Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đóng Mác Cá Tra Mừng Và Lo

Đóng Mác Cá Tra Mừng Và Lo
Ngày đăng: 24/05/2014

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 36 (hiệu lực từ ngày 20/6/2014) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đang thu hút sự quan tâm của nhiều thương nhân, doanh nghiệp, người dân...

Theo quy định mới, hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thương phẩm chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, phải phù hợp quy hoạch được công bố. Con cá tra VN được “đóng mác” tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc; các hợp đồng xuất khẩu cá tra phải được đăng ký tại Hiệp hội Cá tra VN mới được hải quan chấp nhận thông quan.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra VN quả là một kỳ tích. Sau lúa gạo và hơn cả lúa gạo, chỉ trong một thời gian ngắn, con cá tra đã vươn lên đỉnh vinh quang hơn bất kỳ cây, con nào.

Từ hơn 5.000ha nuôi trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cá tra VN đã “bơi” ra gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về gần 2 tỉ USD mỗi năm. Ngành kinh tế này có lúc đóng góp khoảng 2% GDP quốc gia, tạo việc làm cho hàng chục triệu công nhân, người nuôi và lao động phụ trợ.

Tuy nhiên, sau ánh hào quang “vượt vũ môn” của loài “đế ngư” này là cảnh bát nháo, bấp bênh, trồi sụt về mặt giá cả... Đặc biệt là cảnh người nuôi, doanh nghiệp cá tra lao đao, sản xuất đình đốn, xuất khẩu gặp khó. Con cá tra bị “chặt thành nhiều khúc” theo những lợi ích khác nhau. Nguyên nhân được nhận diện là do phát triển nóng, thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm.

Trong những cơn khát vốn, người nuôi cá, đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản, doanh nghiệp, ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau cộng với quản lý yếu kém, thiếu công cụ pháp lý quy hoạch, tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chụp giật đã tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán cá tra với giá thấp, thậm chí thấp đến mức mang tiếng bán phá giá.

Lần đầu tiên một nghị định ra đời điều chỉnh hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thương phẩm, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến ngành cá tra để sắp xếp lại “đội hình”, xác lập trật tự mới, gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm. Xuất khẩu cá tra theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất xong rồi mới tìm nơi bán hàng. Công cụ pháp lý quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “luật chơi” trong “sân chơi cá tra” để các doanh nghiệp VN ứng xử và liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài.

Thật ra, nghị định này ra đời không phải là điều bất ngờ, bởi nó đã được lấy ý kiến đóng góp gần năm năm qua. Song khi nghị định được ban hành, chỉ 50 ngày sau sẽ có hiệu lực pháp lý. Yêu cầu khẩn trương cho những vấn đề bức xúc của ngành kinh tế quan trọng này là cần thiết.

Tuy nhiên, hàng loạt quy định mới, nhiệm vụ mới được giao cho các tổ chức, cơ quan cũng đòi hỏi sự chuẩn bị tích cực để đảm bảo việc thực thi quyền hạn không “làm khó” thương nhân, doanh nghiệp. Quy hoạch và chất lượng quy hoạch vùng nuôi, cơ sở chế biến là yêu cầu đầu tiên.

Liệu sau ngày 20/6/2014 sẽ có được những quy hoạch tốt để làm “cây gậy chỉ huy”? Thẩm quyền “xác nhận” diện tích, sản lượng cá tra thương phẩm, phù hợp quy hoạch của “cơ quan quản lý thủy sản địa phương” nào đó của nghị định rất cần được làm rõ để đảm bảo yêu cầu quản lý mà không bị “hành chính hóa” nặng nề.

Việc tổ chức đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra cho thương nhân cũng phải được thực hiện thật tốt, tránh phiền hà, cản trở kinh doanh của doanh nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Phú Tân (Cà Mau) Diện Tích Nuôi Tôm Công Nghiệp Tiếp Tục Tăng Mạnh Huyện Phú Tân (Cà Mau) Diện Tích Nuôi Tôm Công Nghiệp Tiếp Tục Tăng Mạnh

Đến thời điểm này, huyện Phú Tân đã thu hoạch hơn 1.200 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Những tháng đầu năm, tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện gặp khó khăn về giá cả, thiếu điện cũng như các yếu tố đầu vào tăng cao; tuy nhiên, diện tích nuôi tôm công nghiệp vẫn tăng khá cao.

07/11/2014
Hội Nông Dân Xã Quảng Hợp Phát Triển Mô Hình Chăn Nuôi Dê Hội Nông Dân Xã Quảng Hợp Phát Triển Mô Hình Chăn Nuôi Dê

Quảng Hợp có diện tích đất rừng khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình chăn nuôi dê thả rừng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê núi của một số hội viên điển hình, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê thả rừng.

07/11/2014
Sầu Riêng Sốt Giá, Hiếm Hàng Sầu Riêng Sốt Giá, Hiếm Hàng

Chị Nguyễn Thị Quyên- tiểu thương chợ Vĩnh Long cho biết: Khoảng 1 tháng nay, giá sầu riêng tăng mạnh lại khan hiếm hàng. Nguyên nhân là do nghịch mùa, nhu cầu xuất khẩu tăng. Phần lớn phải mua sầu riêng sống, để chín dần, trái xấu cũng mua mới có hàng bán. Nhập khoảng 200 kg/đợt, bán 4 - 5 ngày mới hết, sức mua cũng không tăng nhiều.

07/11/2014
An Giang Khôi Phục Giống Iều Ở Xứ Cồn An Giang Khôi Phục Giống Iều Ở Xứ Cồn

Theo ông Bình, cây iều trước đây là loại rất phổ biến ở địa phương theo kiểu ăn chơi. Do nước lũ, người dân đã chặt bỏ để trồng bắp, cà, sả… nên từ rất lâu không còn nghe ai nhắc đến và cây iều gần như “tiệt chủng”. Trong một lần đi học tập kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh miền Đông, gặp cây iều có cái tên là lạ, ông đã xin giống đem về trồng.

07/11/2014
Tiền Giang Trồng Nhãn Thạch Kiệt Cho Lợi Nhuận Cao Tiền Giang Trồng Nhãn Thạch Kiệt Cho Lợi Nhuận Cao

Cây nhãn Thạch Kiệt trồng khoảng 24 tháng là có thể xử lý cho trái. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm như: Kháng được bệnh “chổi rồng”, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, thơm, trái sai, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất ven sông Tiền.

07/11/2014