Lại Sốt Chanh Dây

Thời gian gần đây, ở các xã Đắk Sin, Hưng Bình, Đạo Nghĩa và thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp - Đăk Nông), việc thu mua chanh dây như đang lên cơn “sốt”. Chị Đỗ Thị Thu ở xã Đắk Sin cho biết: “Gia đình tôi hiện còn 2 sào chanh dây, thu hoạch tới đâu, tư thương vào mua hết tới đó, kể cả những quả chất lượng xấu. Gia đình tôi đang tính đầu tư trồng chanh dây tiếp trên 3 sào đất trống còn lại”.
Còn anh Lê Viết Lĩnh ở thôn 5, xã Đắk Sin bồi hồi: “Hơn hai tháng qua, thấy tư thương lùng sục tìm mua chanh dây, có lúc lên 20.000 đồng/kg đã khiến tôi và nhiều bà con trong thôn nôn nóng quá, đang tính trồng lại”.
Khảo sát thị trường cho thấy tình trạng tranh nhau mua bán, đẩy giá chanh dây lên cao bất thường đang diễn ra hàng ngày Ông Nguyễn Thái Bình, phụ trách sản xuất, Nhà máy chế biến nước ép trái cây, Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Giai Mỹ (Đắk R’lấp) nói: "Hiện tại chúng tôi không thể cạnh tranh thu mua được nguyên liệu với tư thương vì mức giá có khi được đẩy lên đến 28.000 đồng/kg chanh dây loại tốt. Với giá này, nhà máy sản xuất ra không thể có lời".
Trước việc nhiều nông dân địa phương đã và đang có ý định trồng cây chanh dây, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết: “Bà con nông dân không nên chạy đua trồng chanh dây vì rủi ro còn khá cao. Những năm trước, lúc cao điểm, toàn huyện có hơn 600 ha cây chanh dây, nhưng “đầu ra” rất hạn chế.
Nguồn cung nhiều kéo giá chanh dây có lúc chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg và buộc nhiều nhà vườn phải chặt bỏ…Vì vậy, hiện nay bà con có trồng chanh dây cũng chỉ nên tận dụng những khoảnh đất trống, chưa có kế hoạch canh tác cây trồng khác”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “Hiện tại, tỉnh không khuyến khích nông dân trồng cây chanh dây nhiều. Vì căn cứ vào sức tiêu thụ thực tế, toàn tỉnh chỉ cần trồng khoảng 150 ha cây chanh dây là đủ.
Do đó, nông dân có nhu cầu trồng cây chanh dây thì nên tìm hiểu kỹ thị trường, cũng như chủ trương phát triển cây trồng của tỉnh. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, nông dân không nên trồng chanh dây một cách ồ ạt, hạn chế chặt phá cây trồng có giá trị kinh tế để thay thế cây trồng này. Vì ngoài giá cả bấp bênh, vấn đề dịch bệnh cũng sẽ là những rủi ro lớn khi chăm sóc cây trồng này”.
Có thể nói, ngành Nông nghiệp và các địa phương giờ lại “khản cổ” khuyến cáo nông dân hạn chế trồng cây chanh dây, nhưng có lẽ, vì lợi nhuận trước mắt mà nhiều nông dân cứ tiếp tục trồng cây chanh dây, quên rằng hiểm họa vẫn đang rình rập mình.
Có thể bạn quan tâm

Vụ xuân hè năm nay, xã Đức Chính (Cẩm Giàng - Hải Dương) gieo trồng 70 ha cây dưa hấu. Đến thời điểm này, xã đã thu hoạch được khoảng 15 ha.

Thời gian tới, người dân muốn được nuôi tôm phải có diện tích nuôi tối thiểu từ 2.000 mét vuông trở lên và bên cạnh đó phải có từ 15 - 20% diện tích ao lắng.

Hiện nay, nông dân đang tập trung thả giống nuôi vụ tôm mới, chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Bình, Đông Hải, Giá Rai và TP. Bạc Liêu.

Để khắc phục tình trạng cá rô phi đơn tính ở các ao nuôi nước ngọt hay bị bệnh dịch, năng suất kém, gia đình bà Nguyễn Thị Sáng ở thôn 1, xã Hải Tiến, TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật nuôi cá rô phi trong ao nước lợ với nhiều ưu điểm vượt trội như: Giảm dịch bệnh trên cá, rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng chất lượng thịt cá…

Với mô hình nuôi sinh thái xen ghép các loại cá, tôm, cua, ông Võ Diên (thôn Tân An, thị trấn Thuận An, TP. Huế) đã có được nguồn thu nhập hấp dẫn.