Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Đàn Vật Nuôi Dịp Tết Nguyên Đán
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, hoạt động buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh diễn ra rất tấp nập.
Chiều ngày 10-2 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Giáp ngọ 2014), dạo quanh các chợ Đồng Quang, Thái, Túc Duyên... và tìm hiểu tại một số hộ chuyên kinh doanh gia cầm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy lượng người mua gà rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Hợp, một người kinh doanh gà lâu năm ở tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mặc dù ngày mai mới là Tết ông Công, ông Táo, nhưng nhiều người đã mua gà từ hôm nay. Hầu hết các khách hàng đều thuê chúng tôi giết thịt ngay tại chỗ...
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 600 nghìn con lợn; trên 10 triệu con gia gia cầm; hơn 100 nghìn con trâu, bò. Kiểm soát dịch bệnh tốt, tỉnh sẽ không phải chi khoảng 30 tỷ đồng/năm hỗ trợ cho công tác tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh.
Thực tế trên cho thấy, những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm gia trên địa bàn tỉnh tăng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng, khiến cho nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. Thêm vào đó, tình hình thời tiết ở Thái Nguyên đang diễn biến phức tạp khi xuất hiện mưa phùn; rét đậm, rét hại kéo dài; ẩm độ cao.
Đây là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh. Một điều đáng lo ngại nữa là, dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc đã phát sinh tại 5 tỉnh là Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Yên Bái và Lào Cai, trong đó, Lạng Sơn là tỉnh giáp ranh với Thái Nguyên.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Măc dù 3 năm nay, Thái Nguyên không xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như LMLM gia súc, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giáp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 như hiện nay.
Với quan điểm phòng hơn chống, chủ động thực hiện mọi biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, hiện, các địa phương trong tỉnh đang kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên nhằm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh chặt chẽ đến cơ sở; xây dựng kế hoạch, kinh phí và chuẩn bị sẵn các điều kiện nhân lực, vật tư để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra.
Cùng với đó là triển khai công tác thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, xây dựng kế hoạch để triển khai tiêm phòng vắc xin sớm cho đàn vật nuôi nhằm tạo miễn dịch chủ động để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như LMLM gia súc, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm…
Theo đó, Chi cục Thú y cũng đã tham mưu với tỉnh trong việc chỉ đạo UBND cấp huyện yêu cầu các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh xuống tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi; chú trọng kiểm tra tại các xã có ổ dịch cũ, vùng chăn nuôi tập trung, các tụ điểm buôn bán gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm các ổ dịch và khống chế dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp không chấp hành theo quy định.
Đồng thời, triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch trên địa bàn; tuyên truyền đến tận hộ chăn nuôi thường xuyên quét dọn, phun khử trùng, rắc vôi bột ở nơi ra vào chuồng trại để giảm thiểu mức độ lây lan của dịch bệnh; thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, đảm bảo dự trữ thức ăn đầy đủ trong những ngày rét đậm, rét hại, mưa phùn kéo dài.
Năm 2014, tổng số hóa chất cấp phát phục vụ tiêu độc, khử trùng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi là 15 nghìn lít.
Được biết, cũng với mục đích bảo vệ đàn vật nuôi, hiện nay, Chi cục Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra tại các chợ và các tụ điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ các hoạt động buôn bán, giết mổ.
Theo đó, tỉnh cũng sẽ thành lập các đội kiểm tra bao gồm ngành Nông nghiệp, Trạm Thú y, Công an, Quản lý thị trường nhằm tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu trái phép, không có nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán.
Để công tác phòng, chống dịch đàn vật nuôi trong dịp Tết Nguyên đán nói riêng, trong năm 2015 nói chung đạt kết quả tốt, các cấp, ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các bản tin, đài phát thanh, loa đài tại địa phương về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi; thực hiện ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân không buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh và đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ người dân...
Có thể bạn quan tâm
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ góp phần cung cấp các giống, cây con mới cho bà con nông dân, mà còn từng bước đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng được ngành chức năng của tỉnh chủ động triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Trái ngược với xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm vừa qua, trong tháng Một, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong ngành nông nghiệp đều có sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành như: thủy sản, gạo, càphê, gỗ, hạt tiêu…
Tăng được dư nợ thêm gần 100 tỷ đồng trong năm 2014 có thể coi là một thành công lớn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bắc Kạn. Trong đó, vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 70% đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn tỉnh.
Không khí tết len lỏi đến vườn cây bằng tín hiệu thu hoạch thì thị trường trái cây tết cũng bắt đầu sôi động. Các loại trái cây chủ lực của chợ tết như bưởi, cam, chanh, quýt, mãng cầu,... đang được nhiều vựa tất bật thu mua, có loại đang chuẩn bị thu hoạch cũng đã được đặt hàng trước vài tuần. Tại vườn, các thương lái ráo riết “săn hàng” để kịp đưa trái cây bán ra chợ tết.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như các kế hoạch về xây dựng GTNT trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách không ổn định, vốn đầu tư công cắt giảm song với quyết tâm và kiên định mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và GTNT nói riêng. Riêng lĩnh vực GTNT, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh không bị cắt giảm mà luôn duy trì ổn định 60 - 90 tỷ đồng/năm.