Cả nghìn buồng chuối ế lỗi không hẳn do lái buôn Trung Quốc
Sau những lần nông sản ế ẩm, bà con khóc ròng, nhiều đội tình nguyện, thiện nguyện trong cả nước lại chung tay “giải cứu”.
Họ mua chênh hơn giá thương lái thu mua chỉ vài nghìn đồng rồi mang lên các thành phố tìm điểm bán.
Tinh thần "lá lành đùm lá rách" được phát huy.
Nông sản sạch, giá rẻ hết veo trong vài tiếng đồng hồ.
Thế nhưng, số tiền bán nông sản cho đội “giải cứu” chỉ bớt được một phần rất nhỏ, trong số hàng chục, hàng trăm triệu đồng đang chờ bà con trả lãi.
Bất lực với chuối tiêu hồng?
Bất lực trước hàng trăm nải chuối chín xếp chật 2 gian nhà bếp, chị Nguyễn Thị Tám (Nhật Chiêu 6, Liên Châu, Vĩnh Phúc) mặt buồn rười rượi.
Chị cho biết, 30 mẫu trồng chuối đang ngắc ngứ vì không bán được cho ai.
Chị cho biết, mọi năm, thương lái đến thu mua ngay từ đầu tháng 11 để xuất sang Trung Quốc.
Giá bán dao động 9.000-10.000 đồng/kg.
Mỗi buồng, chị thu cả vốn lẫn lãi được 100.000-150.000 đồng.
Thế nhưng, 2 tuần nay, hàng trăm buồng chuối già căng đã nứt vỏ xếp đống mà chưa ai đến thu mua.
Hiện tại chỉ có một vài thương lái trong nước thu mua lẻ tẻ.
Họ mua chỉ 1-2 buồng với giá 2.000-2.500 đồng/kg.
Tính ra mỗi buồng to chỉ bán được 14.000-20.000 đồng, bằng 1/8 mùa năm trước.
Chị Tám ngừng thuê người làm.
4 công nhân không có nguồn thu.
Những buồng chuối chín rũ phải đem cho lợn, gà ăn.
Hàng nghìn buồng chuối tiêu hồng ở thủ phủ Liên Châu (Vĩnh Phúc) đang chất đống chờ thương lái đến mua.
Cũng theo chủ vườn này, 3 ngày gần đây, có đội tình nguyện về làng “giải cứu nông sản”.
Họ mua cho dân với giá 30.000 đồng một buồng.
Thế nhưng, phải tính đầu ra, rủi ro chuối chín sớm nên đội chỉ thu mua cho mỗi nhà vài buồng.
Gia đình chị Tám như đang ngồi trên đống lửa, chẳng ai buồn nói chuyện với ai, vì tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng.
Không chỉ chị Tám, rất nhiều người dân ở xã Liên Châu cũng đang đứng ngồi không yên vì đặc sản ế ẩm.
Không khí cả xã trầm xuống.
Xảy ra tình trạng khốn đốn này, hầu hết bà con trồng chuối được hỏi đều đổ lỗi cho thương lái Trung Quốc ngừng mua.
Thế nhưng, Phó chủ tịch UBND xã Liên Châu, ông Phùng Mạnh Khuyến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện nay là người dân trồng chuối ồ ạt, phá vỡ quy hoạch của xã.
"Theo quy hoạch, xã Liễn Châu chỉ trồng khoảng 75 ha.
Trong đó, một nửa trồng chuối tiêu hồng, một nửa chuối tây.
Thế nhưng, sau khi có dự án trồng chuối tiêu hồng cấy mô đem lại hiệu quả kinh tế cao, thì người dân đổ xô trồng.
Hiện tại, diện tích trồng chuối ở xã xấp xỉ 100 ha, vượt quá quy hoạch cho phép là 1/3", ông cho hay.
Chuối tiêu hồng đã chín đỏ nhưng không ai mua.
Người dân phải nhặt cho bò ăn dần.
Ông Khuyến cũng cho biết, chính quyền xã đã khuyến cáo nhân dân không nên trồng chuối tiêu hồng ồ ạt.
Thậm chí, có thời điểm xã đã cử người xuống yêu cầu chặt bỏ nhưng dân không chịu nghe.
Song, cũng theo Phó chủ tịch xã, bên cạnh đó, nguyên nhân thứ yếu cũng là năm nay nắng nóng, chuối phát triển nhanh, cho thu hoạch sớm.
Hơn nữa, cùng thời điểm này mọi năm, thương lái đổ về cân bán xuất đi Trung Quốc nhiều, năm nay số lượng đến mua rất ít, dẫn đến tình trạng này.
Bài học cũ chưa chừa
Đầu năm, cả nước chung tay giải cứu hơn 1.500 tấn dưa hấu cho bà con nông dân ở Quảng Ngãi.
Thế nhưng, với giá bán cho đội giải cứu chỉ nhỉnh hơn thương lái Trung Quốc thu mua, nước mắt người nông dân vẫn chảy dài.
Câu chuyện vẫn lặp đi lặp lại đối với hành tây, khoai tây, khoai lang Đà Lạt, hành tím Sóc Trăng,...
Sau những sự vụ "cười ra nước mắt", người nông dân các miền Tây, Nam, Trung, Bắc vẫn ngậm trái đắng khi các đặc sản xứ sở liên tục rớt giá và ế.
Nguyên nhân được người dân đưa ra là thương lái ngừng mua xuất sang Trung Quốc như mọi năm.
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, người hoạch định, nguyên nhân chính là người dân chỉ chạy theo cái lợi trước mắt, mà không suy tính cái lợi lâu dài.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, tình trạng nông sản Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng được mua mất giá, không tiêu thụ được (như dưa, hành tím, tỏi, gạo,… và bây giờ là chuối) là câu chuyện thị trường.
“Trước hết, đã nói sản xuất hàng hóa là thị trường quyết định.
Không có thị trường thì không thể nói sản xuất hàng hóa mang tính bền vững.
Thị trường của mình ăn đong, ăn xổi, cứ làm đi có được thì tốt, không có thì không sao.
Câu chuyện này, nếu không làm rõ vai trò của yếu tố thị trường thì sẽ luôn trong tình trạng như vậy”, ông cho hay.
Cũng theo ông Ngọc, nhiều doanh nghiệp làm chuối có những thị trường rất rõ ràng mà chủ yếu là ở Trung Quốc.
Các đơn vị này đã có thỏa thuận từ trước, họ có hợp đồng bài bản về lượng trồng, thu mua.
Cũng vì thế, đơn cử ở Lào Cai, dân trồng vài trăm ha, cũng là chuối tiêu hồng nhưng không bao giờ bị thừa.
"Trong khi đó, ở Vĩnh Phúc, người dân trồng chuối phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Kéo theo khi thị trường xuống, họ sẽ ép giá, tình trạng ế ẩm, đổ bỏ cho bò ăn là không tránh khỏi", ông cho hay
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt bài học trên rút ra một kinh nghiệm là sản xuất phải theo chuỗi giá trị.
Nghĩa là phải có doanh nghiệp vào cuộc với nông dân ngay từ đầu, chứ không thể để nông dân tự bơi, tự trồng rồi đổ lỗi cho thương lái thì câu chuyện được mùa mất giá sẽ luôn tiếp diễn.
Với câu chuyện về chuối tiêu hồng ở Vĩnh Phúc, đại diện đội giải cứu cho biết, họ sẵn sàng chung tay giúp đỡ bà con, nhưng không muốn tình trạng này lặp lại thêm một lần nữa.
Bởi từ đầu năm, dọc các miền Bắc, Trung, Nam...
tiếng kêu giải cứu nông sản ế diễn ra thường xuyên hơn.
Hiện nay, đội tình nguyện đã giải cứu hơn 1.000 buồng trong tổng số 3.000 buồng chuối ở Vĩnh Phúc đang nằm chờ thương lái đến thu mua.
Thế nhưng, do nhiều yếu tố về sức người, thời gian,...
ban tổ chức cũng động viên bà con chủ động mang chuối lên các thành phố bán.
Qua đó, họ có thể móc nối với các doanh nghiệp lớn thu mua dùng làm nguyên liệu trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Khởi đầu bằng 10m2 ao nuôi với 20 con ba ba giống, sau hơn 10 năm gắn bó cùng sự tính toán đầu tư hợp lý, anh Hà Tiến Hùng (tổ 28, phường Yên Ninh, TP. Yên Bái, Yên Bái) đã sở hữu ao ba ba trị giá cả tỷ đồng...
Ngày 6.12, hàng ngàn người đã đến tham quan, tìm hiểu về 500 sản phẩm đến từ 7 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Nhật Bản được trưng bày tại công viên đá Nhật Bản Rin Rin Park, Hóc Môn, TP.HCM.
Với đặc thù sông ngòi chằng chịt, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không hoàn toàn chỉ là các con đường, mà quan trọng nhất là những cây cầu nối đôi bờ sông nước.
Ngày 22/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Tiền Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Một số giải pháp phòng trị bệnh hại trên cây ăn trái vùng ĐBSCL”.
Các giống bí đỏ Suprema, Ajuna do Cty Hai mũi tên đỏ cung cấp đã cho bà con nông dân các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng lợi nhuận khá cao.