Vướng Mắc Trong Hỗ Trợ Chăn Nuôi
Ngày 21.12.2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định Số 35/2012/QĐ-UBND quy định thực hiện “Cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015” (gọi tắt là Cơ chế 35). Sau 2 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.
Động lực thúc đẩy
Sau 2 năm triển khai thực hiện Cơ chế 35, đến nay ngân sách tỉnh đã hỗ trợ mua 103 con bò đực giống lai Zê-bu, 8 bình chứa ni-tơ lỏng chuyên dùng bảo quản tinh bò đông lạnh. Khoản đầu tư này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng tinh đông lạnh và vật tư thụ tinh nhân tạo bò. So với những năm trước, số liều tinh cấp ra tăng trung bình 11%/năm. Số bò đực giống đã và đang phát huy tốt hiệu quả lai tạo ở khu vực miền núi. Tỷ lệ bò lai năm 2014 đạt 43,8% tổng đàn, cao hơn 6% so với năm 2012.
Ngân sách cũng đã hỗ trợ mua 13 con lợn đực giống đạt tiêu chuẩn cho 4 cơ sở thụ tinh nhân tạo, 750 con lợn nái giống bố mẹ cho 45 cơ sở chăn nuôi, trong đó, có 30 trại chăn nuôi lợn nái ngoại. Số lợn giống được đầu tư từ cơ chế này đã góp phần nâng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2014 tăng 4,4% so với năm 2013.
Năm 2015, tỉnh tiếp tục thực hiện Cơ chế 35 với số vốn ngân sách phân bổ 5,653 tỷ đồng. Cùng với đó, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4.9.2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 cũng bắt đầu có hiệu lực; trong đó quy định một số chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi về phối giống nhân tạo gia súc, con giống vật nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường.
Về dịch vụ thú y trọn gói, Cơ chế 35 đã hỗ trợ phát triển 20 nhà cung cấp dịch vụ với 8.180 đơn vị vật nuôi tham gia. Trong hai năm, đã hỗ trợ 4,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng 11 cơ sở giết mổ tập trung. Có 16 trang trại, gia trại chăn nuôi được hỗ trợ lãi suất vay với tổng kinh phí gần 120 triệu đồng.
Với kết quả kể trên, có thể xem Cơ chế 35 là “cú hích” giúp các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, từng bước tạo sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, các mô hình dịch vụ thú y trọn gói đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tăng mức độ quản lý dịch bệnh. Các cơ sở giết mổ tập trung đã góp phần nâng cao tỷ lệ động vật giết mổ có kiểm soát, từng bước giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Còn xa mục tiêu
Mục tiêu của Cơ chế 35 đặt ra là hỗ trợ phát triển 32 trại lợn giống ngoại bố mẹ, phát triển hơn 60 dịch vụ thú y trọn gói, nâng cấp và xây dựng mới hơn 21 cơ sở giết mổ tập trung; phấn đấu đến cuối năm 2015, đàn bò lai đạt 45% tổng đàn, tỷ trọng chăn nuôi đạt 34% trong cơ cấu giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, dù đã đi được 2/3 chặng đường nhưng kết quả đạt chưa đến 40% chỉ tiêu đặt ra. Dịch vụ thú y trọn gói được xem là giải pháp căn cơ để quản lý dịch bệnh gia súc, nhưng số dịch vụ được hình thành đến nay chỉ đạt 33,3% so với mục tiêu cả giai đoạn.
Hầu hết địa bàn trọng điểm chăn nuôi chưa tổ chức được dịch vụ này. Một số cơ sở giết mổ tập trung đã được xây dựng nhưng do thiếu các biện pháp đồng bộ của địa phương nên chưa phát huy hiệu quả. Có rất ít trang trại, gia trại được hỗ trợ lãi suất vay để phát triển chăn nuôi. Một số cơ sở chăn nuôi lợn giống sau khi nhận hỗ trợ không duy trì được tổng đàn tối thiểu như quy định.
Tổng số tiền đã giải ngân là 9,12 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch kinh phí phân bổ trong 2 năm và chỉ đạt 36,3% mức ngân sách dự kiến cho cả giai đoạn. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản phẩm nông nghiệp có cải thiện nhưng còn thấp xa so với mục tiêu 34% vào cuối năm 2015.
Trong quá trình triển khai thực hiện Cơ chế 35, các địa phương chưa thực sự quyết liệt. Hầu hết địa phương chậm triển khai nhiều tháng sau khi cơ chế được ban hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ chế đến nhân dân chưa sâu rộng nên nhiều người không tiếp cận được. Một số nơi không thành lập tổ giúp việc; cán bộ tham mưu còn lúng túng; thiếu sự phối hợp giữa các ngành có liên quan.
Cần vào cuộc đồng bộ
Nguyên nhân khách quan của những hạn chế trên là do ngành chăn nuôi cả nước đang gặp khó khăn khiến người dân ngại đầu tư. Một số quy định về điều kiện và thủ tục trong Cơ chế 35 tuy cần thiết cho công tác quản lý và đảm bảo yếu tố bền vững nhưng còn vướng mắc khi thực hiện.
Về mặt chủ quan, lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc; cán bộ tham mưu chưa nghiên cứu kỹ cơ chế nên lúng túng, bị động. Về phía người dân, vẫn còn tâm lý e ngại thủ tục hành chính nên không chủ động hưởng ứng.
Để các cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống và đạt được mục tiêu, rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của nhân dân. Phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Trước hết, cần nhanh chóng phổ biến các cơ chế, chính sách đến mọi người dân. Phải làm cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, nội dung, điều kiện hỗ trợ và các yêu cầu của từng nội dung hỗ trợ.
Trong công tác này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức đoàn thể các cấp. Các huyện, thành phố cần thành lập tổ công tác giúp việc triển khai các cơ chế. Thực hiện cải cách hành chính, tránh gây phiền hà cho đối tượng hưởng lợi. Lãnh đạo địa phương và các ngành cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày qua bất chấp những căng thẳng trên Biển Đông, giao thương tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc vẫn tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt là mặt hàng gạo.
Công trình cải tạo đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa 36 ha đất ruộng tại thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) chính thức khởi công vào năm 2010. Nhưng đến thời điểm này, sau 4 lần gia hạn, UBND xã Nghĩa Lâm mới chỉ cải tạo được 4,7 ha.
Gần 5 tháng nay, giá trứng gà luôn nằm dưới giá thành khiến các trang trại nuôi gà đẻ trứng luôn trong tình trạng thua lỗ. Trong thời gian tới, nếu giá trứng không tăng, có khả năng nhiều trang trại sẽ phải đóng cửa.
Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG) và tỉnh Quảng Bình vừa thống nhất xây dựng vùng trồng 3.635ha cao su trên địa bàn bốn huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Trạch.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức triển khai Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (có hiệu lực từ ngày 20/6/2014) đến tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh.