Doanh Nghiệp Dần Thâu Tóm Vùng Nuôi Cá Tra
Những năm gần đây, ngành cá tra ngày càng khó khăn mà nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu liên kết giữa hai mắt xích quan trọng nhất là nông dân (ND) nuôi cá và doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu.
Vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp lấn át
Tại Đồng Tháp, một trong những tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long đã giảm mạnh diện tích thả nuôi cá và tỷ trọng diện tích nuôi cá tra của các DN ngày càng tăng. Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến hết tháng 10, diện tích thả nuôi cá tra địa phương này đạt 940 ha, giảm gần 50% so với cả năm 2012. Hiện nay, vùng nuôi cá tra của DN chiếm 58%, còn lại là của ND và trong diện tích nuôi cá của ND có 85% liên kết với DN sản xuất thức ăn thủy sản và chế biến cá tra.
Những địa phương có vùng nuôi cá tra không lớn, chẳng hạn như Tiền Giang với tổng diện tích nuôi cá tra khoảng 130 ha, diễn biến nghề nuôi cá tra cũng đi theo xu hướng diện tích nuôi cá tra của DN ngày càng tăng và hoạt động nuôi cá tra hầu như chỉ còn diễn ra ở các vùng nguyên liệu của DN. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay diện tích thả nuôi cá tra của DN có nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu là 48,7 ha, chiếm 54,4% tổng diện tích cá tra thả nuôi toàn tỉnh; DN không có nhà máy chế biến là 7,6 ha, chiếm 8,5%; hộ gia đình là 27,7 ha, chiếm 31%; hợp tác xã là 5,5 ha, chiếm 6,1%.
Trong hội nghị bàn về cách giải quyết khó khăn ngành cá tra gần đây, PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho hay, hiện nay 50-70% sản lượng cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu là nằm ở các vùng nuôi của DN, lượng cá tra còn lại là của các hộ nuôi nhỏ lẻ.
Nông dân “đối đầu” doanh nghiệp
Khi vùng nuôi cá tra nguyên liệu của DN ngày càng mở rộng, đồng nghĩa với sự phụ thuộc hoạt động của nhà máy chế biến cá tra của DN vào vùng nuôi cá tra của ND ngày càng giảm. Do đó, DN ngày càng có quyền ấn định giá thu mua cá trên thị trường, còn ND nuôi cá riêng lẻ chỉ chờ đến khi cá nguyên liệu của DN hết mới đến lượt tiêu thụ cá của mình khiến hiệu quả sản xuất của ND ngày càng bấp bênh.
Theo PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc, khi thị trường xuất khẩu tốt, sản lượng cá tra nguyên liệu trên thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu các nhà máy chế biến thì ND nuôi cá nhỏ lẻ vẫn có lãi, dễ bán. Tuy nhiên, nếu thị trường dư thừa thì DN ưu tiên tiêu thụ cá thuộc vùng nuôi riêng dẫn đến giá cá thị trường giảm mạnh, cá của ND khó tiêu thụ dẫn đến thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Một khảo sát của trường Đại học Cần Thơ gần đây cũng cho thấy, tỷ lệ hộ nuôi cá tra bị thua lỗ năm 1993 chỉ có 9,4% nhưng đến giai đoạn 2002- 2005 thì tỷ lệ này đã tăng vọt lên 25%. Trong giai đoạn 2005- 2009, tỷ lệ hộ nuôi cá tra bị lỗ tăng lên 30%, và đặc biệt trong giai đoạn 2010- 2013, tỷ lệ hộ nuôi cá tra thua lỗ lại tiếp tục tăng vọt lên đến gần 50%.
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), thời gian qua có tình trạng DN ép giá thu mua cá của ND để có lãi do các DN này cạnh tranh xuất khẩu cá tra philê bằng giá bán chứ không phải bằng chất lượng.
Nông dân yếu thế hơn
Hiện nay, hầu như các DN ít nhiều đều có vùng nguyên liệu riêng, thậm chí có doanh nghiệp chủ động đến 70-80% nguồn nguyên liệu. Do đó, khi giá cá nguyên liệu có dấu hiệu tăng cao thì các DN không thu mua cá của ND mà chuyển sang sử dụng cá tra từ chính vùng nuôi của mình, điều đó khiến ND hoang mang vì cá đã đến lứa thu hoạch. Lúc này, ND phải đứng trước hai sự lựa chọn là hạ giá bán hay tiếp tục nuôi để chờ DN hết cá mới bán ra. Nếu hạ giá bán thì ND không có lợi nhuận, còn nếu chờ DN đến bắt cá thì cá đã “quá lứa” (thường trọng lượng trên 1kg là cá quá lứa) lại bị DN thu mua với giá rẻ như bèo.
Theo Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, khi nghề nuôi cá tra mới phát triển, thị trường đã phân định rõ DN là bên mua, ND là bên bán nên ND có thể chủ động chào giá nhiều nơi để bán cá cho DN nào thu mua với giá cao nhất. Nhưng khi vùng nuôi cá của DN ngày càng mở rộng thì thế chủ động thuộc về DN nên họ càng có cơ sở ép giá ND.
Trước tình hình ngành cá tra hiện nay có thể thấy, trong những năm tới diện tích nuôi cá tra nguyên liệu của DN sẽ càng mở rộng, còn diện tích nuôi cá của ND sẽ teo tóp dần và tình trạng cạnh tranh giá bán cá tra nguyên liệu giữa ND với DN sẽ càng khốc liệt hơn. Điều này dẫn đến hậu quả tất yếu là ND nay đã yếu thế thì sẽ còn lép vế hơn trong thời gian tới khiến vùng nuôi cá của ND sẽ dần chuyển sang tay DN hoặc ND phải làm thuê cho DN trên chính ao cá của mình.
Có thể bạn quan tâm
Để tăng cường đầu ra và giữ giá cho quả vải thiều, chiều 16/6, hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ quả vải vùng Đông Tây Nam Bộ năm 2014 tại TP.HCM.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt thu mua tạm trữ tạm trữ lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giúp nông dân bảo đảm có lãi 30%, tuy nhiên vẫn còn nhiều bấp cập.
Trong đó, diện tích cây cao su đang lấy mủ là 1.530ha, cao su non là 218ha và 124ha cây cao su bị rong tàn ép nhánh để trồng xen cây khác. Trong đó, huyện Tân Châu có diện tích cao su bị chặt nhiều nhất với 675ha, huyện Tân Biên 534ha, huyện Châu Thành 71,4ha, Công ty CP Cao su Tây Ninh 446ha...
Chị Thanh cho biết: “Do đa cây, đa con nên tôi có nhiều nguồn thu khác nhau trong một năm, không bị phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ mỗi mùa vụ. Hơn nữa, tôi còn có thể chủ động được vốn đầu tư qua lại giữa cây, con. Cụ thể như việc mỗi năm, tôi có thể nuôi được gần 3 lứa heo.
Theo dự báo, vải thiều Lục Ngạn năm nay sẽ được mùa và được cả giá. Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết: "Thời tiết đầu vụ vải năm nay không thuận lắm, mưa nhiều trong thời gian vải ra hoa và đậu quả nên quả non bị rụng khá nhiều".