Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giao Khoán Vườn Cây Cao Su Lợi - Hại Khó Lường

Giao Khoán Vườn Cây Cao Su Lợi - Hại Khó Lường
Ngày đăng: 09/04/2013

Thời gian gần đây ở Bình Dương giá cao su xuống thấp, có thời điểm xuống dưới 450 đồng/độ đã làm cho nhiều chủ vườn bắt đầu thấy bất an. Nhiều chủ vườn đang tìm các phương án tốt nhất để bảo đảm duy trì nguồn thu nhập, trong đó có việc giao khoán vườn cây.

Hướng đi mới, nhưng...

Nhiều chủ vườn nhận định, giá cao su trong năm nay khó có thể đạt mức 500 đồng/độ như mùa cạo năm trước. Nếu giá thấp hơn 400 đồng/độ, nhiều chủ vườn sẽ không đủ chi phí để tái chăm sóc vườn cây. Trước tình hình đó, nhiều hộ cao su tiểu điền đang chuyển hướng sang giao khoán khai thác mủ cao su cho các chủ thầu vườn để nhận số tiền tương ứng với diện tích vườn cây.

Tuy nhiên, nếu chọn phương án này xem như các chủ vườn đã bước vào “ván bài may rủi”. Anh Hưng, một chủ vườn cao su tiểu điền với diện tích 1 ha, ngụ xã Lai Uyên, huyện Bến Cát cho biết: “Khoảng 2 năm gần đây việc khai thác mủ cao su của gia đình tôi không được thuận lợi do giá liên tục giảm. Nhiều tháng cả vườn cây khai thác không đủ tiền trả cho người cạo, với tình hình này để duy trì việc khai thác còn khó chứ đừng nói chuyện chăm sóc vườn cây. Thấy một số người có cao su xung quanh “bán vườn” cho người khác khai thác nên tôi cũng quyết định giao khoán xem lời lỗ như thế nào”. Qua việc giao khoán, anh Hưng nhận được 150 triệu đồng cho 1 ha cao su với thời hạn khai thác là 2 năm. Anh Hưng cho biết thêm, với 150 triệu đồng thu được thì cũng chỉ đủ cho sinh hoạt trong gia đình trong 2 năm. Tuy số tiền không cao nhưng mình khỏi phải lo chuyện giá mủ thế nào, phân bón lên giá hay xuống giá.

... Lợi - hại khó lường

Tuy nhiên, việc giao khoán vẫn có thể có nhiều rủi ro cho cả 2 bên. Nếu giá mủ cao su xuống thấp, thời tiết không tốt, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các “chủ thầu”. Điều này đồng nghĩa với việc quyết định giao khoán của các chủ vườn là hoàn toàn chính xác. Ông Tân, một “chủ thầu” vườn cao su ở xã Tân Hưng, huyện Bến Cát cho biết: “Nếu trong thời gian khai thác, giá mủ cao su không ổn định thì việc lỗ vốn là điều chắc chắn nhưng phải làm “liều” thôi, 5 ăn - 5 thua mà”.

Suy nghĩ của ông Tân cũng chính là điều trăn trở chung của các “chủ thầu”. Sau khi ký hợp đồng giao khoán, cách khai thác mủ cao su ra sao sẽ do các “chủ thầu” quyết định, nhưng vẫn phải tuân thủ các điều đã ký kết trong hợp đồng để bảo đảm cây cao su không chết, trừ các trường hợp do thiên tai. Với những điều khoản thỏa thuận khá mở trong hợp đồng, các chủ thầu sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tận thu vườn cây. Để bảo đảm việc không bị lỗ, “chủ thầu” sẽ khai thác triệt để, từ việc cạo đúp, đục cây đến việc bôi thuốc kích thích… Nhiều vườn cây sau một thời gian cho giao khoán đã trở nên “quá đát”, không thể khai thác tiếp mà chỉ có thể thanh lý để lấy gỗ.

Anh Hưng chia sẻ thêm, mặc dù biết là sau khi ký hợp đồng giao khoán thì vườn cao su sẽ bị khai thác triệt để và chắc chắn là sẽ thanh lý cây làm gỗ sau khi hết thời hạn giao khoán. Tuy nhiên, việc thanh lý vườn cây cũng bảo đảm mang lại một số vốn tương đối để trồng mới vườn cây sau này. Phân tích thì có vẻ phần lợi thuộc các “chủ thầu” nhưng vẫn có nhiều người phải “ôm hận” với việc lãnh khoán các vườn cây cao su. Anh C. ngụ xã Tân Hưng, huyện Bến Cát là một điển hình. Năm 2011, thời điểm giá mủ cao su ở mức cao anh nhận khoán 3 ha cao su với giá 1,2 tỷ đồng, khai thác trong 2 năm. Tuy nhiên, năm sau giá mủ cao su bất ngờ xuống thấp khiến anh C. phải cầm cố tài sản để trả tiền vay mượn cho việc nhận vườn cũng như trả công cạo mủ.

Có thể nói việc giao khoán khai thác mủ cao su là một hướng đi mới của các hộ cao su tiểu điền để có một nguồn thu nhất định trước tình hình giá mủ cao su lên xuống thất thường do biến động của thị trường. Tuy nhiên việc giao khoán cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, do vậy các hộ cũng phải cân nhắc kỹ cái được và mất khi giao khoán, nhất là những vườn cao su tiểu điền mới đi vào khai thác.


Có thể bạn quan tâm

Khoai Tây Trung Quốc Lại Ồ Ạt “Quá Cảnh” Đà Lạt Khoai Tây Trung Quốc Lại Ồ Ạt “Quá Cảnh” Đà Lạt

Ngày 27-7, Ban quản lý Chợ nông sản Đà Lạt xác nhận, từ đầu tháng 7 đến nay đã có 3 lô hàng khoai tây Trung Quốc (tổng cộng trên 50 tấn) nhập về chợ. Trước đó, trong tháng 6 cũng đã có 60 tấn khoai tây Trung Quốc nhập về “quá cảnh” Đà Lạt trước khi tung ra thị trường.

28/07/2014
5 Mặt Hàng Phục Vụ Chế Biến 5 Mặt Hàng Phục Vụ Chế Biến

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, 5 mặt hàng tiêu biểu được chọn thực hiện trong kế hoạch này là cao su, cà phê, chè, tôm và rau quả.

06/08/2014
Bảo Lạc Vụ Mùa Gieo Trồng Được Khoảng 6.318 Ha Cây Trồng Các Loại Bảo Lạc Vụ Mùa Gieo Trồng Được Khoảng 6.318 Ha Cây Trồng Các Loại

Hiện nay, toàn huyện gieo trồng vụ mùa ước được khoảng 6.318 ha cây trồng các loại. Trong đó, khoảng 4.685 ha ngô, đạt 105% KH; 550 ha lúa nương; 182,5 ha sắn; 797,7 ha lúa ruộng; 90,7 ha đỗ tương; 13,5 ha lạc.

28/07/2014
Chỉ Dẫn Địa Lý Gạo Nàng Thơm Chợ Đào Chỉ Dẫn Địa Lý Gạo Nàng Thơm Chợ Đào

Theo đó, kế hoạch này gồm 3 nội dung. Đầu tiên là điều tra, khảo sát thực địa và thu thập thông tin (gồm khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai; quy trình, kỹ thuật trồng trọt, canh tác và giống lúa Nàng thơm chợ Đào; điều tra thực trạng quy hoạch vùng canh tác gạo Nàng thơm chợ Đào, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; thu thập thông tin về sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm).

06/08/2014
Lang Môn Đổi Thay Từ Cây Thuốc Lá Lang Môn Đổi Thay Từ Cây Thuốc Lá

Mấy năm gần đây, bộ mặt nông thôn của xã Lang Môn (Nguyên Bình) đã dần đổi thay từ trồng cây thuốc lá. Sau vài năm trồng thử nghiệm, cây thuốc lá dần khẳng định được vị thế giúp bà con cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

28/07/2014