Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Độc đáo nghề rùng cá

Độc đáo nghề rùng cá
Ngày đăng: 05/10/2015

Rùng cá là một hình thức kéo lưới cá với sự tham gia của hàng chục ngư dân, chia làm 2 bè, ra cách bờ khoảng 1km rồi rải lưới và quây kéo lên bờ. Hiện nay, ở xã Hải Lý còn 2 xóm (xóm 8 và xóm 9) có ngư dân làm nghề rùng cá.

Ông Bùi Xuân Toán (63 tuổi), xóm 9 là người đã có gần 40 năm trong nghề cho biết: Nghề rùng cá ở xã Hải Lý đã có bề dày truyền thống, nhiều gia đình đã có 3 - 4 đời làm nghề rùng cá.

Thời kỳ đầu, nghề rùng cá được ngư dân địa phương gọi là nghề rùng thưa bởi lưới rùng được đan thô sơ từ sợi gai với nhược điểm mắt lưới thưa, cồng kềnh. Năm 1976, các đội rùng cá bắt đầu sử dụng loại lưới nilon để đánh bắt.

Từ năm 1985, ngư dân Hải Lý đã nghĩ ra cách kết hợp loại lưới mắt thưa (vòng trong) và lưới mắt nhỏ (vòng ngoài) gọi là rùng mau nên năng suất đánh bắt đã tăng đáng kể.

Mỗi đội rùng cá có 2 bè gắn động cơ chở lưới, mỗi bè trị giá từ 5 - 7 triệu đồng được ghép từ những ống luồng già tước vỏ (để tránh bị nứt khi thời tiết nóng), có chiều rộng 2m, dài 10m, mỗi bè chở 10 ngư dân.

Lưới rùng mau (trị giá khoảng 50 triệu đồng), có chiều dài từ 800 - 1.000m, rộng 10m - 20m, có cấu tạo đơn giản, gồm ba bộ phận chính: Cánh lưới, thân lưới và túi lưới; ngoài ra còn có hệ thống dây viền để định hình nền lưới và phục vụ cho quá trình khai thác; que ngáng để định hình đầu cánh lưới; phao, chì để tạo lực nổi, lực chìm. Nghề rùng cá chủ yếu diễn ra vào mùa biển động, khoảng từ tháng 8 đến tháng Giêng âm lịch.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, thời điểm này biển thường có sóng lớn, cá ở ngoài khơi bị áp vào bờ nên việc thả lưới gần bờ đem lại hiệu quả cao. Bãi khai thác cho nghề rùng cá phải có đặc điểm tương đối bằng phẳng, đáy không có chướng ngại vật, không làm ảnh hưởng đến giao thông, đi lại trong khu vực khai thác.

Ông Bùi Xuân Toán, xóm 9, xã Hải Lý (Hải Hậu) chuẩn bị các ngư cụ trước khi rùng cá.

Để chuẩn bị cho một buổi rùng cá, từ sáng sớm, những tấm lưới đã được ngư dân mang ra bãi biển chuẩn bị cho mẻ đánh bắt đầu tiên. Những ngư dân có nhiều kinh nghiệm tiến hành xác định độ sâu, dòng chảy, kích thước của khu vực khai thác.

Đến thời điểm “nước án trong ngoài” (Ngoài khơi nước xanh, gần bờ nước đục) thì xếp lưới lên 2 bè theo thứ tự phần nào thả sau xếp trước và đưa bè đến điểm thả lưới. Thả lưới là khâu quan trọng quyết định đến kết quả đánh bắt cá. Quá trình thả lưới phải đảm bảo các yêu cầu nhanh, đều tay để bao vây đàn cá.

Sau khi thả lưới xong, 2 bè giữ 2 đầu lưới chạy tách nhau theo chiều ngang khoảng 800m rồi đi song song vào bờ. Trên bờ, ngư dân bắt đầu thu lưới. Nghề rùng cá có thể tiến hành vào bất kỳ thời gian nào trong ngày nhưng lúc đêm khuya là thời điểm kéo rùng thích hợp nhất bởi thời gian tĩnh, lượng cá nhiều.

Vì vậy, các ngư dân thường ra bãi khai thác sớm, ngoài việc phải ngâm mình liên tục dưới nước lạnh, còn phải thao tác thả, kéo lưới nên đòi hỏi người ngư dân phải có sức khỏe tốt để làm việc. Mỗi mẻ rùng thường thu hoạch từ 1 - 2 tạ cá, chủ yếu là các loại cá cơm, cá dỏng… Ông Nguyễn Vũ Duyên, Trưởng xóm 8, xã Hải Lý cho biết:

Hiện nay, do người dân chuyển sang đánh bắt cá bằng các phương tiện hiện đại nên nghề đánh cá bằng lưới rùng bị mai một, cả xóm 8 hiện chỉ còn một đội rùng cá.

Đội rùng cá còn giữ nghề tới nay chủ yếu do cần nguồn nguyên liệu tại chỗ để phục vụ chế xuất các sản phẩm nước mắm đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, ở xã Hải Lý, hằng năm vào ngày rằm tháng 8 âm lịch là thời điểm khởi đầu của mùa rùng cá, như là ngày hội cầu mong cuộc sống của ngư dân yên ấm.

Bởi vậy, vào ngày này, 2 đội rùng cá ở xóm 8 và xóm 9 cùng chia bãi để bủa lưới rùng cá với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương.

Ngoài xã Hải Lý, ở các xã Hải Triều, Hải Đông vẫn còn tồn tại nghề rùng cá nhưng quy mô không lớn, hoạt động cầm chừng…

Nghề rùng cá mang dấu ấn sơ khai trong hoạt động khai thác hải sản của ngư dân các xã ven biển. Hiện nay, với sự phát triển của nghề đánh bắt xa bờ với các thiết bị, công nghệ hiện đại, nghề rùng cá dần dần bị mai một.

Tuy nhiên nghề rùng cá vẫn cần được bảo tồn như một nét đẹp văn hóa, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết cộng đồng trong cuộc sống lao động sản xuất của người dân các xã ven biển của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ sư gần 30 năm dạy nông dân nuôi cá chình làm giàu Kỹ sư gần 30 năm dạy nông dân nuôi cá chình làm giàu

Nhờ sự hướng dẫn của kỹ sư Phan Văn Hùng, mà cá chình của nông dân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu.

10/04/2018
Mô hình nuôi vịt trời ở xứ Quảng, lãi vài trăm triệu đồng/năm Mô hình nuôi vịt trời ở xứ Quảng, lãi vài trăm triệu đồng/năm

Bằng tâm huyết và áp dụng đúng kỹ thuật, đến nay, số lượng đàn vịt trời của ông đã tăng lên đến gần 7.000 con gồm vịt trời giống, vịt đẻ và vịt bán thương phẩm.

12/04/2018
Mô hình nuôi gà sao trên đất Tây Đô, lãi 250-300 triệu đồng/năm Mô hình nuôi gà sao trên đất Tây Đô, lãi 250-300 triệu đồng/năm

Ông Nguyễn Hữu Vinh đã nhân giống, mở rộng được quy mô đàn lên hàng nghìn con gà sao kết hợp nuôi vịt trời, chim trĩ, heo rừng…, lãi 250 - 300 triệu đồng/năm.

13/04/2018
Thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ vườn cam VietGap Thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ vườn cam VietGap

Vườn cam canh 50 ha của ông Lâm Thành Thương (Bình Dương) có thể cho trái đến 60 năm.

14/04/2018
Nam thanh niên nuôi cà cuống thu nhập hàng trăm triệu đồng ở Sài Gòn Nam thanh niên nuôi cà cuống thu nhập hàng trăm triệu đồng ở Sài Gòn

Anh Lê Thanh Tùng đã phát triển được mô hình nuôi cà cuống, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

16/04/2018