Rất khó để trồng cây đậu xanh né hạn
Ngày 18/5/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 968/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với hạn hán trong sản xuất nông nghiệp vụ hè thu 2015; phê duyệt các phương án và các chính sách kèm theo để hỗ trợ giá giống đậu xanh giúp nông dân chuyển đổi cây trồng trong vụ hè thu 2015. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương chỉ gieo cấy lúa trên các chân đất đảm bảo nước tưới, chuyển các vùng không đủ nước tưới sang trồng đậu xanh và các loại cây trồng khác phù hợp, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Tính đến ngày 8/6/2015, tổng diện tích đất lúa thiếu nước trên địa bàn toàn tỉnh đã lên đến trên 3.700 ha, tỷ lệ diện tích thiếu nước so với diện tích sản xuất lúa hè thu là 16,7%, trong đó huyện Gio Linh có diện tích thiếu nước tưới nhiều nhất, lên đến trên 2.000 ha, chiếm trên 63% diện tích sản xuất lúa hè thu của huyện, tiếp đó là Đông Hà (28%), Cam Lộ (28%), Vĩnh Linh (trên 23%)…
Thực hiện Quyết định số 968/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đến nay các địa phương đã đăng ký tại Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi tỉnh được 10.729 kg đậu xanh (tương đương diện tích 536 ha/2.012 ha KH) để triển khai gieo trồng đậu xanh trên đất khô hạn thiếu nước. Trong đó, huyện Vĩnh Linh đã nhận 2.769 kg (quy ra diện tích trên 138 ha), huyện Cam Lộ đã nhận 1.286 kg (64,3 ha), huyện Đakrông đã nhận 1.060 kg (53 ha), huyện Triệu Phong đã nhận 918 kg (gần 46 ha).
Tính đến ngày 8/6/2015, huyện Gio Linh mới nhận được 2.896 kg giống đậu xanh/4.695 kg đăng ký. Đến ngày 8/6/2015, các địa phương mới gieo được 48 ha đậu xanh, trong đó tập trung ở huyện Đakrông 25 ha, Triệu Phong 20 ha, Cam Lộ 3 ha. Như vậy, theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích bỏ hoang không thể sản xuất được do khô hạn (sau khi đã trừ diện tích chuyển đổi) là 3.058 ha, chiếm 13,8% diện tích đất lúa vụ hè thu. Nhưng nếu thời tiết tiếp tục khô hạn, diện tích chuyển đổi gặp khó khăn thì diện tích đất ruộng bỏ hoang do hạn hán sẽ còn tăng lên.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, sở dĩ diện tích chuyển đổi đạt thấp so với phương án đưa ra có phần do tập quán nông dân quen sản xuất lúa, ngại khó, sợ thất bại khi triển khai cây trồng mới. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, nhiều ngày không mưa, nhất là sau vụ đông xuân đến nay. Đặc tính của cây đậu xanh là cây trồng chịu được hạn nhưng cũng phải giữ ẩm thích hợp để cây phát triển tốt. Cây đậu lúc gieo và ra hoa cần đủ độ ẩm để hạt mọc đều, ít rụng hoa, tỷ lệ đậu quả cao, hạt mẩy và chắc.
Thời tiết hiện quá nắng nóng, đất khô, không đảm bảo độ ẩm để làm đất, tạo điều kiện cho cây nảy mầm, sinh trưởng nên nông dân nhiều nơi dù rất muốn chuyển đổi nhưng cũng không thể làm đất, gieo giống được. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo chuyển đổi cây trồng ở một số địa phương chưa thực sự sâu sát, có nơi giao khoán cho cơ sở tự liên hệ và đăng ký giống đậu xanh với Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi nên diện tích đăng ký và nhận giống chưa cao.
Hiện Sở Nông nghiệp- PTNT đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa trên các chân đất chủ động tưới theo khung thời vụ đặt ra, đảm bảo thu hoạch vụ hè thu trước ngày 5/9/2015. Trên các chân đất lúa thiếu nước đã quy hoạch vùng chuyển đổi, cần tranh thủ độ ẩm đất sẵn có và khi trời có mưa, tiến hành ngay việc gieo trồng đậu xanh ở những vùng có điều kiện để có thêm thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù là một trong những địa phương có diện tích trồng thanh long nhiều nhất cả nước, song hiện tại, người trồng thanh long ở Bình Thuận lại đang rơi vào tình cảnh khó khăn, do thanh long vừa mất mùa, vừa rớt giá.
Phải tự tìm ngư trường dựa vào kinh nghiệm khiến hiệu quả đánh bắt của ngư dân thấp và dẫn đến nhiều hệ lụy về lâu dài.
UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện cơ quan này đã có kết luận về nguyên nhân gây ra tình trạng ngao chết trắng đồng tại một số huyện ven biển trong thời gian vừa qua.
Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển đạt 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp vào năm 2015. Từ đó, một lộ trình thực hiện cũng được ra đời. Mặc dù trong thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp đang phát triển nhanh, nhưng xem ra để đạt được mục tiêu trên vào năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Theo Bộ NNPTNT, chất cấm trong chăn nuôi hiện nay có 3 chất chính là: Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine (thuộc nhóm Beta-agonist). Từ năm 2002, Việt Nam đã đưa các chất này vào danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.