Đổi đời nhờ rau hữu cơ
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, Trưởng ban Liên nhóm HTX rau hữu cơ Thanh Xuân, bà Hoàng Thị Hậu cho biết, từ tháng 7/2008, được sự hỗ trợ của tổ chức ADDA (Đan Mạch), sự chỉ đạo phối hợp của TƯ Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn, Chi cục BVTV Hà Nội... nhiều địa phương đã tổ chức SX rau hữu cơ, trong đó Thanh Xuân là xã tiên phong thực hiện mô hình này.
Cung không đủ cầu
Năm 2008, xã Thanh Xuân mới thành lập được một nhóm duy nhất gồm 11 thành viên tham gia, với diện tích 7.700 m2. Sau khi nhóm này đi vào hoạt động SX và có hiệu quả thì đến năm 2009 thành lập thêm 2 nhóm, đến năm 2010 được 4 nhóm.
Từ năm 2012, Chi cục BVTV Hà Nội đã hỗ trợ tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (bẫy bả protein, bẫy bả chua ngọt, sử dụng vòm che nilon hạn chế bệnh hại trên cà chua...) chuyển đổi 11 ha rau hữu cơ. Đến nay, xã Thanh Xuân đã thành lập và duy trì được 18 nhóm phân bổ trên 5 thôn với diện tích 21 ha.
“Thế mạnh của mô hình SX rau hữu cơ là trong quy trình SX phải tuân thủ nguyên tắc vàng “5 không”, không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ nên thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vấn đề sâu bệnh được bà con xử lý bằng các chế phẩm sinh học, dùng thảo mộc, bẫy bả, trồng hoa dẫn dụ hoặc bắt thủ công”, anh Hoàng Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX rau hữu cơ Bái Thượng, xã Thanh Xuân chia sẻ.
Việc tuân thủ nguyên tắc vàng “5 không” đã tạo ra những mớ rau chất lượng, an toàn mang đến một lợi nhuận đáng kinh ngạc cho bà con nông dân xã Thanh Xuân. Với 21 ha, hàng tháng cho sản lượng trung bình từ 25 - 40 tấn rau, thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ dân thu nhập từ 4 - 5,5 triệu đồng/tháng đã trừ chi phí.
Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Nhung thuộc nhóm SX rau Bái Thượng có 4.000 m2 rau hữu cơ cho thu nhập từ 12 - 17 triệu đồng/tháng. Anh Hoàng Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX rau hữu cơ Bái Thượng có 3.200 m2 rau hữu cơ cũng mang lại thu nhập từ 14 - 20 triệu đồng/tháng.
Mỗi thành viên tham gia mô hình không được trồng các giống rau song song, nghĩa là không được gieo trồng các giống rau ở bên ngoài giống với các giống rau trong mô hình để tránh sự trà trộn rau. Hoặc không được lấy rau từ bên ngoài chưa được kiểm định rau hữu cơ để trà trộn bán với giá rau hữu cơ… |
Hiện ưu điểm lớn nhất của rau hữu cơ là giá cả luôn luôn ổn định, dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, gấp khoảng 2 - 2,5 lần so với các loại rau khác nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, sản lượng rau mà xã Thanh Xuân SX ra không đủ bán. Nhiều Cty ký hợp đồng thu mua như Cty CP Đầu tư Tâm Đạt, Cty TNHH Vinagap (Bác Tôm), Cty CP Obis – Nông sản ngon, Trí Nông…
Mô hình rau hữu cơ của xã đã được UBND huyện Sóc Sơn đề nghị cấp thương hiệu “Nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ Sóc Sơn” từ năm 2012, đồng thời được cấp chứng nhận rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS.
Quy trình nghiêm ngặt
Để bắt đầu vào mô hình trồng rau hữu cơ, người dân phải tham gia một khóa tập huấn kéo dài 18 tuần, sau khi được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện SX. Trong quá trình SX, mỗi thành viên trong nhóm phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình SX rau hữu cơ theo đúng nguyên tắc “5 không”, phân bón phải ủ đúng 3 tháng mới được đem vào sử dụng, bổ sung dinh dưỡng cho rau phải đủ thời gian cách ly mới đem ra thị trường.
Để đảm bảo các nhóm SX rau hữu cơ theo đúng quy trình, đồng thời ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu rau hữu cơ Thanh Xuân, các liên nhóm đã thành lập các ban thanh tra (được tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ thanh tra), thường xuyên kiểm tra đột xuất để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, những hiện tượng bất thường xảy ra. Với những thành viên, nhóm vi phạm sẽ bị treo chứng chỉ, phạt 2 tháng không được cân rau, hoặc phạt tiền nhóm tùy theo cấp độ vi phạm đến đâu.
Bà Hoàng Thị Hậu chia sẻ: “Không những phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình SX rau hữu cơ mà sản phẩm rau hữu cơ cũng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Mặc dù hiện nay, sản lượng rau làm ra không đủ bán, nhưng nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, hoặc SX không đúng quy trình sẽ không được các DN bao tiêu chấp nhận.
Vì vậy mà trong những ngày mưa gió như hiện nay, ban chỉ đạo liên nhóm, đội ngũ thanh tra của chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ, mưa nhiều, nguồn rau khan hiếm thì việc trà trộn rau càng có nguy cơ cao, công tác kiểm tra, chỉ đạo càng phải được thực hiện sát sao và khẩn trương hơn vừa đảm bảo được sản lượng rau cung cấp ra thị trường, vừa đảm bảo chất lượng”.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, công tác thú y được tăng cường, nhất là công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, long mồm lở móng trên gia súc, bệnh tai xanh trên heo... Trong năm, trên đàn gia súc, gia cầm có xuất hiện các loại bệnh thông thường như: đậu, e.coli, tiêu chảy, viêm phổi, phó thương hàn, tụ huyết trùng..., nhưng không xảy ra dịch bệnh lớn.
Ông Phạm Công Kiệt (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là một nông dân chuyên nuôi gà ta với quy mô công nghiệp, nhưng lại chọn hướng chăn nuôi di động. Trang trại của ông rất đơn giản, thường là khu vườn tràm rộng lớn được quây lưới xung quanh.
Không chỉ có giá vài trăm nghìn đồng như các loại gà bình thường khác, để mua được một chú gà người mua phải bỏ ra tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Mặc dù có giá “chát” như vậy, nhưng gà Đông Tảo năm nay vẫn đắt hàng, đặc biệt vào cuối năm.
Nông dân nuôi bò sữa Hà Lan là những chủ trang trại có nhiều kinh nghiệm trong nuôi và quản lý đàn bò sữa, nhất là về thức ăn, các bệnh phổ biến, kỹ thuật vắt sữa…
Tuy nhiên, cũng theo Cục Chăn nuôi, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Tình hình dịch bệnh và chi phí dịch vụ thú ý còn cao, chiếm khoảng 5-10% giá trị của sản phẩm, khiến người chăn nuôi vẫn chịu nhiều thiệt thòi.