Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đô Lương (Nghệ An) Chủ Động Giống Cá Vụ 3

Đô Lương (Nghệ An) Chủ Động Giống Cá Vụ 3
Ngày đăng: 03/11/2014

Sau 10 năm, nuôi cá vụ 3 đã trở thành phong trào phát triển mạnh ở các địa phương như Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Yên Thành (Nghệ An) vì góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, do nguồn cung giống thiếu nên nhiều năm cá giống bị “cháy hàng”.

Trước thực trạng đó, nông dân Đô Lương đã có giải pháp vừa đảm bảo cung ứng được giống, vừa nâng cao hơn hiệu quả trên một diện tích đất lúa.

Hàng năm đến thời điểm thả cá vụ 3, giá cá thường tăng cao, có những năm không có giống nên nhiều diện tích phải bỏ hoang. Để chủ động nguồn giống, huyện Đô Lương - một trong những địa phương có phong trào nuôi cá vụ 3 mạnh với diện tích hàng năm lên đến hơn 500 ha, đã có cách làm mới đem lại hiệu quả cao. Đó là phong trào nuôi cá 7 tháng để chủ động giống cho nuôi cá vụ 3.

Những ngày này, cánh đồng Cầu Tiên thuộc Thị trấn Đô Lương trở nên nhộn nhịp với cảnh từng đoàn xe máy nối đuôi nhau chờ mua cá giống về thả cá vụ 3. Đang thu nốt mẻ lưới để cân cá cho khách hàng, anh Nguyễn Trọng cho biết: Anh nhận thầu của thị trấn hơn 1 ha, đã 10 năm nay anh nuôi cá vụ 3 nhưng năm nay là năm đầu tiên anh nuôi cá 7 tháng, hiệu quả đem lại đã thấy rõ.

Trước đây trên diện tích đấu thầu, anh làm 2 vụ lúa. Sau khi gặt lúa hè thu thì đắp bờ dâng nước để thả cá vụ 3. Nhưng nhận thấy hiệu quả sản xuất hè thu không cao, năm nay cùng với các hộ nhận thầu, anh chuyển sang nuôi cá 7 tháng.

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân là tiến hành cải tạo đồng ruộng thả cá giống. Sau 3 tháng nuôi, đến thời điểm thả cá vụ 3 anh thu tỉa để bán cá giống. Lúc này, cá đạt trọng lượng 6 - 10 con/kg, bán với giá cá thịt 50.000 đồng/kg. Hiện nay, anh đã thu về được 30 triệu đồng.

Số còn lại anh tiếp tục nuôi đến cuối vụ tháo cạn thu hoạch để làm lúa vụ đông xuân. Với diện tích 1 ha sẽ cho hơn 1 tấn cá, đồng thời do đặc điểm cá nuôi trên ruộng, không cho ăn thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng hứa hẹn mang lại thu nhập khá cao cho gia đình anh.

Chia tay anh Nguyễn Trọng, chúng tôi đến thăm “ruộng cá” của anh Lê Văn Đô ở khối 5, Thị trấn - người đầu tiên khởi xướng phong trào nuôi cá 7 tháng.

Anh Đô đấu thầu 2 ha ruộng cá lúa của hợp tác, đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề nuôi cá vụ 3. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thả cá vụ 3, anh lại phải chạy đôn, chạy đáo tìm mua cá giống. Nhiều năm mua phải mẻ cá “còi” nuôi không lớn coi như lỗ vốn.

Là người có kinh nghiệm trong nghề, một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu sao mình không sản xuất lấy giống mà phải phụ thuộc vào thị trường? Với sự trăn trở đó, trên diện tích 2 ha, sau sản xuất lúa đông xuân, anh khoanh vùng để nuôi cá giống. Sau vài năm thử nghiệm thành công, 3 năm nay anh nhân rộng trên mảnh đất của mình. Vào tháng Chạp, anh tìm đến các cơ sở sản xuất cá giống mua cá bột về ương lên cá hương rồi cá giống.

Cũng như anh Trọng, sau khi bán đi một phần cá giống, số còn lại được anh tiếp tục nuôi đến khi thu hoạch lúa đông xuân thì bung cá ra ruộng. Năm nay với 20 chén bột anh ương được hơn 2 tạ cá giống, thu về 20 triệu đồng. Sau 3 tháng nuôi tiếp cá vụ 3 trong vùng được 1,2 tấn thu về 60 triệu đồng. Số cá còn lại trong ruộng tiếp tục nuôi đến cuối năm sẽ được thêm 2 tấn thu về khoảng 100 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đô Lương: Với diện tích cá vụ 3 lên đến hơn 500 ha, lượng cá giống cần hàng năm là rất lớn. Do các cơ sở sản xuất cá giống không sản xuất loại cá này nên hàng năm vào vụ thả thường xảy ra hiện tượng “cháy giống”.

Bà con thường phải tìm nguồn giống trôi nổi trên thị trường, nhiều năm mắc phải cá mang nguồn bệnh, cá còi cọc chậm lớn dẫn đến thiệt hại cho người sản xuất. Mô hình nuôi cá 7 tháng ở Thị trấn Đô Lương giúp bà con chủ động nguồn giống rõ nguồn gốc, chất lượng được kiểm soát. Mặt khác, những người sản xuất cá giống ở thị trấn là những người có nhiều kinh nghiệm, sẽ tư vấn cho bà con kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cá trong quá trình nuôi.

Từ kết quả ban đầu của một số hộ nuôi nhỏ lẻ, năm 2014 huyện Đô Lương xây dựng đề án chuyển toàn bộ 70 ha trên cánh đồng Cầu Tiên từ nuôi cá vụ 3 sang nuôi 7 tháng. Huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư chuyển đổi, tập huấn, kỹ thuật… cho bà con. Theo ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đô Lương, do chuyển đổi nuôi cá 7 tháng nên năm nay huyện đã chủ động được nguồn giống cho cá vụ 3.

Trên cơ sở kết quả của năm nay, huyện sẽ cân đối đủ diện tích để cung ứng giống cho cả huyện khi nâng diện tích cá vụ 3 toàn huyện lên 700 ha. Hiện nay, huyện đang khảo sát số diện tích sản xuất hè thu không ăn chắc sang nuôi cá 7 tháng vì nhu cầu của các địa phương đang rất lớn.

Từ kết quả nuôi cá 7 tháng của Đô Lương, các địa phương có diện tích cá vụ 3 lớn như Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn có thể tham khảo để có kế hoạch quy hoạch chuyển đổi hình thức nuôi theo mô hình 7 tháng của Đô Lương để chủ động về nguồn giống và nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.


Có thể bạn quan tâm

Đầu tư 60 tỷ đồng trồng đậu và dâu tây xuất khẩu Đầu tư 60 tỷ đồng trồng đậu và dâu tây xuất khẩu

Dự án thực hiện trên diện tích gần 100 ha đất chủ yếu đầu tư sản xuất các loại đậu và dâu tây chất lượng cao. Sáng nay (3/4), tại xã Đắc Long, UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và Công ty TNHH Kon Tum Bellest khởi công Dự án nông trại hữu cơ.

17/04/2015
Hội làm vườn xã Tịnh Thới nỗ lực xây dựng vùng chuyên canh xoài an toàn Hội làm vườn xã Tịnh Thới nỗ lực xây dựng vùng chuyên canh xoài an toàn

Là một trong những tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, giúp người nông dân thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp; tiếp cận với những cách làm hay, mô hình mới, thời gian qua, Hội Làm vườn xã Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) có nhiều hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

17/04/2015
Hải Dương phát triển khoảng 1.500 ha vải VietGAP Hải Dương phát triển khoảng 1.500 ha vải VietGAP

Trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap trong 3 năm tại tỉnh Hải Dương năng suất tăng từ 20% - 30%. Vụ vải năm 2015, tỉnh Hải Dương phấn đấu sản xuất khoảng 1.500 ha vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, diện tích được giám sát, cấp giấy chứng nhận là khoảng 150 ha.

17/04/2015
Quýt Mường Khương tìm đường đến thương hiệu Quýt Mường Khương tìm đường đến thương hiệu

“Khách đến Mường Khương (Lào Cai) là tìm mua quýt về làm quà. Quýt Mường Khương ngon, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vấn đề phát triển đã được xác định, tuy nhiên, quan tâm lớn nhất của huyện giờ đây là xây dựng thương hiệu” - ông Phạm Xuân Thịnh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương chia sẻ.

17/04/2015
Ông Văng Thành Trưởng xử lý sầu riêng nghịch vụ thu lãi cao Ông Văng Thành Trưởng xử lý sầu riêng nghịch vụ thu lãi cao

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã thu hút đông đảo nông dân tham gia. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó, thoát nghèo, trong đó có ông Văng Thành Trưởng, ở ấp Hiệp Phú, xã Hiệp Đức.

17/04/2015