Cánh đồng ngô 5 cùng thay đổi cách sản xuất truyền thống ở Quản Bạ
Hiện nhân dân đã thu hoạch xong ngô, năng suất bình quân ước đạt 38 tạ/ha; năng suất ngô “5 cùng” ước đạt 41 tạ/ha. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên huyện cho triển khai thực hiện sản xuất ngô hàng hóa theo phương châm “5 cùng” gắn với cánh đồng mẫu lớn của huyện một cách rộng rãi. Ngành chuyên môn đã phối hợp, tuyên truyền nội dung hỗ trợ đến nhân dân và lựa chọn ra 4 xã, thị trấn có điều kiện triển khai là Quyết Tiến, Tam Sơn, Quản Bạ, Đông Hà, với tổng diện tích đăng ký lên đến 982 ha. Đến nay, đã thực hiện được 778 ha, đạt 79% kế hoạch, gồm: xã Quyết Tiến có diện tích là 413 ha; thị trấn Tam Sơn là 42 ha; xã Quản Bạ có 158 ha; xã Đông Hà có 165 ha, các xã đang hoàn thành thủ tục để tiến hành nghiệm thu. Theo đó, hỗ trợ vùng sản xuất ngô hàng hóa theo phương châm “5 cùng” là: cùng giống, làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch; trên cùng một diện tích tối thiểu là 1 ha chỉ được áp dụng một trong 3 loại giống ngô: NK4300; NK54; CP989. Tùy theo diện tích thực tế sản xuất của mỗi hộ, hỗ trợ tối đa là 10 kg/hộ/năm, mức hỗ trợ là 50 nghìn đồng/kg đối với với giống ngô.
Lần đầu triển khai trồng ngô “5 cùng”, chị Phạm Thị Hồng, cán bộ địa chính – nông nghiệp của thị trấn Tam Sơn, cho biết: “Để thực hiện trồng ngô 5 cùng, chúng tôi đã tuyên truyền phổ biến cho người dân như thế nào là trồng ngô “5 cùng” để bà con hiểu và khuyến khích các hộ ký cam kết thực hiện theo cách sản xuất mới. Điều kiện là những hộ có đất liền vùng tối thiểu từ 1 ha trở lên có nhu cầu trồng chung 1 loại giống ngô. Đến nay, đã có khoảng 42 ha ngô thực hiện sản xuất theo phương châm 5 cùng. Lợi ích là những hộ có diện tích ở gần nhau sẽ được phân theo nhóm để cùng giúp đỡ nhau trong sản xuất”.
Sau một thời gian trồng ngô cho thấy hiệu quả rõ rệt, đang bận rộn thu hoạch ngô, anh Viên Trung Toàn, ở tổ 3, thị trấn Tam Sơn, vừa lau mồ hôi và hồ hởi chia sẻ: “nhà tôi có 2.300 m2 trồng ngô, năm nay thực hiện trồng ngô “5 cùng” hộ tôi và mấy nhà khác ở khoảnh ruộng này đều trồng cùng một giống ngô CP989, thấy năng suất vụ ngô năm nay tốt hơn, bắp to, đều, hạt chắc vàng óng”. Còn với anh Viên Xuân Công, ở mảnh ruộng gần đó cũng cho biết: “nhà tôi đã đăng ký thực hiện trồng ngô 5 cùng, thấy rằng việc trồng ngô như vậy cũng không khó khăn gì so với cách sản xuất trước kia, các nhà đều trồng cùng một loại giống, vụ mùa năm nay cũng được”.
Đề cập đến trồng ngô “5 cùng”, là nơi có diện tích thực hiện lớn nhất huyện, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, Lương Tất Thịnh, cho biết: “Xã có 413 ha ngô trồng theo “5 cùng”, vì đây là vụ đầu tiên thực hiện theo hình thức sản xuất mới, cán bộ xã đã đi đến từng thôn, bản để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Do chưa có kinh nghiệm nên khi đăng ký giống vẫn còn gặp một số hạn chế như có thôn vẫn trồng 2 – 3 loại giống. Dù vậy, người dân ở đây vẫn đồng tình khá cao với việc trồng tập trung cùng một loại giống để thành vùng sản xuất ngô hàng hóa”.
Thực hiện trồng ngô theo phương châm “5 cùng” gắn với cánh đồng mẫu lớn đang là chủ trương lớn của ngành nông nghiệp. Điều này mang đến nhiều lợi ích so với cách sản xuất truyền thống như các hộ cùng xuống giống một ngày thuận lợi cho việc chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh và trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Sau vụ ngô bội thu năm nay, người dân sẽ rút ra được kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện “5 cùng” trong những vụ sau.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù đã trải qua 5 năm khảo nghiệm nhưng cây trồng biến đổi gen (bắp) vẫn chưa thể rời các vườn thí nghiệm để ra đồng ruộng với nông dân.
Những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng thực tế cho thấy do dịch bệnh thường xuyên bùng phát, chi phí đầu tư lớn, giá bán sản phẩm không ổn định nên lĩnh vực này phát triển thiếu bền vững. Thời gian tới, muốn tạo ra bước đột phá thì đòi hỏi phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp…
Sau nhiều lần thất bại dẫn đến trắng tay với nghề kinh doanh bất động sản, bà Phạm Thị Thu Cúc đã trải qua nhiều nghề cũng như bao thăng trầm trong cuộc sống, cuối cùng khi đến thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương bà đã tìm cho mình hướng đi riêng, đó là trồng rau thơm Tây, hiện mỗi năm bà thu về hơn 1 tỷ đồng.
Miệt mài đưa nông sản của nhà nông qua chế biến “made-in Quảng Ngãi” đi đến nhiều nước, những doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh không ngừng đầu tư để nâng cao chuỗi giá trị của hàng nông sản. Đây là những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, vừa được Bộ Công thương bình chọn.
Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân huyện Trà Lĩnh trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một, chỉ còn rải rác ở một số ít địa phương trong huyện.