Đua Nhau Nuôi Yến
Hàng loạt nhà đầu tư đang đổ tiền tỉ vào xây nhà nuôi chim yến với mong muốn hốt bạc khi giá mỗi ký yến sào tương đương một lượng vàng. Hiện trên 30 tỉnh thành trong cả nước đã có nhà nuôi yến.
Tại TP.HCM, nhiều nhà đầu tư đổ dồn về huyện Cần Giờ mua đất xây nhà nuôi chim yến. Trong khi thiếu những nghiên cứu khoa học đánh giá hiệu quả và rủi ro thì việc phát triển quá nhanh theo phong trào nuôi yến đã khiến không ít người lo ngại.
Sốt đất vì nuôi yến
Trong cái nắng gay gắt buổi trưa, con đường độc đạo chạy vào xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) chốc chốc lại xuất hiện vài chiếc xe hơi đời mới cáu cạnh. “Họ vào tìm mua đất xây nhà yến đấy” - chị Thanh, chủ một quán cóc ven đường, nói. Theo chị Thanh, hai năm nay từ dạo nghề nuôi yến rộ lên ở Tam Thôn Hiệp, giá đất đã tăng chóng mặt, cái xã từng là nơi “khỉ ho cò gáy” này cũng nhộn nhịp hẳn lên.
Giới thiệu với chúng tôi về “phố nhà yến” nằm ven con đường nhựa chạy dọc bờ sông tại ấp An Hòa, ông Năm B. - một cư dân kỳ cựu tại đây - khẳng định vài năm nữa, chỉ riêng con phố này sẽ có không dưới 100 nhà yến. Theo ông B., nghề nuôi yến xuất hiện tại khu vực này gần mười năm trước với duy nhất một nhà yến của ông L., người Malaysia. Chỉ sau vài năm, ông L. tiếp tục xây thêm hai nhà yến ngay trong khu đất này, chưa kể 4-5 căn khác cũng ở Tam Thôn Hiệp.
Người dân bị ảnh hưởng Do các nhà nuôi yến xây dựng sát với các hộ dân nên gây nhiều phiền phức với dân cư khu vực. Theo chị H. - chủ một tiệm tạp hóa tại Tam Thôn Hiệp, ban ngày khi yến đi kiếm ăn thì không sao, nhưng khi đến tối về chúng bay lượn nhiều vòng trước khi vào nhà và thải phân bừa bãi khu vực xung quanh. Ảnh hưởng nhất là những hộ dùng nước mưa vì phân chim rơi vào hoặc trong khu phơi quần áo ngoài trời. |
Khi thông tin về nghề nuôi yến “hái ra tiền” được nhiều người biết đến, nhiều đại gia tại thành phố đổ xuống mua đất xây nhà nuôi yến, hình thành nên phố nhà yến. Dọc hai bên phố nhà yến này hiện có gần 30 căn nhà nuôi yến mọc san sát nhau, chưa kể hàng loạt căn khác vẫn đang trong quá trình xây dựng dở dang.
Không rầm rộ như ấp An Hòa, nhưng hoạt động nuôi yến tại hai ấp An Phước và An Lộc cũng sôi động hẳn lên trong những năm gần đây. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ riêng tại tổ 36 (An Phước) đã có hơn mười nhà nuôi yến, chưa kể một số nhà yến khác vẫn đang được xây dựng. Nhiều người dân cho biết tại các khu vực ven sông, nơi phù hợp với việc xây nhà nuôi yến, giá đất đã tăng gấp ba lần trong hai năm qua. “Tại phố yến An Hòa, mỗi “gò” - nền đất (12x25m) hiện có giá thấp nhất là 1,8-2 tỉ đồng, cao gấp mười lần so với cách nay 5-6 năm...” - ông B. nói.
Nghề hốt bạc
Ông Hai T. - chủ một nhà yến đang trong quá trình hoàn tất tại ấp An Hòa - cho biết đã bắt đầu nuôi yến từ 2-3 năm nay, trong đó nhà yến đầu tiên của gia đình ông tại khu vực Trung Sơn, quận 8. “Lúc đầu cũng định làm chơi, nhưng không ngờ ăn thật, hiệu quả rất cao nên tui mới mua đất mở rộng cơ sở tại Cần Giờ này...” - ông T. nói. Theo ông T., với giá bán yến sào tại VN hiện bình quân khoảng 35 triệu đồng/kg, chỉ cần mỗi tháng thu vài ba ký là có thể “sống khỏe”.
Mời bà con tham khảo các mô hình nuôi yến: |
Anh Lê Danh Hoàng, giám đốc trung tâm yến sào Hoàng Yến Eka, cho biết chỉ sau mấy năm phát triển, những ngôi nhà nuôi yến đã có mặt hầu hết các quận huyện ở TP.HCM. Trong đó, phát triển mạnh nhất là Cần Giờ, Nhà Bè, quận 9 với số lượng lên tới hàng trăm nhà mỗi địa phương.
Trong giới nuôi yến, ông L. (người Malaysia, có vợ là người VN) nổi tiếng là người nuôi yến hiệu quả nhất. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, sản lượng yến sào bình quân tại các cơ sở của ông L. vào khoảng 10kg/tháng. Tuy nhiên, những người thân cận với ông L. khẳng định chỉ riêng ba nhà yến tại An Hòa, mỗi tháng ông L. thu được không dưới 30kg, trị giá hàng tỉ đồng!
Không ít rủi ro
Theo khảo sát của Phòng kinh tế UBND huyện Cần Giờ, chi phí để xây dựng nhà nuôi chim yến cùng các vật dụng như máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống Internet, máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến... khoảng 1,9 tỉ đồng. Sau ba năm, chủ đầu tư có thể thu hồi vốn và có lời từ năm thứ tư. Trước sự phát triển nhanh chóng của nhà yến, UBND huyện Cần Giờ đề nghị UBND thành phố cho phép mở rộng phát triển nghề nuôi chim yến từ diện tích 256ha hiện tại lên tới 1.127ha.
Tuy nhiên, đề nghị này chưa nhận được sự đồng tình của các nhà chuyên môn do thiếu cơ sở khoa học đánh giá hiệu quả và rủi ro của ngành nghề này. Bản thân các chủ đầu tư xây nhà nuôi yến cũng thừa nhận nghề này chứa đựng rủi ro cao. “Nhiều người đã làm giàu từ nghề nuôi yến, nhưng số người thất bại cũng không ít. Không phải cứ có tiền đầu tư là thành công mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác, trong đó đặc biệt là vấn đề kỹ thuật...” - anh Tr., một người từng lăn lộn trong nghề nuôi yến tại Malaysia vừa trở về VN tham gia nuôi yến, cho hay.
“Xây nhà xong chưa chắc yến đã vào nhà, yến vào nhà chưa chắc đã ở, yến ở chưa chắc đã làm tổ hoặc làm tổ ít” - anh Tr. nói. Bởi hạ tầng mới là một phần của việc nuôi yến, kỹ thuật tạo mùi, kỹ thuật âm thanh dẫn dụ và chăm sóc chính là yếu tố thu hút nhiều chim yến về làm tổ. “Những kỹ thuật này là bí quyết của từng người nuôi mà họ thường giữ kín không để lọt ra ngoài. Do đó, mỗi người nuôi đang theo cách của mình và nếu ai không có kinh nghiệm rất dễ bị phá sản”, nhà đầu tư này cho biết.
Thông thường, sau 12-18 tháng nhà yến được đưa vào hoạt động, chủ đầu tư mới bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, một số nhà yến tại khu vực An Phước được đưa vào hoạt động cả năm nhưng số lượng yến về làm tổ rất ít, trong khi các nhà yến hằng ngày vẫn đua nhau phát âm thanh gọi yến. “Đã có người rao bán nhà yến do năng suất thu được rất thấp, chỉ được khoảng 1 kg mỗi tháng dù nhà yến đã được đưa vào hoạt động hơn hai năm nay...” - anh B., một cư dân địa phương, nói.
Anh Lê Danh Hoàng nhận định sự phát triển quá nóng tại một số địa phương chứa đựng nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư mới. Anh Hoàng phân tích trong một diện tích hẹp nhưng có tới mấy chục căn nhà yến là không hợp lý, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nếu một nhà yến có bệnh.
Tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả mô hình nuôi chim yến trong nhà tại Sở NN&PTNT TP.HCM ngày 3-3, ông Nguyễn Trọng Liêm - phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM - cho rằng đề xuất mở rộng diện tích vùng nuôi chim yến của Cần Giờ hơi vội vàng, bởi Thái Lan chỉ có 500ha nuôi nhưng đã hình thành một ngành nuôi yến phát triển. Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm thành phố cũng cho rằng cần có một khảo sát cụ thể, nếu không người dân vì thấy nuôi chim yến siêu lợi nhuận mà ồ ạt nuôi và lặp lại thất bại như một số địa phương “xây 100 căn thì chỉ có mười căn có yến, còn 90 căn bỏ trống”.
Ông Nguyễn Phước Trung, phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng trước khi mở rộng nghề nuôi chim yến, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về mặt khoa học để đánh giá hiệu quả của nghề nuôi này
Nghề nuôi chim yến lan rộng ở Gò Công
Ông Trần Văn Lâm, phó chủ tịch UBND thị xã Gò Công (Tiền Giang), cho biết phong trào nuôi yến ở thị xã đang phát triển rất mạnh. Hơn năm năm trước chỉ có vài hộ đầu tư nuôi yến, nhưng hiện đã có hơn 40 hộ tham gia nuôi. “Lợi nhuận từ nghề nuôi yến ở thị xã Gò Công khá lớn, nhưng người nuôi không bao giờ tiết lộ chính xác, chỉ nói là có lãi khá. Do vậy, ngày càng có nhiều người đầu tư” - ông Lâm nói.
Hiện nay phong trào nuôi chim yến ở Tiền Giang đang phát triển mạnh, nhiều nhất là ở thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây. Các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông cũng có vài hộ theo nghề này.
Có thể bạn quan tâm
Thiên nhiên vốn ưu đãi cho TP Hải Phòng là tổ hợp tài nguyên, môi trường phong phú, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Song khu vực này đang chịu tác động từ nhiều phía, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, làm hạn chế sự phát triển của ngành thủy sản thành phố cảng.
Năng suất lúa của Cà Mau trong những năm gần đây đã được nâng lên, đó là nhờ vào sự thay đổi giống lúa có chất lượng, cho năng suất cao. Tuy nhiên, không ít hộ dân còn chạy theo tiêu chí “hàng ngoại tốt hơn hàng nội”, từ đó họ phải trả thêm một phần “chi phí ảo” cho loại giống này.
Sau hai thương hiệu sản xuất, chế biến cà phê sạch khá thành công trên thị trường, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum vừa có thêm thương hiệu cà phê sạch thứ ba hoạt động trên cơ sở tự nguyện góp vốn, vườn cây của nông dân và sản xuất kinh doanh thông qua mô hình hợp tác xã.
Hiện cá mú nghệ thương phẩm tại Khánh Hòa được thương lái thu mua ở mức 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với những năm trước. Mặc dù giá thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) có phong trào trồng chuối tây tại các thửa đất đồi bạc màu cho thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.