Đưa Vốn Ưu Đãi Đến Với Người Dân Vai Trò Quan Trọng Của Các Tổ Chức Hội
Bằng nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả, những năm qua, các tổ chức hội trên địa bàn đã làm tốt công tác ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), từ đó, trở thành “cầu nối” quan trọng mang nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và nhiều đối tượng chính sách khác.
Hội Nông dân tỉnh là một trong những tổ chức thực hiện rất hiệu quả công tác ủy thác này. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác mà Hội quản lý qua 416 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là hơn 426 tỷ đồng, với trên 17.000 hộ gia đình được tiếp cận.
Theo ông Trần Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, hàng năm, Hội thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cán bộ hội tại cấp xã, tổ trưởng tổ TK&VV, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn cho vay, đôn đốc hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích.
Cùng với đó, việc tư vấn, hướng dẫn các hội viên đầu tư vào những cây, con có hiệu quả cao cũng luôn được cán bộ hội các cấp chú trọng. Thực tế cho thấy, nguồn vốn cho vay ủy thác qua Hội Nông dân tỉnh đã, đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Hoàng Phong, hội viên Hội Nông dân xã Tâm Thắng (Chư Jút) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo của xã, cuộc sống luôn khó khăn, vất vả. Đầu năm 2010, gia đình được tổ TK&VV của thôn bình xét, tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Với số vốn này, gia đình đã tập trung cải tạo vườn tạp, mua phân bón, giống về để trồng rau. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên gia đình đã được thành viên trong tổ TK&VV, cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, gia đình tôi đã từng bước học hỏi, áp dụng được nhiều kiến thức để canh tác, mở rộng vườn rau. Đến nay, với vườn rau gần 7 sào, gia đình tôi luôn có nguồn thu nhập khá ổn định. Điều quan trọng hơn, tới đây, mặc dù chưa đến kỳ trả nợ nhưng gia đình tôi sẽ trả trước hạn, với hi vọng nguồn vốn quay vòng và tiếp tục tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo khác tiếp cận”.
Tương tự, những năm qua, các hội viên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã từng bước được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Tính đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đang quản lý tổng số vốn được ủy thác là trên 450 tỷ đồng qua 440 tổ TK&VV, với gần 18.000 hộ vay.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, để quản lý, sử dụng tốt các nguồn vốn thì đơn vị luôn xác định đây là một nhiệm vụ chính trị cần tập trung các nguồn lực để thực hiện tốt. Theo đó, các quy trình cho vay tín dụng như xét đúng đối tượng, giải ngân nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn... đều được hội triển khai rất chặt chẽ.
Cùng với các hoạt động hỗ trợ về vốn, hội phụ nữ các cấp còn tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ áp dụng phát triển kinh tế. Với việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do Hội quản lý, hàng năm, số hội viên thuộc diện nghèo đều giảm xuống rất đáng kể.
Ghi nhận về vai trò của các tổ chức hội trong công tác ủy thác nguồn vốn, ông Trần Mốt, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các tổ chức hội, đoàn thể không chỉ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, mà còn huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Với việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, các tổ chức hội, đoàn thể đã thành lập ra được nhiều tổ TK&VV hoạt động rất hiệu quả, từ đó, chất lượng tín dụng ủy thác thông qua các tổ chức này ngày càng được nâng lên”.
Có thể bạn quan tâm
Khi nuôi cá trong ao, hồ, bà con ta thường nuôi với công thức: Mè, trôi, trắm, chép. Công thức ấy tuy đã cũ nhưng nhiều nơi vẫn áp dụng.
Hơn 20 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để khai hoang vùng đất chua, mặn Tứ giác Long Xuyên, giờ Sáu Đức đã có số vốn đất lận lưng thuộc hàng “khủng” nhất nước.
Tùy theo điều kiện chủ động rút nước hay chờ nước rút, bà con nông dân ĐBSCL thường xuống giống vụ đông xuân trong tháng 11 và 12.
Trong vòng 3 năm từ 2013-2016, bà con nhận bò nuôi sẽ phải hoàn trả vốn bằng tiền như giá trị ban đầu vay mua bò (22 triệu đồng/cặp) để dự án tiếp tục phân bổ cho hộ nghèo các địa phương khác. Mục tiêu của dự án là đến 2016 có từ 60 - 70% hộ nghèo sẽ thoát nghèo bền vững.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nhưng "thầy giáo trẻ" lại chọn con đường mở trang trại chăn nuôi và làm giàu từ đàn gà, vịt...