Doanh nghiệp rút khỏi cánh đồng lớn

Do DN im hơi lặng tiếng bỏ cuộc, nông dân rơi vào cảnh bị động chờ đợi dự án triển khai, người đã đầu tư sản xuất thì thấp thỏm lo âu về đầu ra sản phẩm.
Nông dân trồng chuối già nuôi cấy mô tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom.
Theo các địa phương, hiện vẫn rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn.
Việc DN bỏ cuộc nửa chừng trong xây dựng cánh đồng lớn ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của nông dân khi triển khai các dự án cánh đồng lớn thời gian tới.
* Lặng lẽ rút lui
Theo báo cáo của UBND huyện Trảng Bom, dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ điều trên địa bàn xã An Viễn được triển khai từ tháng 4-2014.
Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đã phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ An Viễn xác định diện tích và danh sách các hộ nông dân tham gia.
Để hỗ trợ cho dự án, huyện đã triển khai các chương trình tập huấn về kỹ thuật sản xuất, ghép cải tạo vườn điều, thực hiện mô hình điều xen canh ca cao; đầu tư cứng hóa các tuyến đường vào vùng chuyên canh cây điều của xã...
Ngoài ra, Donafoods cũng có kế hoạch tổ chức cánh đồng lớn với hàng trăm hécta điều tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc).
Nhưng đến nay, Donafoods vẫn chưa tổ chức thu mua theo kế hoạch bao tiêu sản phẩm cho nông dân vì khó khăn về nguồn vốn.
Với dự án cây chuối già nuôi cấy mô do Công ty TNHH chế biến rau củ quả Toàn Cầu (TP.Hồ Chí Minh) thực hiện, DN cũng bất ngờ im hơi lặng tiếng, không tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân.
Phía địa phương cũng không liên hệ được với DN nên mất đầu mối về việc triển khai dự án.
Ông Trần Văn Trung, nông dân trồng chuối tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), bức xúc: “Công ty Toàn Cầu có cam kết hỗ trợ tôi đầu tư vườn chuối già nuôi cấy mô theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, thực tế sự hỗ trợ từ phía DN chỉ dừng lại ở việc hứa hẹn rồi bỏ mặc nông dân “tự bơi”.
Hiện DN gần như biến mất khỏi địa phương khiến tôi rất lo lắng về đầu ra sản phẩm, vì nhiều người đổ xô trồng chuối khi nghe tin có DN bao tiêu sản phẩm với giá cao để xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét lúc triển khai chương trình, DN “khua chiêng gióng trống” tổ chức các hội thảo giới thiệu rất nhiều chương trình hay về dự án, nhưng thực chất đầu tư cho nông dân hầu như không có.
Ông Tùng cho biết: “Mong muốn của nông dân là có nguồn giống chuối nuôi cấy mô đảm bảo chất lượng, mong DN đặt trụ sở thu mua để nông dân tin tưởng tham gia nhưng DN lại không quan tâm”.
* Nông dân mất lòng tin
Khó khăn lớn nhất của các dự án cánh đồng lớn hiện nay là việc thu hút DN đầu tư.
Thông thường dự án cánh đồng lớn phụ thuộc hoàn toàn vào DN, nên khi DN gặp khó khăn hay dừng triển khai là dự án “phá sản”.
Việc dự án cánh đồng lớn dễ dàng phá sản khi DN bỏ cuộc đang ảnh hưởng rất lớn đến chương trình chung phát triển các dự án cánh đồng mẫu lớn của tỉnh vì ảnh hưởng đến lòng tin của người dân trong xây dựng mối liên kết với DN.
Ông Phan Chinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây điều năng suất cao tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), lo lắng: “Khi dự án cánh đồng lớn cho cây điều triển khai, nông dân rất hồ hởi đăng ký tham gia.
Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ hỗ trợ cho nông dân đầu tư để phát triển cây điều theo hướng bền vững, tăng lợi nhuận cho người trồng.
Câu lạc bộ cũng đăng ký thành lập hợp tác xã để tổ chức liên kết với DN.
Phía nông dân đã sẵn sàng nhưng chờ mãi DN vẫn chưa triển khai chương trình, cũng không có phản hồi thông tin gì cho nông dân.
Điều này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào dự án”.
Ông Ngô Tuấn Lộc, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Thời gian trước đã từng có DN về đặt vấn đề hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân rồi “im hơi lặng tiếng” bỏ đi khiến vùng chuyên canh cây chuối điêu đứng vì không có đầu ra, người dân mất lòng tin với DN.
Mặt khác, nông dân vẫn hoàn toàn ở thế bị động trong quan hệ hợp tác với DN.
DN đưa ra rất nhiều yêu cầu khắt khe từ quy trình trồng đến khâu thu mua nhưng mức giá bao tiêu sản phẩm lại quá thấp khiến nông dân không mặn mà tham gia”.
Điều đáng lo là khi DN tuyên truyền cơ hội về thị trường xuất khẩu cho mặt hàng chuối cấy mô, nông dân chạy theo phong trào đã đầu tư sản xuất dù chưa ký hợp đồng bao tiêu với DN khiến diện tích trồng chuối tiêu nuôi cấy mô đang nhân rộng rất nhanh.
Việc sản lượng chuối tăng cao trong khi kênh tiêu thụ mặt hàng này vẫn là thương lái dẫn đến rủi ro rất lớn cho nông dân trong vụ thu hoạch tới.
Related news

Được hưởng đặc ân phù sa bồi đắp cho biền bãi của dòng sông Bồ, một thời quýt Hương Cần (thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) là thứ đặc sản dùng để tiến vua. Trái quýt cũng mang lại đời sống ấm no cho thôn Giáp Kiềng. Qua thời gian, giống quýt quý lụi tàn dần, số hộ bám trụ với cây cũng chẳng còn được mấy người…

Thuộc nhóm những mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả cao trên địa bàn xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản của gia đình anh Phạm Lê Binh, thôn Khởi Xá Ngoài là một trong những điển hình trong cách tư duy, cách làm mới, được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rệp sáp bột hồng trên cây mì gây ra, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành kết hợp cùng Chi cục BVTV tỉnh Tây Ninh tổ chức thả ong ký sinh để phòng trừ rệp sát bột hồng.

Anh Phạm Văn Hùng, ngụ ấp Thanh An, xã Thanh Lương (TX. Bình Long, Bình Phước) đã thành công với mô hình trồng xen cây chanh trong hơn 2 ha cao su của gia đình. Nhờ nắm bắt kỹ thuật, chăm sóc tốt nên chanh luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao.

Sam biển là một loại đặc sản vùng biển được nhiều thực khách ưa thích do lạ mắt, thịt ngon chẳng kém gì cua. Tuy nhiên, khi vào mùa sam biển có nhiều trường hợp ăn nhầm “so biển” (có hình dạng gần giống sam biển, mang chất độc) dẫn đến bị ngộ độc, thậm chí bị tử vong.