Dự Án Lúa Chất Lượng Cao Nỗi Lo Thiếu Vốn
Với hơn 74 nghìn hecta diện tích gieo sạ hằng năm nhưng hiện giờ, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn chưa có được bản quyền của một loại giống lúa siêu nguyên chủng nào; trong khi Dự án hỗ trợ phát triển giống lúa thuần mới chất lượng cao (gọi tắt là Dự án) thì triển khai cầm chừng vì “khát” vốn!
Dự án được thực hiện trong 4 năm (2013-2016) với tổng kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng (vốn ngân sách hơn 7,1 tỷ đồng). Mục tiêu của Dự án là du nhập, chọn lọc, sản xuất ra hạt giống lúa các cấp, hạt giống đầu dòng (G1), giống thuần mới chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu; đảm bảo đủ hạt giống siêu nguyên chủng để sản xuất 400ha giống lúa nguyên chủng (1.500 tấn/năm) nhằm đáp ứng 25% nhu cầu giống chất lượng cao trong tỉnh.
Lợi nhiều…
Dù đã dùng giống lúa thuần ĐH815-6 và ĐH9981 từ nhiều năm nay nhưng phải đến vụ đông xuân 2013-2014, nó mới thật sự thuyết phục được nông dân thôn Đông Quang, xã Phổ Văn (Đức Phổ). Lý do, ngoài việc năng suất đạt từ 70-80 tạ/ha thì 50% lượng thóc tươi sẽ được Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi tỉnh (Trung tâm) thu mua với giá lúa khô-tức 5.800 đồng/kg.
Anh Nguyễn Năm hồ hởi nói rằng, “riêng giống ĐH815-6 thì mỗi vụ tôi thu được tới gần 2 tấn lúa nên ăn không hết, mà bán thì bạn hàng ép giá rẻ. May có Trung tâm mua. Chỉ tiếc là họ mua có một nửa, chứ mua hết tôi cũng bán”.
Còn tại thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức), hai loại giống “made in Quảng Ngãi” cũng khiến bà con nông dân nức lòng, nhất là vụ hè thu vừa rồi. Bởi không chỉ cho năng suất cao (65-70 tạ/ha), gạo ngon mà còn bán được thóc tươi với giá cao. Vì thế dù chỉ có 3 sào ruộng, ông Đinh Đình Chương vẫn ưu ái dành cho ĐH815-6 đến 2 sào để “vừa để dành ăn, vừa có lúa bán”.
Không chỉ Phổ Văn (Đức Phổ), Đức Hòa (Mộ Đức) mà từ khi tham gia Dự án, hàng nghìn hộ dân ở các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn và Tư Nghĩa được hưởng lợi. Đó là họ không chỉ trúng mùa, mà còn được tiếp cận với giống lúa cấp nguyên chủng.
Tuy nhiên, điều khiến nông dân chưa hài lòng là vì sao Trung tâm không thu mua toàn bộ lượng giống mà họ sản xuất được? Lý giải điều này, Giám đốc Trung tâm Đoàn Văn Nhân nói: “Dự án chỉ cho phép mua 50% thóc giống. Số còn lại để người dân trao đổi, gieo sạ vụ sau”.
…nhưng ít được quan tâm
Sau hai năm thực hiện Dự án, đến nay Trung tâm đã có trong tay trên 590kg lúa G1, hơn 20.000 kg lúa siêu nguyên chủng và 200 ha diện tích sản xuất hạt giống nguyên chủng; đồng thời mua sắm 3 máy chế biến, 2 máy sấy hạt và 2 máy đo độ ẩm để phục vụ công tác bảo quản hạt giống.
Dù gặt được những “quả ngọt” đầu mùa nhưng xem ra, việc triển khai Dự án đang gặp rất nhiều khó khăn vì “khát” vốn. Đến nay, vốn ngân sách chỉ phân khai hơn 3,4/6,1 tỷ đồng (2 năm 2013-2014) khiến tiến độ lai tạo, sản xuất hạt giống và mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ bị ảnh hưởng.
Dự án còn yêu cầu phải mua bản quyền tác giả (mua thương hiệu) của 1 giống siêu nguyên chủng, nhưng theo lãnh đạo Trung tâm thì với số tiền Dự án cấp 300 triệu đồng sẽ rất khó để thực hiện điều này. Vì rẻ như VN121 mà cũng chạm ngưỡng 900 triệu đồng, nói gì đến những loại giống “siêu” khác. Còn chuyện sở hữu riêng cho mình một loại giống siêu nguyên chủng để có thể cho ra đời những hạt giống “made in Quảng Ngãi” thì vẫn phải... đợi vốn!
Sự ra đời của Dự án là “món quà” mà hàng chục nghìn nông dân trong tỉnh mong đợi. Bởi nó không chỉ giúp ngành nông nghiệp chủ động hơn trong việc sản xuất, cung ứng cũng như nâng cao chất lượng, giảm giá thành hạt giống mà còn tạo điều kiện để nông dân tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất. Có điều trong lúc nông dân mong chờ điều này thành sự thật thì, giống chất lượng cao lại mỏi mòn đợi trợ giúp-mà trước hết là đừng để Dự án phải “chết yểu” vì “khát” vốn.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến nay, nông dân Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã thả nuôi được hơn 2.100ha cá ruộng thay cho vụ lúa Thu đông, tăng 500ha so với năm 2012, tập trung ở những vùng trũng như: xã Hòa An, Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Phương Bình, Phương Phú… Ngoài việc nuôi cá, nhiều nông dân còn trồng ấu hoặc sen để tăng thu nhập.
Người nuôi và nhà sản xuất tôm ở ĐBSCL đã có sự bất bình trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố phán quyết cuối trong vụ điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, đồng thời cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng ngàn hộ nông dân sản xuất tôm.
Ngày 17/8, hơn 110 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau, các chi cục trực thuộc, Phân viện Nuôi trồng thuỷ sản 2, phòng nông nghiệp các huyện, 9 hợp tác xã nuôi tôm và những hộ nuôi tôm điển hình trên địa bàn tỉnh Cà Mau dự Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với người nuôi tôm” do Sở NN&PTNT phối hợp với tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện.
Thời gian vừa qua, đàn bò của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị bệnh lở mồm long móng (LMLM). Trong khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm mọi cách để khống chế dịch bệnh thì thương lái đã tìm đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua bò với giá rẻ. Điều này gây thiệt đơn thiệt kép, không chỉ thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn khiến dịch bệnh lây lan.
Huyện Tuy An (Phú Yên) là địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh, trong đó 71,5% là bò lai. Chăn nuôi bò đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân.