Hiệu Quả Nuôi Heo Rừng
Heo rừng là loài động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt, thức ăn dễ tìm; quy trình nuôi, cách chăm sóc cũng không quá khó nên mô hình này ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Thực hiện mô hình nuôi heo rừng hơn một năm nay, anh Võ Văn Công (thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang) cho biết: Chỉ với 7 con heo rừng giống (5 con heo nái và 2 con heo đực) mua ở Bình Dương, hiện tại đàn heo đã cho sinh sản 25 con heo con giống và chưa kể số heo anh đã xuất bán ở những đợt trước.
Anh Công chia sẻ: “Vì bản chất là động vật hoang dã nên heo rừng khá dễ nuôi, đa phần chúng tự phối giống, tự sinh sản, đặc biệt chúng rất ít bị bệnh nên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi. So với nuôi heo cỏ thì heo rừng khỏe hơn rất nhiều lần”.
Trước khi bắt đầu nuôi heo rừng, anh Công tham khảo nhiều mô hình ở nhiều tỉnh, thành khác, như: Đắk Lắk, Bình Dương, Bến Tre... Nhờ vậy, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong việc xây cất chuồng trại, hiểu biết các đặc tính của heo…
Chẳng hạn như: Ở một số nơi khác xây chuồng bằng nền xi măng, anh Công lại để nền bằng đất nhằm tạo độ thoáng mát, trong chuồng luôn có nước cho heo sinh hoạt, di chuyển. Đồng thời, phải có mái che mưa, nắng và tạo chỗ khô ráo cho heo ngủ để heo mau lớn.
Nguồn thức ăn cũng khá đơn giản, heo rừng có thể ăn rau củ, như: Cà chua, dưa leo, rau muống, khoai lang, cỏ, bắp cải… là những phụ phẩm ở chợ, nên chi phí thức ăn ít hơn so với nuôi heo cỏ.
Anh Công cho biết: “Thông thường cứ nhốt heo chung để chúng tự phối giống, đến khi heo nái gần đẻ thì nhốt ở một chuồng riêng và trong thời gian sinh con không nên vào tiếp xúc quá sớm, vì chỉ cần có hơi người vào là nó sẽ giết heo con chết”.
Khi mua heo giống khoảng 10kg, nuôi khoảng 2 tháng sau là heo bắt đầu phối giống, do còn tơ nên lứa đầu chỉ đẻ khoảng 4 – 5 con, nhưng bắt đầu từ lứa thứ 2 đã tăng lên 6 – 9 con. “Nếu muốn heo đẻ nhiều thì nên nhốt heo đực riêng, tiến hành canh thời gian rụng trứng mới cho con đực vào phối giống” - anh Công chia sẻ kinh nghiệm.
Từ thời gian phối giống đến lúc đẻ con chỉ hơn 3 tháng, sau đó hơn một tháng để nuôi con thì có thể tách bầy và tiếp tục phối giống cho heo mẹ. Nếu tính bình quân, heo mẹ đủ sữa nuôi heo con thì có thể cho phối giống 3 lần/năm.
Anh Công phân tích: Nuôi heo rừng dễ lắm, chuồng trại cũng khá đơn giản. Heo rừng không bị các bệnh thông thường như heo cỏ nên không tốn nhiều chi phí cũng như công chăm sóc. Nuôi heo thịt thì cần heo lớn mau, nhưng heo giống thì khác, nếu thúc heo ăn nhiều quá, lớn nhanh thì sẽ bị nhiều mỡ, sẽ rất khó bán”.
Hiện nay, heo rừng giống từ 10 – 15kg bán với giá khoảng 150.000 – 170.000 đồng/kg, với những con nhỏ hơn thì sẽ bán theo con, trung bình dao động khoảng 2,5 triệu đồng/con giống. Heo rừng hơi từ 120.000– 130.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ nguồn cung cấp cho thị trường.
Theo anh Công, thời gian gần đây, thị trường heo rừng hút hàng nên nhiều nhà hàng ở TP. Long Xuyên đến liên hệ đặt hàng, nhưng trại anh sản xuất không đủ heo thịt để cung cấp.
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên vừa công bố đề án Thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty cổ phần Bá Hải. Đây là một trong những đề án thí điểm do Bộ NN-PTNT triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia.
Trong ngày đầu tiên quảng bá sản phẩm vải thiều Thanh Hà tại thủ đô, Hapro đã niêm yết giá 19.000 đồng/kg tại các hệ thống bán lẻ của đơn vị.
Ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh này tự tin khẳng định: "Các tỉnh thế nào thì không biết, chứ riêng Vĩnh Phúc tôi chưa thấy nông sản ế ẩm bao giờ..."
Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ lương thực, nông sản được SX ở Bắc Ninh trong các khu công nghiệp (KCN) chưa được như mong đợi.
2 tấn vải thiều đã được xe ô tô chở về đến TP. Quảng Ngãi vào tối ngày 8/6. Tối 9/6, toàn bộ 2 tấn vải thiều trên đã được Tỉnh đoàn bán hết, với giá 20.000đ/kg.