòng trừ rệp khi có nguy cơ gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng. Rệp sáp có một lớp sáp bao phủ bên ngoài, vì thế cần pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc để tăng khả năng bám dính.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát, Chi cục tiếp tục thành lập đoàn để hướng dẫn cho các vựa xuất khẩu thanh long về biện pháp phòng trừ rệp sáp trước khi đóng gói xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiện Chi cục cũng đang kết hợp với Viện BVTV để thực hiện các khảo nghiệm về phòng trừ đối tượng này trên thanh long, từ biện pháp canh tác đến các biện pháp sử dụng thuốc hóa học và thuốc sinh học.
Có thể bạn quan tâm
Từ đơn vị bên bờ vực phá sản, hợp tác xã Vạn Thành (xã Hiệp Thạnh, Châu Thành, Long An) đang rất nổi trong giới xuất khẩu thanh long nhờ bí quyết bón phân urê.
Thanh long thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn nên bà con cần chủ động ứng phó, tích trữ nước trong ao hồ, mương vườn, kết hợp biện pháp kỹ thuật che phủ gốc.
Người trồng thanh long rất lo lắng khi thu hoạch vì mẫu mã xấu, đốm trắng, bị “lam trái” … nên bón phân cho Thanh Long giai đoạn nuôi trái là rất quan trọng.