Hiệu quả xông đèn cho thanh long ra trái rải vụ
Nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Tiền Giang và Long An cho thanh long ra hoa trái rải vụ bằng cách xông đèn compact để tiết kiệm điện, mang lại hiệu quả đáng kể.
Nhiều nông dân trồng thanh long áp dụng kỹ thuật xông đèn cho trái rải vụ vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng và bán được giá. Ảnh: Ngọc Trinh.
Hiện tại 2 tỉnh Long An, Tiền Giang là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất ở khu vực ĐBSCL với diện tích hơn 21.000 ha. Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn ở đây đã áp dụng phương pháp xông đèn để xử lý thanh long trái vụ để sưởi ấm cho cây, nhằm kích thích cây ra hoa đúng thời điểm. Nhiều nông dân cho biết việc sử dụng bóng đèn compact để xông thanh long giúp giảm khoảng 70% điện năng tiêu thụ mà vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng.
Có thể nói những năm gần đây, người trồng thanh long ở ĐBSCL đã áp dụng công nghệ mới vào việc chăm sóc loại cây này. Theo đó, người dân sử dụng sử dụng phân bón và thuốc BVTV hợp lý hơn, quản lý dịch bệnh hiệu quả và làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất.
Đặc biệt, công nghệ tưới nước tự động đã giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng và nước tưới. Việc trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5 - 5 triệu đồng/ha.
Theo chia sẻ của nhiều bà con trồng thanh long, sau khi thu hoạch lứa trái cuối vụ thuận và trước xông đèn 1 tháng, cần thực hiện các bước sau. Trước nhất cần làm vệ sinh vườn như dọn cỏ sạch sẽ trong vườn thanh long, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu bệnh, tắm trụ…
Thanh long thường ra đọt non nhiều đợt từ tháng 10 đến tháng 12, nhà vườn chỉ nên để ít nhất 1 lần đọt non với tầm từ 15 - 20 cành vì đây sẽ là những cành cho trái vào năm sau. Ảnh: Ngọc Trinh.
Khâu quan trọng nhất là bón phân nuôi cành cho khỏe giúp ra hoa đồng loạt, cần bón phân lân từ 0,5 - 1 kg/trụ thanh long để giúp cây phân hóa mầm hoa tốt hơn. Kế tiếp tăng cường bón phân hữu cơ có thương hiệu của Công ty Behn Meyer Agricare Việt Nam như sản phẩm Fertiganic 65 OM+3-2-2, liều lượng bón 2 kg/trụ. Tiếp đó cần bón thêm phân Nitrophoska Green 15-15-15+2S, bón 150 gram/trụ…
Bên cạnh bón phân, nông dân cần phun thêm phân bón lá Hakaphos 12-32-14 với hàm lượng lân cao giúp phân hóa mầm hoa tốt hơn.
Bước tiếp theo là lựa chọn bóng đèn xông cho vườn thanh long cho phù hợp, đặc biệt nên chọn đèn compact để tiết kiệm điện. Khi thanh long đang trong giai đoạn xông đèn, ở thời điểm này, bệnh đốm trắng thường xuất hiện trên cây thanh long, do đó, cần lưu ý phòng bệnh.
Thanh long thường ra đọt non nhiều đợt từ tháng 10 đến tháng 12, nhà vườn chỉ nên để ít nhất 1 lần đọt non với tầm từ 15 - 20 cành vì đây sẽ là những cành cho trái vào năm sau.
Vào thời điểm xông đèn, tùy vùng đất trồng và loại thanh long mà tiến hành xông đèn. Thường vào khoảng tháng 10 âm lịch. Tùy loại, tuổi cây, ánh sáng dùng mà có thời gian xông đèn khác nhau. Nhưng thường thì từ 12 đến 16 đêm.
Thời điểm tiến hành xông đèn từ 18h30 hoặc 19 giờ tối đến 3 hoặc 4 giờ sáng hôm sau. Trong giai đoạn xông đèn, nhà vườn nên loại bỏ đọt non, hạn chế tưới nước. Ngoài ra, cũng quan sát hướng ánh sáng mặt trời vì bông sẽ ra nhiều vào hướng Đông Nam và Tây Nam để đặt vị trí đèn xông cho đúng. Độ tuổi cây càng lớn thì thời gian xông đèn càng lâu hơn.
Sau khi kết thúc giai đoạn xông đèn, nhà vườn cần tưới nước ngay và tưới nhiều nước liên tục từ 3 - 5 ngày. Sau đó cây sẽ bắt đầu nhú nụ.
Ông Lê Văn Hữu, nông dân ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) trồng 6 công thanh long ruột đỏ. Hơn 3 - 4 năm nay, ông áp dụng kỹ thuật xông đèn để cho trái rải vụ nhằm nâng cao giá trị cây thanh long. Đây là cách làm tránh trùng với thời điểm chính vụ thường bán mất giá.
Ông Hữu cho biết, thanh long mỗi năm xông đèn xử lý cho thu hoạch trung bình 3 đến 4 lần. Ngoài ra, xen kẽ trong đó, còn thu hoạch từ 4 đến 5 lần ra trái tự nhiên nhưng sản lượng không nhiều.
Năng suất thanh long đạt khoảng 30 - 35 tấn/ha/năm. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá thanh long đang xuống thấp, nông dân lãi thấp. Nếu như trước đây không có dịch bệnh, thanh long xuất khẩu thuận lợi, nhà vườn bán giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha thanh long đạt giá trị gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí bà con còn lãi khoảng 40 - 50% trở lên.
Có thể bạn quan tâm
Thanh long thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn nên bà con cần chủ động ứng phó, tích trữ nước trong ao hồ, mương vườn, kết hợp biện pháp kỹ thuật che phủ gốc.
Người trồng thanh long rất lo lắng khi thu hoạch vì mẫu mã xấu, đốm trắng, bị “lam trái” … nên bón phân cho Thanh Long giai đoạn nuôi trái là rất quan trọng.
Rệp sáp là đối tượng gây hại nghiêm trong trên cây thanh long và được phía Trung Quốc kiểm dịch chặt chẽ trong quá trình xuất khẩu thanh long sang nước này.