Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp không phải là mốt!
Khẳng định việc chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp là định hướng nghiêm túc, có cơ sở kỹ lưỡng, tuy nhiên, nhiều DN lớn đã và đang xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng có giải pháp và chính sách tháo gỡ.
Nhằm tiếp tục tạo hành lang thúc đẩy hơn nữa đầu tư của các DN vào lĩnh vực nông nghiệp, hôm qua (28/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị cùng Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cùng nhiều DN lớn đã và đang có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thảo luận các vướng mắc, khó khăn nhằm kịp thời tháo gỡ.
Tín hiệu lạc quan
Theo Bộ NN-PTNT, những năm qua, tình hình đầu tư của DN vào lĩnh vực nông nghiệp đang có những tín hiệu lạc quan.
Năm 2013, đầu tư của tư nhân trong nước vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng gần 2 lần so với năm 2009. Số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 DN năm 2007 lên 3.635 DN vào năm 2013, tốc độ bình quân tăng gần 14%/năm, trong đó phần lớn là DN ngoài quốc doanh, chiếm 89%, tạo công ăn việc làm cho hơn 265 nghìn lao động.
Bên cạnh các DN lớn tạo được tên tuổi như Vinamilk, Cty Thủy sản Minh Phú, TH True Milk, Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn HAGL… đã thành công, hiện nhiều “ông lớn” khác cũng đang xúc tiến việc đầu tư vào nông nghiệp như Tập đoàn Hòa Phát, Viettel, FLC, Him Lam, Vingroup…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, khẳng định: Là một DN lạ lẫm với ngành nông nghiệp, tuy nhiên thời gian qua, Hòa Phát đã hoạch định chiến lược sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực trong nông nghiệp, trọng tâm là SX TĂCN và chăn nuôi công nghiệp.
"Môi trường cạnh tranh về đầu tư nông nghiệp của Việt Nam hiện còn thấp, chỉ đứng trên một chút so với nhóm các nước Châu Phi và thua xa so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Mexico, Brazil, Chile… Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia có đầu tư mạnh mẽ trong nông nghiệp cho thấy, Chính phủ thành lập hẳn một hội đồng tư vấn quốc gia về đầu tư vào nông nghiệp do thành viên đứng đầu Chính phủ phụ trách, cùng các hiệp hội ngành hàng, các DN lớn để tháo gỡ ngay các vấn đề khi phát sinh, Việt Nam cũng nên có mô hình này. Ở Việt Nam, theo tôi trước mắt cần quan tâm tới các nhà đầu tư hiện đang có hơn là hướng tới các nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhóm ngành hàng đã tạo được thành công." (Ông Simon Bell, Chuyên gia cao cấp Nhóm Ngân hàng Thế giới) |
“Thời gian qua, có nhiều thông tin về việc các đại gia đầu tư vào nông nghiệp. Nghe qua giống như là “mốt” mới, nhưng tôi xin khẳng định đây là định hướng rất nghiêm túc, rất kỹ lưỡng của chúng tôi, chứ không phải chạy theo phong trào”, ông Dương cho biết.
Mặc dù ghi nhận những sinh khí mới trong đầu tư nông nghiệp, tuy nhiên bức tranh chung của đầu tư DN vào nông nghiệp vẫn được Bộ NN-PTNT đánh giá là chưa sáng sủa, chưa tương xứng, thiếu ổn định…
Cụ thể, tỉ trọng DN đầu tư vào lĩnh vực này năm 2014 mới chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số DN cả nước, đa phần là các DN có quy mô vốn nhỏ (50% số DN có vốn dưới 5 tỉ đồng).
Trong 5 năm 2008 - 2013, chỉ có 3.486 DN thành lập mới, với số vốn 126.470 tỉ đồng, nhưng đồng thời cũng có 475 DN (chiếm 15%) bị giải thể. Bên cạnh các DN đầu tư bài bản, nhiều DN còn chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lực tài nguyên, chưa đầu tư căn cơ cho KH-CN, chế biến sâu…
Vướng nhất là đất đai
Tại hội nghị hôm qua, một trong những nhóm yếu tố kìm hãm DN đầu tư vào nông nghiệp được các DN đánh giá, bên cạnh tính rủi ro, cơ sở hạ tầng kém hấp dẫn thì những vấn đề không mới như rào cản về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, thủ tục hành chính… vẫn đang là câu chuyện khiến nhiều DN chưa hào hứng với lĩnh vực này.
Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, và cũng đã có nhiều DN đến khảo sát, lên kế hoạch đầu tư.
Tuy nhiên thực tế, số lượng DN thực hiện dự án chưa nhiều, mà nguyên nhân chính khiến DN "ngán" nhất vẫn là đất đai, kế tiếp là ngại thủ tục hành chính. Bởi đất nông nghiệp nằm trong dân, trong khi quỹ đất nông nghiệp dư giả rất hạn hẹp, để thu hồi giao cho DN là vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, mô hình liên kết giữa DN và nông dân là hết sức khó khăn, không phải nơi nào cũng thành công. Bên cạnh đó, nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vẫn là vấn đề muôn thuở của DN khi đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Hậu nêu ví dụ: Hiện nhiều DN trồng và chế biến cây ba kích, có thể cho thu nhập 30-40 tỉ đồng/3 năm/ha, hiệu quả thấy rõ nhưng ngân hàng không thể cho vay mở rộng SX bởi không có tài sản thế chấp.
Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 210/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi tiếp cận vốn vay, tuy nhiên thực tế, việc giải ngân rất khó khăn do DN không có tài sản thế chấp, đồng thời cơ chế giải ngân sau đầu tư cũng khiến DN không thể tiếp cận.
Cũng về vấn đề đất đai, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco (Thái Bình), kêu khó: Hiện nhiều nơi nông dân bỏ ruộng rất nhiều, nhưng DN chẳng thể nào đàm phán được với hàng nghìn hộ nông dân một lúc để tập hợp được đất SX. Trong khi đó, để thay đổi được tư duy của nông dân cũng vô cùng vất vả.
“Đưa nông dân thành công nhân nông nghiệp là một hướng rất tốt hiện nay. Chúng tôi đã có nhiều dự định lập dự án liên kết SX với nông dân, nhưng họ cứ khư khư giữ đất và cách làm cũ, bởi họ không tin DN nói, không tin rằng nếu liên kết với DN thì sẽ có cách làm, mô hình hiệu quả hơn.
Cái này cũng vô cùng nan giải nếu không có sự tuyên truyền, thuyết phục của cả hệ thống chính trị”, ông Tiền nêu ý kiến.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2012, lãnh đạo 2 huyện Vân Canh và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) là 2 đơn vị kết nghĩa tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Huyện Hương Sơn giới thiệu mô hình nuôi hươu sao lấy nhung vốn đã giúp nhiều gia đình ở đây vươn lên thoát nghèo cho Vân Canh.
Các hộ nuôi thủy sản bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh với nhiều giống mới, có giá trị kinh tế và cho năng suất cao, điển hình như: Mô hình nuôi cá Rô phi đơn tính dòng Đường nghiệp và cá chép lai 3 máu. Sự thành công của mô hình là cơ sở để nhân rộng và khai thác tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh ngày càng ổn định và bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã cấp miễn phí được 178.619 liều tinh, đạt 50% kế hoạch, trong đó có 10.000 liều tinh lợn Pietrain kháng stress, TTNT cho trên 80.000 lượt con lợn, tỷ lệ đậu thai đạt trên 85%. Năng suất, chất lượng con giống ổn định, số lợn sơ sinh bình quân/ổ từ 10 - 12 con, trọng lượng lợn bình quân sau cai sữa đạt 7,5kg/con. Tỷ lệ TTNT lợn trên địa bàn TP đạt trên 58%.
Trong những năm trở lại đây, mô hình đưa màu xuống chân đất lúa được bà con nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) áp dụng đạt hiệu quả. Bên cạnh cây chủ lực như dưa hấu, đậu xanh, khoai cao, thì cây mè đen cũng là một trong những cây được bà con nông dân trong huyện lựa chọn, vì mè đen là loại màu dễ trồng, ít tốn thuốc, chi phí đầu tư thấp, nhưng thu nhập mang lại tương đối khá và ổn định.
Năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1973) ở ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên (Bình Dương) đã mạnh dạn chuyển một phần đất trên diện tích cao su của gia đình sang trồng dưa leo, khổ qua. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Hùng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.