Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đốn Bỏ Cao Su Không Nặng Nề Nhưng Đáng Lo

Đốn Bỏ Cao Su Không Nặng Nề Nhưng Đáng Lo
Ngày đăng: 11/07/2014

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi kiểm tra khảo sát một số cánh đồng trước đây trồng cao su nhưng sau đó bị chặt bỏ để chuyển sang trồng mì ở Tây Ninh.

Ngày 10/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng đại diện Vụ Kế hoạch, Cục Trồng trọt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN làm việc với tỉnh Tây Ninh để kiểm tra tình hình phát triển cây cao su cũng như tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này.

"Việc bình thường"

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh, diện tích cao su toàn tỉnh đến cuối năm 2013 là 98.173 ha, trong đó chủ yếu là cao su tiểu điền với 71.000 ha chiếm 72,5%, vượt chỉ tiêu qui hoạch của Trung ương là 38.170 ha, và vượt hơn so qui hoạch phát triển nông nghiệp địa phương đến năm 2015 là 13.770 ha.

Hiện nay, do giá cao su giảm mạnh so các năm trước và so với một số mặt hàng nông sản khác nên người dân địa phương có xu hướng thanh lý vườn cây không hiệu quả và chặt bỏ cây cao su non trên đất rẫy, đất ruộng không phù hợp để chuyển sang trồng cây khác.

Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 6/2014, toàn tỉnh đã có 1.749 ha thanh lý và chặt bỏ, trong đó diện tích cao su già là 1.530 ha.

Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: "Sở dĩ số liệu này cao hơn nhiều so những năm trước bởi trong thời gian qua giá mủ cao, nông dân đã mở 2 miệng cạo, đến nay dù vườn cao su chỉ mới 15 năm tuổi nhưng đã hết da cạo nên thanh lý". Còn lại 218 ha là diện tích cao su non dưới 5 năm tuổi.

"Cao su chặt chủ yếu là 1-3 năm tuổi trồng trên vùng đất thấp trước đây qui hoạch trồng lúa, diện tích chặt nhỏ lẻ chừng 1-2 ha nằm cũng trong vùng này. Họ chặt để chuyển sang cây trồng khác.

Quan điểm của chúng tôi là vận động nông dân giữ lại ở những vùng trong qui hoạch, đồng thời hướng dẫn qui trình canh tác nhằm đầu tư khai thác có hiệu quả cao nhất, còn vùng thấp không qui hoạch trồng cao su thì vận động trồng cây trồng khác theo qui hoạch của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho bà con nông dân vay vốn đầu tư trồng cây khác có hiệu qủa hơn", bà Thủy nói.

Ông Lê Minh Châu, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG), cho biết, thời gian qua việc đốn bỏ cao su không chỉ xảy ra ở Tây Ninh mà còn ở Bình Phước, Bình Dương mà theo đánh giá của Tập đoàn thì "đó là việc bình thường".

"Theo chúng tôi, năm nào người dân cũng chặt nhưng do năm nay giá mủ thấp nên được dư luận quan tâm hơn. Điều đáng nói là, một số nhà vườn cao su tiểu điền do trước đây giá mủ tăng cao đã đưa diện tích vào khai thác quá sớm, lẽ ra phải 5-6 năm theo qui trình kỹ thuật nhưng mới trồng 4 năm đã vội vàng mở miệng cạo nên sau 10 năm là có trường hợp phải thanh lý bỏ đi do kém hiệu quả", ông Châu cho biết.

Giằng- co giữa cao su và cây mì

TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, tỏ ra băn khoăn khi hầu hết diện tích cao su ở địa phương sau khi đốn bỏ đều đưa vào trồng mì (sắn) với số lượng quá nhiều sẽ không có lợi cho đất đai.

Mặt khác, với "sáng kiến" như "rong cành tạo tán" từ năm thứ 3 trở đi (lúc này cây cao su đã khép tán) hoặc chặt ngang đọt để có ánh sáng cho cây trồng xen phát triển với mục đích làm chậm phát triển cây trồng chính nhưng lại gia tăng số lần trồng xen của cây trồng phụ.

"Chúng ta không nên khuyến khích mô hình này bởi làm như vậy là mạo hiểm, chắc chắn sẽ có hại cho cây cao su về sau", ông Dư khuyến cáo.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi kiểm tra khảo sát một số cánh đồng trước đây trồng cao su nhưng sau đó bị chặt bỏ để chuyển sang trồng mì trên địa bàn huyện Tân Châu, nơi có diện tích cao su bị đốn bỏ lớn nhất tỉnh với 740 ha/36.000 ha, trong đó diện tích cao su già cỗi phải thanh lý là 520 ha, còn lại là 220 ha cao su non từ 1-3 tuổi.

Đứng trên bờ cánh đồng trồng cây mì mới nhú của lão nông Lê Văn Nguyện (70 tuổi, xã Thạnh Đông), ông Võ Đức Trong, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, báo cáo nhanh với Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Hiện nay 1 ha trồng mì sau khi trừ chi phí có thể lãi 40-60 triệu, còn trồng cao su khai thác năm thứ nhất đến năm thứ ba năng suất đạt khoảng 800 kg đến 1,2 tấn/ha, thu nhập cỡ 30 triệu/tấn thì không có ăn. Bởi cao su trồng mất 5 năm kiến thiết cơ bản (KTCB) và 3 năm khai thác đầu, tức 8 năm rõ ràng không đủ chi phí nên người dân chuyển qua trồng mì có hiệu quả hơn".

"Khi trồng mới cao su thì người dân có mất nhiều tiền không?", Bộ trưởng hỏi. Ông Trong đáp: "Thưa Bộ trưởng, năm đầu khoảng 20 triệu. So với các Cty cao su Nhà nước thì chi phí KTCB lớn vì họ không trồng xen, nhưng đối với nông dân thì nhờ trồng xen lấy cây mì nuôi cao su nên chi phí không tốn kém nhiều lắm".

Lão nông Nguyện nói gia đình ông có tất cả 10 ha. Bộ trưởng hỏi: "Tây Ninh có chặt bỏ một số diện tích cao su, trong đó có chú. Chú cho ý kiến thế nào mà gia đình lại bỏ cao su đi?".

"Nhà tui có 10 ha đất ruộng vừa trồng trồng mì, mía và cao su. Trong đó có 2 ha cao su được 1,5 tuổi. Vừa rồi thấy giá mủ xuống, nên tôi chặt bỏ hết để trồng mì", ông Nguyện cho biết.  "Vậy chú đã trồng mới hết bao nhiêu tiền, khoảng 20-30 triệu không?", Bộ trưởng hỏi tiếp.

"Vâng, khoảng đó. Nếu tui cố giữ lại vườn cao su thì phải mất mấy năm nữa mới có thu nhập, trong khi trồng mì đang có lãi hơn. Vừa rồi gia đình tui bán 1 ha mì thu về 100 triệu đồng". "Tức nếu để lại cao su phải chờ thêm 3 năm nữa nhưng còn thêm tiền vào, còn trồng mì sẽ có lợi trước mắt. Vậy là chú cần diện tích để canh tác trong lúc cây cao su chưa sinh lợi, phải không? - Bộ trưởng hỏi tiếp. "Vâng đúng vậy!", ông Nguyện khẳng định.

Không nên chạy theo thành tích

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: "Về tình hình cao su, khi đi tôi nửa mừng nửa lo, tuy nhiên khi đến thì tình hình không xấu đến mức tôi cảm nhận trước lúc đi, nhưng vẫn lo bởi việc phá bỏ cao su của nông dân là có thật, trong đó một phần do ảnh hưởng của thị trường xấu đi, và ở đây có sự tính toán kinh tế của nông dân.

Cái lo thứ hai, theo thông tin tôi nắm được thì giá cao su sẽ có thể kéo dài thêm một thời gian. Chúng ta đang có 955 ngàn ha, trong đó có 550 ngàn cho mủ, còn lại 400 ngàn ha sẽ cho mủ trong các năm tới, cộng với năng suất vườn cây trẻ tuổi sẽ tăng lên. Như vậy, sản lượng cao su thiên nhiên chúng ta sẽ tiếp tục tăng lên mặc dù trên thế giới mủ cao su đang có xu hướng cung đã vượt cầu.

Vì thế, chúng ta phải thường xuyên thông báo thông tin cho người trồng cao su biết, trước mắt khuyến cáo đưa ra gói kỹ thuật (lúc nào cạo theo chế độ D2, D3 hoặc D4) cũng như tiến hành rà soát lại qui hoạch.

Trong lúc này, ngành cao su không nên chạy theo thành tích mà đi vào đầu tư thâm canh chiều sâu, khuyến khích hỗ trợ phát triển chế biến để chủ động thị trường. Qua thực tế cho thấy những ai trồng cao su bằng tiền của mình thì có lãi, còn phải vay ngân hàng lúc này không có lãi, vì vậy đã đến lúc ngân hàng phải tính toán gói hỗ trợ cho nông dân để duy trì vườn cây. Bởi vườn cây không phải của một gia đình mà là tài sản xã hội".


Có thể bạn quan tâm

Nông sản miền Tây khó vào kênh bán lẻ Nông sản miền Tây khó vào kênh bán lẻ

Việc siêu thị từ chối hàng nông sản tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như sản phẩm khu vực này khó cạnh tranh trên thị trường đang làm cho người nông dân gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng nên “phá bỏ để làm mới” lĩnh vực sản xuất nông sản thì mới hy vọng tình hình chuyển biến tốt hơn.

11/09/2015
Lo sản xuất bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu Lo sản xuất bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu

Nếu không có biện pháp ứng phó thích hợp với biến đổi khí hậu, trong tương lai không xa, có không ít doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thu hẹp sản xuất, thậm chí bị phá sản vì thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất.

11/09/2015
Nông nghiệp chính là tương lai Nông nghiệp chính là tương lai

Nhiều chuyên gia cho rằng trong vòng 20 năm nữa, Việt Nam vẫn phải đứng trên “đôi chân nông nghiệp”. Điều này báo chí đã phân tích nhiều, có lẽ không cần bàn cãi. Bài viết này ghi nhận ý kiến của các chuyên gia liên quan đến câu chuyện thay đổi tư duy làm nông nghiệp của Việt Nam. Đáng chú ý, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Việt Nam, khẳng định: nông nghiệp chính là tương lai.

11/09/2015
Giải cứu cá tra nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả Giải cứu cá tra nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả

Để giải cứu cá tra, cần nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả 4 bên: Nông dân, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung ứng thức ăn và hệ thống ngân hàng.

11/09/2015
Cơn lốc nhập bò ngoại không lo sợ, nhưng... Cơn lốc nhập bò ngoại không lo sợ, nhưng...

Trước cơn lốc nhập khẩu bò ngoại, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân vừa có chuyến đi khảo sát thực tế bên Úc và chia sẻ ngay với NNVN.

11/09/2015