Chu Kỳ Cho Trái Đảo Lộn, Nông Sản Tết Nguy Cơ Khan Hàng
Trước tình hình thời tiết không thuận lợi kèm theo năm nhuận nên chu kỳ cho trái của một số loại trái cây phục vụ Tết Ất Mùi tại các nhà vườn ở ĐBSCL bị “đảo lộn”, dẫn đến năng suất và chất lượng bị ảnh hưởng, nguy cơ khan hiếm hàng để bán tết là rất cao.
Năng suất thấp, mất giá
“Nhà tôi có hơn 12 công đất trồng bưởi Năm Roi. Năm nay, vườn bưởi cho trái giảm, chỉ khoảng 7 tấn, năm trước là hơn 14 tấn. Vì ngay năm nhuận, thời tiết không được thuận tiện, bưởi cho trái sớm, nếu để treo cây thì ảnh hưởng không tốt đến cả cây bưởi mà trái hái ra cũng không đạt chất lượng tốt nhất, năm nay gia đình tôi thiệt hại khoảng 60 triệu đồng so với năm ngoái”- lão nông Nguyễn Văn Út ngụ xã Mỹ Hoà (Bình Minh, Vĩnh Long) buồn bã nói.
Ông Trần Văn Tây - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, cho biết: “Tết Giáp Ngọ, hợp tác xã cung cấp hơn 100 tấn bưởi Năm Roi ra thị trường qua 2 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức và 2 siêu thị. Tuy nhiên, năm nay, hầu hết các nhà vườn đều giảm sản lượng khoảng 50%”.
Ông Võ Trung Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bưởi tạo hình Phú Tân (huyện Châu Thành, Hậu Giang), cho hay: “Ở các vườn năm nay do thời tiết mưa nhiều nên bưởi vừa ra hoa đã rụng rất nhiều, cộng với năm nhuận, bưởi ra hoa 2 đợt nên không đủ dinh dưỡng, vườn hoa rụng xơ xác, có vườn rụng đến 80-90%; số đậu lại cũng chịu cảnh đèo đẹt, chỉ đạt khoảng 700g - 1kg/trái”.
“Trước tình hình trên bưởi thương phẩm đạt chỉ khoảng 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái, những nhà vườn cho trái ra đúng mùa muốn bán bưởi tết phải “neo”, như vậy bưởi sẽ quá lứa, vỏ vàng chỉ ăn ngon chứ chưng tết thì không đẹp, giá cũng giảm” – ông Thành cho biết thêm.
TS Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho rằng: “Vú sữa cũng đã vào mùa và giá đang giảm từng ngày, có thể giảm cho đến cuối tháng. Hiện nay, lượng trái cây cung cấp cho thị trường trong nước tương đối nhiều nhưng chất lượng cũng như mẫu mã không đẹp vì sâu bệnh gây hại vụ này nhiều, trong khi việc phòng trị của người dân thì chưa được hiệu quả”.
Sẽ “khan” hàng vào dịp tết?
Cũng theo ông Thành, chính vì năm nhuận nên bưởi sẽ chín rộ vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch dẫn tới bưởi tết sẽ hiếm hàng. Chỉ một vài nhà vườn chủ động ra hoa thành công thì mới có bưởi chín bán đúng tết âm lịch.
Ông Nguyễn Văn Chuyện - thành viên Câu lạc bộ Chăm sóc cây vú sữa ở xã Trường Long (Phong Điền, TP.Cần Thơ), nhận định: “Hiện ở đây, nhiều hộ trồng vú sữa hay làm đậu trái mùa nghịch, nên trong vòng một tháng nữa sẽ không còn vú sữa. Chỉ có một số ít để đậu trái trễ, nhưng số lượng đó không nhiều, mỗi nhà vườn chừng vài chục kg.
Hơn nữa, vú sữa loại ngon nhất chỉ tập trung vào đầu vụ, còn vào dịp tết thì trái không còn đẹp và ngon, giá bán cũng rất bấp bênh, chỉ khoảng 12.000-15.000 đồng/kg đối với vú sữa để chưng; còn lại chỉ khoảng 6.000-8.000 đồng/kg”.
Ông Nguyễn Lạc – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, thông tin: “Năng suất vú sữa năm nay giảm so với năm trước do tỷ lệ đậu trái thấp. Do điều kiện thời tiết nên tỷ lệ đậu trái giảm hơn rất nhiều, chính vì vậy nguồn hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán có khả năng sẽ khan hiếm. Vú sữa không phải là mặt hàng độc tôn, theo xu hướng hiện nay thì giá sẽ giảm nhiều”.
“Lượng trái cây hằng năm ở Hậu Giang phục vụ cho dịp tết rất phong phú. Tuy nhiên, nay cam sành thì bị bệnh nhiều nên năng suất cũng có ảnh hưởng; còn bưởi thì tỷ lệ đậu trái thấp do thời tiết nên lượng bưởi cũng ít hơn so với năm ngoái” - ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang.
Nguồn bài viết: http://danviet.vn/nha-nong/chu-ky-cho-trai-dao-lon-nong-san-tet-nguy-co-khan-hang-509905.html
Có thể bạn quan tâm
Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện ra gần 800 héc ta bắp không hạt, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Thành và TX. Long Khánh với mức độ thiệt hại từ 30 - 60%.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 1.200 hộ dân phát triển nghề đặt trúm truyền thống. Đây là nghề ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay.
Ruộng đồng khô hạn kéo dài và chuột cắn lúa non trên diện rộng khiến nhiều nông dân tại miền Trung bỏ lúa trồng các loại hoa màu chịu hạn để mong có cái ăn, cái mặc. Cùng lúc, nông dân Trần Văn Cạn, thôn Nam Phù, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có cách diệt chuột độc đáo đang được nhân rộng.
Anh Trần Quốc Việt, cư ngụ tại ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) là người thành công với mô hình đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 05 ha. Nhờ biết tận dụng diện tích đất sẵn có và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nên anh đã thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp: 02 vụ tôm sú kết hợp 01 vụ cua, cá rô phi; 01 vụ lúa kết hợp với tôm càng xanh; nuôi cá sấu, cá bống tượng, mỗi năm thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng.