Doanh nghiệp rút khỏi cánh đồng lớn
Do DN im hơi lặng tiếng bỏ cuộc, nông dân rơi vào cảnh bị động chờ đợi dự án triển khai, người đã đầu tư sản xuất thì thấp thỏm lo âu về đầu ra sản phẩm.
Nông dân trồng chuối già nuôi cấy mô tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom.
Theo các địa phương, hiện vẫn rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn.
Việc DN bỏ cuộc nửa chừng trong xây dựng cánh đồng lớn ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của nông dân khi triển khai các dự án cánh đồng lớn thời gian tới.
* Lặng lẽ rút lui
Theo báo cáo của UBND huyện Trảng Bom, dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ điều trên địa bàn xã An Viễn được triển khai từ tháng 4-2014.
Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đã phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ An Viễn xác định diện tích và danh sách các hộ nông dân tham gia.
Để hỗ trợ cho dự án, huyện đã triển khai các chương trình tập huấn về kỹ thuật sản xuất, ghép cải tạo vườn điều, thực hiện mô hình điều xen canh ca cao; đầu tư cứng hóa các tuyến đường vào vùng chuyên canh cây điều của xã...
Ngoài ra, Donafoods cũng có kế hoạch tổ chức cánh đồng lớn với hàng trăm hécta điều tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc).
Nhưng đến nay, Donafoods vẫn chưa tổ chức thu mua theo kế hoạch bao tiêu sản phẩm cho nông dân vì khó khăn về nguồn vốn.
Với dự án cây chuối già nuôi cấy mô do Công ty TNHH chế biến rau củ quả Toàn Cầu (TP.Hồ Chí Minh) thực hiện, DN cũng bất ngờ im hơi lặng tiếng, không tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân.
Phía địa phương cũng không liên hệ được với DN nên mất đầu mối về việc triển khai dự án.
Ông Trần Văn Trung, nông dân trồng chuối tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), bức xúc: “Công ty Toàn Cầu có cam kết hỗ trợ tôi đầu tư vườn chuối già nuôi cấy mô theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, thực tế sự hỗ trợ từ phía DN chỉ dừng lại ở việc hứa hẹn rồi bỏ mặc nông dân “tự bơi”.
Hiện DN gần như biến mất khỏi địa phương khiến tôi rất lo lắng về đầu ra sản phẩm, vì nhiều người đổ xô trồng chuối khi nghe tin có DN bao tiêu sản phẩm với giá cao để xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét lúc triển khai chương trình, DN “khua chiêng gióng trống” tổ chức các hội thảo giới thiệu rất nhiều chương trình hay về dự án, nhưng thực chất đầu tư cho nông dân hầu như không có.
Ông Tùng cho biết: “Mong muốn của nông dân là có nguồn giống chuối nuôi cấy mô đảm bảo chất lượng, mong DN đặt trụ sở thu mua để nông dân tin tưởng tham gia nhưng DN lại không quan tâm”.
* Nông dân mất lòng tin
Khó khăn lớn nhất của các dự án cánh đồng lớn hiện nay là việc thu hút DN đầu tư.
Thông thường dự án cánh đồng lớn phụ thuộc hoàn toàn vào DN, nên khi DN gặp khó khăn hay dừng triển khai là dự án “phá sản”.
Việc dự án cánh đồng lớn dễ dàng phá sản khi DN bỏ cuộc đang ảnh hưởng rất lớn đến chương trình chung phát triển các dự án cánh đồng mẫu lớn của tỉnh vì ảnh hưởng đến lòng tin của người dân trong xây dựng mối liên kết với DN.
Ông Phan Chinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây điều năng suất cao tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), lo lắng: “Khi dự án cánh đồng lớn cho cây điều triển khai, nông dân rất hồ hởi đăng ký tham gia.
Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ hỗ trợ cho nông dân đầu tư để phát triển cây điều theo hướng bền vững, tăng lợi nhuận cho người trồng.
Câu lạc bộ cũng đăng ký thành lập hợp tác xã để tổ chức liên kết với DN.
Phía nông dân đã sẵn sàng nhưng chờ mãi DN vẫn chưa triển khai chương trình, cũng không có phản hồi thông tin gì cho nông dân.
Điều này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào dự án”.
Ông Ngô Tuấn Lộc, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Thời gian trước đã từng có DN về đặt vấn đề hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân rồi “im hơi lặng tiếng” bỏ đi khiến vùng chuyên canh cây chuối điêu đứng vì không có đầu ra, người dân mất lòng tin với DN.
Mặt khác, nông dân vẫn hoàn toàn ở thế bị động trong quan hệ hợp tác với DN.
DN đưa ra rất nhiều yêu cầu khắt khe từ quy trình trồng đến khâu thu mua nhưng mức giá bao tiêu sản phẩm lại quá thấp khiến nông dân không mặn mà tham gia”.
Điều đáng lo là khi DN tuyên truyền cơ hội về thị trường xuất khẩu cho mặt hàng chuối cấy mô, nông dân chạy theo phong trào đã đầu tư sản xuất dù chưa ký hợp đồng bao tiêu với DN khiến diện tích trồng chuối tiêu nuôi cấy mô đang nhân rộng rất nhanh.
Việc sản lượng chuối tăng cao trong khi kênh tiêu thụ mặt hàng này vẫn là thương lái dẫn đến rủi ro rất lớn cho nông dân trong vụ thu hoạch tới.
Có thể bạn quan tâm
Chiều 28/7, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình hoạt động của đơn vị 6 tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát dự và chỉ đạo hội nghị.
Sau nhiều năm thất bát, năm nay ông đã chăm sóc theo đúng quy trình, thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật như làm cỏ, xới xáo tỉa cành, tạo tán, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh hại và hoàn chỉnh hệ thống tưới, thoát úng, nhờ vậy tỷ lệ cây đạt quả rất cao. Ước tính vườn bưởi của ông Cường có hơn 4.000 quả, dự kiến cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện đăng ký mã số nhận diện lần đầu và đăng ký lại được thực hiện độc lập hoặc đồng thời với việc xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm. Ngoài ra, đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm bao gồm đăng ký diện tích và sản lượng nuôi.
Trong khuôn khổ Dự án "Cải thiện sức chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam, Campuchia và Thái Lan", chiều ngày 05-8, tại xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức buổi ra mắt mô hình bảo vệ nghêu bố mẹ.