Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đô Lương (Nghệ An) Chủ Động Giống Cá Vụ 3

Đô Lương (Nghệ An) Chủ Động Giống Cá Vụ 3
Publish date: Monday. November 3rd, 2014

Sau 10 năm, nuôi cá vụ 3 đã trở thành phong trào phát triển mạnh ở các địa phương như Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Yên Thành (Nghệ An) vì góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, do nguồn cung giống thiếu nên nhiều năm cá giống bị “cháy hàng”.

Trước thực trạng đó, nông dân Đô Lương đã có giải pháp vừa đảm bảo cung ứng được giống, vừa nâng cao hơn hiệu quả trên một diện tích đất lúa.

Hàng năm đến thời điểm thả cá vụ 3, giá cá thường tăng cao, có những năm không có giống nên nhiều diện tích phải bỏ hoang. Để chủ động nguồn giống, huyện Đô Lương - một trong những địa phương có phong trào nuôi cá vụ 3 mạnh với diện tích hàng năm lên đến hơn 500 ha, đã có cách làm mới đem lại hiệu quả cao. Đó là phong trào nuôi cá 7 tháng để chủ động giống cho nuôi cá vụ 3.

Những ngày này, cánh đồng Cầu Tiên thuộc Thị trấn Đô Lương trở nên nhộn nhịp với cảnh từng đoàn xe máy nối đuôi nhau chờ mua cá giống về thả cá vụ 3. Đang thu nốt mẻ lưới để cân cá cho khách hàng, anh Nguyễn Trọng cho biết: Anh nhận thầu của thị trấn hơn 1 ha, đã 10 năm nay anh nuôi cá vụ 3 nhưng năm nay là năm đầu tiên anh nuôi cá 7 tháng, hiệu quả đem lại đã thấy rõ.

Trước đây trên diện tích đấu thầu, anh làm 2 vụ lúa. Sau khi gặt lúa hè thu thì đắp bờ dâng nước để thả cá vụ 3. Nhưng nhận thấy hiệu quả sản xuất hè thu không cao, năm nay cùng với các hộ nhận thầu, anh chuyển sang nuôi cá 7 tháng.

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân là tiến hành cải tạo đồng ruộng thả cá giống. Sau 3 tháng nuôi, đến thời điểm thả cá vụ 3 anh thu tỉa để bán cá giống. Lúc này, cá đạt trọng lượng 6 - 10 con/kg, bán với giá cá thịt 50.000 đồng/kg. Hiện nay, anh đã thu về được 30 triệu đồng.

Số còn lại anh tiếp tục nuôi đến cuối vụ tháo cạn thu hoạch để làm lúa vụ đông xuân. Với diện tích 1 ha sẽ cho hơn 1 tấn cá, đồng thời do đặc điểm cá nuôi trên ruộng, không cho ăn thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng hứa hẹn mang lại thu nhập khá cao cho gia đình anh.

Chia tay anh Nguyễn Trọng, chúng tôi đến thăm “ruộng cá” của anh Lê Văn Đô ở khối 5, Thị trấn - người đầu tiên khởi xướng phong trào nuôi cá 7 tháng.

Anh Đô đấu thầu 2 ha ruộng cá lúa của hợp tác, đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề nuôi cá vụ 3. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thả cá vụ 3, anh lại phải chạy đôn, chạy đáo tìm mua cá giống. Nhiều năm mua phải mẻ cá “còi” nuôi không lớn coi như lỗ vốn.

Là người có kinh nghiệm trong nghề, một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu sao mình không sản xuất lấy giống mà phải phụ thuộc vào thị trường? Với sự trăn trở đó, trên diện tích 2 ha, sau sản xuất lúa đông xuân, anh khoanh vùng để nuôi cá giống. Sau vài năm thử nghiệm thành công, 3 năm nay anh nhân rộng trên mảnh đất của mình. Vào tháng Chạp, anh tìm đến các cơ sở sản xuất cá giống mua cá bột về ương lên cá hương rồi cá giống.

Cũng như anh Trọng, sau khi bán đi một phần cá giống, số còn lại được anh tiếp tục nuôi đến khi thu hoạch lúa đông xuân thì bung cá ra ruộng. Năm nay với 20 chén bột anh ương được hơn 2 tạ cá giống, thu về 20 triệu đồng. Sau 3 tháng nuôi tiếp cá vụ 3 trong vùng được 1,2 tấn thu về 60 triệu đồng. Số cá còn lại trong ruộng tiếp tục nuôi đến cuối năm sẽ được thêm 2 tấn thu về khoảng 100 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đô Lương: Với diện tích cá vụ 3 lên đến hơn 500 ha, lượng cá giống cần hàng năm là rất lớn. Do các cơ sở sản xuất cá giống không sản xuất loại cá này nên hàng năm vào vụ thả thường xảy ra hiện tượng “cháy giống”.

Bà con thường phải tìm nguồn giống trôi nổi trên thị trường, nhiều năm mắc phải cá mang nguồn bệnh, cá còi cọc chậm lớn dẫn đến thiệt hại cho người sản xuất. Mô hình nuôi cá 7 tháng ở Thị trấn Đô Lương giúp bà con chủ động nguồn giống rõ nguồn gốc, chất lượng được kiểm soát. Mặt khác, những người sản xuất cá giống ở thị trấn là những người có nhiều kinh nghiệm, sẽ tư vấn cho bà con kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cá trong quá trình nuôi.

Từ kết quả ban đầu của một số hộ nuôi nhỏ lẻ, năm 2014 huyện Đô Lương xây dựng đề án chuyển toàn bộ 70 ha trên cánh đồng Cầu Tiên từ nuôi cá vụ 3 sang nuôi 7 tháng. Huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư chuyển đổi, tập huấn, kỹ thuật… cho bà con. Theo ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đô Lương, do chuyển đổi nuôi cá 7 tháng nên năm nay huyện đã chủ động được nguồn giống cho cá vụ 3.

Trên cơ sở kết quả của năm nay, huyện sẽ cân đối đủ diện tích để cung ứng giống cho cả huyện khi nâng diện tích cá vụ 3 toàn huyện lên 700 ha. Hiện nay, huyện đang khảo sát số diện tích sản xuất hè thu không ăn chắc sang nuôi cá 7 tháng vì nhu cầu của các địa phương đang rất lớn.

Từ kết quả nuôi cá 7 tháng của Đô Lương, các địa phương có diện tích cá vụ 3 lớn như Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn có thể tham khảo để có kế hoạch quy hoạch chuyển đổi hình thức nuôi theo mô hình 7 tháng của Đô Lương để chủ động về nguồn giống và nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.


Related news

Thiết Lập Chuỗi Thực Phẩm An Toàn Trong Chăn Nuôi Thiết Lập Chuỗi Thực Phẩm An Toàn Trong Chăn Nuôi

Trong năm 2013, Chi cục thú y đã thực hiện việc quản lý theo chuỗi từ trại chăn nuôi - cơ sở giết mổ - cơ sở kinh doanh thịt cho hai cơ sở chăn nuôi heo và gà trên địa bàn tỉnh.

Thursday. January 23rd, 2014
Nông Dân “Ngoại” Giúp “Nội” Nông Dân “Ngoại” Giúp “Nội”

Trung tuần tháng 1-2014, có 4 nông dân Hà Lan, những chủ trại bò sữa cùng với ông Rinze Fokkema, giảng viên trường nông nghiệp vùng Friesland, phía Bắc Hà Lan đến Củ Chi TPHCM thực hiện vai trò “nông dân giúp nông dân”.

Thursday. January 23rd, 2014
Thoát Nghèo Từ Nuôi Dê Bách Thảo Thoát Nghèo Từ Nuôi Dê Bách Thảo

Thời gian gần đây không ít gia đình ở xã Bình Tân (Bắc Bình - Bình Thuận) đang khôi phục nuôi dê bách thảo, coi đây là hướng phát triển kinh tế chính cho mình. Trường hợp gia đình ông Phạm Được, ở thôn Bình Nghĩa, xã Bình Tân, là một điển hình. Hiện ông đang phát triển nuôi dê bách thảo hơn 100 con, cho hiệu quả kinh tế khá cao, từng bước thoát nghèo.

Thursday. January 23rd, 2014
Ngăn Chặn Virus Cúm Gia Cầm Xâm Nhập Vào Việt Nam Ngăn Chặn Virus Cúm Gia Cầm Xâm Nhập Vào Việt Nam

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nguy cơ những chủng virus cúm hiện đang xuất hiện tại Trung Quốc, xâm nhập vào Việt Nam qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới trong thời gian tới là rất cao.

Thursday. January 23rd, 2014
Giá Hồ Tiêu Vẫn Cao Giá Hồ Tiêu Vẫn Cao

Hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới với sản lượng chiếm 50% thị trường. Giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2013 bình quân là 7 ngàn USD/tấn. Năm 2014, giá hồ tiêu có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2013.

Thursday. January 23rd, 2014