Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Được Mùa Đậu Nành

Được Mùa Đậu Nành
Ngày đăng: 13/05/2012

Những ngày này, trên cánh đồng đậu nành (ĐN) 51 ha của xã Trường An (TP Vĩnh Long), nông dân đang dồn sức thu hoạch. Tất bật nhưng ai cũng vui bởi vụ ĐN năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá.

ĐN trúng mùa, được giá

Ông Văn Duy Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường An cho biết: Sau khi thu hoạch xong lúa Đông Xuân, nông dân làm đất sạ ĐN. Vụ này, tăng khoảng 10 ha so vụ trước, tập trung nhiều ở các ấp Tân Quới Tây và Tân Quới Hưng.

Tại cánh đồng ấp Tân Quới Tây, ngay từ sáng sớm đã rôm rả người cắt, người tuốt, người khuân vác ĐN từ ruộng về nhà. Theo nhiều nông dân, hiện ĐN được thương lái mua tận ruộng với giá từ 14.000 - 15.000 đ/kg, tăng khoảng 3.000 đ/kg. Năng suất mỗi công từ 6 - 8 giạ (30 kg/giạ), sau khi trừ chi phí, người trồng còn lời khoảng 1,8 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Bé (ấp Tân Quới Tây) vừa thu hoạch xong 5 công ĐN, năng suất 7 giạ/công. Bán được 15.000 đ/kg, bà cười tươi như hoa: “Kỳ này kiếm lời gần cả chục triệu đồng”. Ở gần đó, ông Lê Trọng Thạch dù đi thuê đất trồng nhưng liên tiếp những vụ ĐN vừa qua gia đình vẫn có thu nhập ổn định. “Vụ này, tui tiếp tục thuê 5 công để trồng, đang thu hoạch rộ. Với giá hiện nay, tính sơ tui lời không dưới 7 triệu đồng”.

Theo nhiều nông dân, hiện do chi phí trồng ĐN thấp, lại dễ tiêu thụ, thương lái từ tỉnh Đồng Tháp đến thu mua hết cho nông dân. Còn theo nhận định của ngành nông nghiệp, thực tế ở một số vùng trồng lúa vụ Hè Thu đạt năng suất thấp, nếu chuyển sang trồng ĐN thì cho lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, bà con còn khắc phục được tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, giảm khá nhiều chi phí sản xuất, cải tạo và tăng độ màu mỡ của đất, giảm bớt phân bón, tăng hiệu quả cho vụ lúa tiếp theo.

Đậu giống vẫn còn phụ thuộc

Chuyện trồng ĐN để làm giàu dinh dưỡng cho đất không còn là chuyện xa lạ với người nông dân. Những “nốt sần” trong rễ đậu sẽ là chất dinh dưỡng cho mùa sau. Đồng thời, theo các kỹ sư nông nghiệp, luân canh lúa - ĐN còn cắt cầu được sâu bệnh và đặc biệt là không bị lúa lẫn, lúa cỏ lây lan từ vụ này sang vụ khác. Tuy nhiên, để việc luân canh ĐN trên đất ruộng phát triển mạnh và bền vững, các địa phương và ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể. Đặc biệt, cần quy hoạch vùng sản xuất giống hướng “tự cung - tự cấp” tránh phụ thuộc vào nơi khác.

Theo bà Nguyễn Thị Bé, trước đến nay chủ yếu qua Đồng Tháp mua hạt giống về gieo sạ nên chi phí bị khá cao. Vả lại, nếu gieo sạ rơi vào thời điểm đông ken, giá đậu giống thường bị “đội” lên nhưng “phải bấm bụng bởi biết mua ở đâu!”

Nông dân Võ Văn Khen (Tân Quới Tây) cho biết, phần nhiều dựa vào chữ tín và cách “thử nghiệm” xưa nay là ngâm thử hễ thấy ĐN lên thì… mua, không thì thôi. Tuy nhiên, lỡ giống đậu trồng lên có lẫn lộn nhiều cũng không biết kêu với ai. “Tui cũng từng gặp trường hợp này, giống bị pha trộn với đậu kém chất lượng nên khi gieo sạ chỉ lên khoảng 50%”.

Ông Văn Duy Phước cho rằng, giống ĐN tốt, bảo đảm chất lượng, đồng đều (không lẫn lộn đậu dài ngày, ngắn ngày, bông tím, bông trắng) là rất quan trọng đến năng suất. Tuy nhiên, chuyện chủ động nguồn giống không chỉ một mình nông dân hay cán bộ xã, ấp có thể làm được mà còn cần đến sự hỗ trợ từ nhiều phía. “Chúng tôi đang kêu gọi ngành nông nghiệp hỗ trợ và tập hợp nông dân có diện tích trồng liền kề xây dựng vùng sản xuất giống từ 5 - 10 ha đạt chất lượng, đủ cung ứng khi vào vụ” - ông Phước cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Gần 1.500ha lúa mùa bị thiếu nước Gần 1.500ha lúa mùa bị thiếu nước

Vụ mùa năm 2015 toàn tỉnh đã gieo cấy được 31.770ha lúa đạt 97,5% diện tích kế hoạch. Theo báo cáo của các địa phương và qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT hiện nay toàn tỉnh có gần 1.500ha lúa đã cấy bị thiếu nước, trong đó tập trung tại các huyện: Đoan Hùng 356ha; Hạ Hòa 814ha; Thanh Ba 77ha; Yên Lập 70,5ha; Cẩm Khê 63ha; Tân Sơn 116ha.

29/07/2015
Bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa cần nhiều giải pháp Bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa cần nhiều giải pháp

Bảo tồn cây trồng, vật nuôi bản địa là một trong những nhiệm vụ cần thiết để giữ gìn các nguồn gen đặc trưng này trước nguy cơ suy giảm, thoái hóa. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn phát huy hiệu quả, thì câu chuyện “hậu” bảo tồn cũng cần được chú trọng để không lãng phí nguồn gen quý.

29/07/2015
Gia Lai có 689 ha cà phê bị bệnh rụng quả Gia Lai có 689 ha cà phê bị bệnh rụng quả

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các vùng trồng cà phê trong tỉnh đã xuất hiện bệnh rụng quả cà phê làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ thu hoạch tới.

29/07/2015
Đắk Nông cứu cây cao su! Đắk Nông cứu cây cao su!

Thời gian gần đây, tình trạng nông dân tự phát chặt bỏ cây cao su đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với diện tích lên đến hàng ngàn ha thật sự là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

29/07/2015
Chọn hướng đi phù hợp cho cây trồng biến đổi gien Chọn hướng đi phù hợp cho cây trồng biến đổi gien

Trước áp lực gia tăng dân số, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đưa cây trồng biến đổi gien (CTBĐG) vào sản xuất. Thực tế cho thấy, các nước đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng CTBĐG đã thu lợi rất lớn so với các nước khác.

29/07/2015