Đức Cơ (Gia Lai) Mua Giống Cà Phê Trôi Nổi, Nhà Nông Chịu Thiệt Hại
Chỉ vì mua giống cà phê trôi nổi trên thị trường, không ít nông dân ngậm ngùi nhận “trái đắng” bởi đã đặt niềm tin nhầm chỗ. Không những vốn liếng, công sức bao năm đầu tư, chăm bẵm của người dân đổ sông đổ bể mà giờ đây, họ còn phải tốn kém thêm tiền của, thời gian để phá bỏ và trồng thay thế cây mới.
“Tiền mất, tật mang” vì giống cà phê trôi nổiNăm 2010, vì vườn cà phê đã bước vào giai đoạn già cỗi, hộ ông Nguyễn Đình Đoan (thôn Sung Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã tiến hành ươm cây non mới để trồng thay thế số diện tích cà phê kém hiệu quả. “Tôi mua ngoài thị trường 1 kg giống hạt cà phê về để ươm với giá 300 ngàn đồng (thời điểm năm 2010). Người bán cam kết là giống của Viện Ea Kmat 100%. Thấy nhiều người cũng tới mua nên tôi vững dạ mua về. Quá trình ươm ban đầu và trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nhìn chung cây xanh tốt, không có gì bất thường. Tuy nhiên, đến giai đoạn cho thu hoạch thì tôi thật sự thất vọng” - ông Đoan nói.
Theo ông Đoan mô tả, hơn 250 cây giống được ông ươm và trồng thay thế có lá xanh tốt nhưng rất thưa, cành cà phê to và thẳng đuột. Hơn 2 năm sau đến kỳ thu hoạch bói, ông nhận thấy năng suất của những cây cà phê này thật sự “có vấn đề”. Lúc này ông mới ngờ ngợ rằng, mình đã mua phải giống cà phê “rởm” được người bán gắn mác Ea Kmat. “Hơn nửa đời người tôi làm cà phê. Trước khi đến Gia Lai làm, tôi có hơn chục năm làm cà phê bên Đak Lak vậy mà vẫn bị lừa” - ông Đoan bức xúc.
Liền các năm sau, ông đều ươm giống để thay thế dần số cà phê (khoảng 2.000 cây) trong vườn, nhưng các lần này để chắc chắn, ông tìm tới tận trụ sở của Viện tại Gia Lai để mua. Từ khi cẩn trọng tìm đến đúng địa chỉ uy tín, số cây cà phê ông thay thế sau này không rơi vào tình trạng trước đó nữa.
“Niên vụ vừa rồi, nếu so sánh giữa các cây này với nhau có sự chênh lệch rất rõ ràng. Giống “rởm” chỉ đạt khoảng 4 - 5 kg cà phê tươi/cây, trong khi cây trồng sau này thu phải được khoảng 25 - 30 kg cà phê tươi/cây, dù chúng trồng sau 1 năm. Chưa nói tới phần cà phê mua phải giống rởm còn hay bị sâu bệnh: đục thân, rỉ sắt…” - ông Đoan, nói.
Tương tự như hộ ông Đoan, hộ ông Nguyễn Minh Thám, cùng ở thôn Sung Tung cũng gặp tình cảnh tương tự bởi tin vào cái mác Viện Ea Kmat do các cửa hàng, đại lý bán bên ngoài thị trường quảng cáo. “Phần diện tích mua phải giống “rởm” năng suất chỉ bằng 1/3 hoặc khá lắm cũng chỉ đạt một nửa so với cà phê giống chuẩn của Viện Ea Kmat.
Lỡ trồng rồi, phá đi trồng lại thì vài năm nữa mới được thu nên chúng tôi đang tính sẽ giữ lại phần gốc cây cũ và ghép các mắt của cây cà phê giống chuẩn hiện có trong vườn để rút ngắn thời gian cho thu hoạch, giảm chi phí đầu tư, kéo lại công và vốn” - ông Thám, chia sẻ.
Bao giờ hết lo?
Thị trường giống cây trồng đang có quá nhiều vấn đề khiến cả người nông dân - người trực tiếp chịu hậu quả, lẫn nhà chức trách địa phương đều đau đầu. Mua phải giống kém chất lượng, hơn ai hết, chính nông dân là người chịu thiệt thòi. Chưa hết khó khăn bởi chi phí đầu tư trồng và chăm sóc trong bao năm, đến ngày hái quả thì cây cho năng suất quá kém.
“Chúng tôi đã mất của, mất công ròng rã mấy năm liền, giờ lại mất thêm một lần đầu tư lại. Ngần ấy năm tiền bỏ ra đã nhiều, giờ thu chỉ được lèo tèo vài quả rồi lại lo đầu tư tiếp” - ông Đoan, nói.
Từ góc độ của nhà quản lý, ông Nguyễn Quốc Tư - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, cho rằng: Thị trường giống cây trồng hiện phát triển hết sức phức tạp.
Không thể phủ nhận công nghệ ươm cây giống ngày càng cải tiến đã cho ra đời những sản phẩm tốt hơn nhằm tạo thế mạnh và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng có không ít sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng được đưa ra thị trường và hậu quả là khi người nông dân mua về trồng lại gánh chịu hậu quả.
“Giống cây trồng, đặc biệt cây công nghiệp dài ngày là loại đặc thù. Nhiều khi khó có thể đánh giá được ngay tốt hay xấu mà phải qua quá trình chăm sóc rất lâu dài tới ngày thu hoạch, bởi vậy hậu quả tất nhiên sẽ nặng nề hơn” - ông Tư, nhấn mạnh.
Riêng với cà phê, một đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích rằng, đây là lĩnh vực mơ hồ và khó đánh giá nhất, ngay cả với cơ quan chuyên môn. “Đối với hạt giống cà phê, cơ quan kiểm định hầu như mới chỉ đánh giá được về mặt hình thức: độ to chắc, đồng đều…; còn về chất lượng giống sau này thì chỉ khi trồng cho thu quả mới biết” - vị này cho biết.
“Cà phê robusta là loài cây rất khó để tiến hành thụ phấn cưỡng bức để lấy được nguồn giống bố mẹ, nên tỷ lệ giống thu được đôi khi sẽ không như mong muốn. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ hạn chế được rất nhiều nếu khâu lấy giống được đảm bảo đúng quy trình chặt chẽ, tránh thụ phấn lai tạp với các giống khác. Vậy nên, tốt nhất nông dân nên trực tiếp đến các cơ sở cung cấp giống uy tín để mua hạt giống, tránh “tiền mất, tật mang” - vị này nhấn mạnh thêm.
Có thể bạn quan tâm
Ông Mai Tấn Phước (ngụ khóm Thới An A, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, An Giang) cho biết, gia đình ông đang nuôi 8.000 con cá lóc giống bằng thức ăn công nghiệp trong 4 bể ny-lon (tổng diện tích 62 m2).
Mới đây, qua kết quả khảo sát thực địa của PGS Tiến sĩ Võ Văn Phú, Khoa Sinh học Đại học Khoa học Huế cho thấy rằng, nguồn chim yến tự nhiên ở vùng Huế không thua kém các tỉnh duyên hải phía Nam.
Xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là vùng đất thuần nông. Sau cây lúa, cây nho, mô hình gia trại trồng táo-nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua, đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo.
Ông Trần Công Danh - Trưởng Ban KTNS - HĐND tỉnh Bến Tre (người đi đầu) đang phúc tra trại nuôi cá da trơn của Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Hương tại ấp Tiên Lợi (Tiên Long - Châu Thành).
Năm 2013, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bến Tre tiếp tục gặp khó khăn do sự thay đổi thất thường của thời tiết, giá thủy sản thương phẩm không ổn định, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, môi trường nuôi suy thoái,…