Tiềm Năng Thuỷ Sản Cẩm Phả (Quảng Ninh) Còn Bỏ Ngỏ
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản trên địa bàn thành phố đạt 737,9 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng cá đạt 454,3 tấn, tăng 7,1% cùng kỳ; tôm 75,6 tấn; các loại thuỷ sản khác 208 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ.
Riêng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 90,9 tấn, bằng 86,6% cùng kỳ. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng thì hiện nay, Cẩm Phả chưa phát huy được hết tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế này, nhiều lợi thế còn đang bị bỏ ngỏ.
Anh Nguyễn Minh Cương, một hộ nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức lồng bè trên biển thuộc khu vực Bến Do, phường Cẩm Trung cho biết: Gia đình tôi làm nghề nuôi trồng thuỷ sản đã được 8 năm, tuy nhiên, đối với lĩnh vực này rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh là rất lớn nên hiệu quả cũng rất bấp bênh.
Ví dụ như cơn bão số 14 năm 2013, chỉ mấy lồng cá giò, cá song bị bão nhấn chìm cũng đã thiệt hại trên dưới 100 triệu đồng. Hiện nay, gia đình nuôi hơn 20 ô lồng, mỗi lồng bình quân có 60 cá giò, cá song từ 3-5kg/con. Năm 2013, do bị bão nên thu nhập của gia đình giảm đáng kể. Năm nay, tính chung các loại cá song, cá giò, cá hồng… gia đình thả nuôi hơn 1.000 con giống, 3 tháng đầu năm đã bán được 2 ô lồng với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg cá song và 100.000 - 120.000 đồng/kg cá giò, trừ chi phí đã cho thu nhập trên 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu tình hình mưa bão thất thường giống như năm 2013 thì không biết thiệt hại ra sao nữa. Cũng theo anh Cương, hiện nay, nghề nuôi cá lồng bè tại đây còn gặp không ít khó khăn do môi trường, nguồn giống và quản lý dịch bệnh.
Được biết, hiện nay toàn thành phố có hơn 243 hộ nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức nuôi lồng bè (nước mặn) với trên 3.000 ô lồng nuôi thuỷ sản các loại, tập trung chủ yếu tại khu vực Bến Do, đảo Ông Cụ.
Đối với lĩnh vực nuôi thuỷ sản trong ao đầm, thành phố có hơn 325ha với 87 hộ nuôi, tập trung chủ yếu tại các xã: Cộng Hoà, Cẩm Hải, phường Quang Hanh. Diện tích nuôi thường xuyên của 3 phường, xã này luôn đạt hơn 60ha, chiếm 18,5% so với tổng diện tích nuôi thuỷ sản trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, các hộ nuôi phần lớn lại từ các huyện, thị xã trong tỉnh đến đầu tư nuôi trồng. Theo đánh giá của ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân khiến nghề nuôi biển tại Cẩm Phả hiện nay còn hạn chế và gặp nhiều rủi ro, trong đó có việc nguồn nước thải sinh hoạt, nuôi thuỷ sản, chế biến thực phẩm hàng ngày từ các lồng bè nuôi thuỷ sản này xả thẳng ra biển, không qua một công đoạn xử lý nào, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường.
Đa số các hộ nuôi trồng thuỷ sản không có giấy phép hành nghề, giấy phép neo đậu khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Anh Phan Huy Bình, chuyên viên Phòng Kinh tế thành phố cho hay: Phần lớn diện tích nuôi thả trên địa bàn không tập trung thành vùng, rất khó khăn trong việc quản lý về môi trường nuôi.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu là hộ nghèo, kinh phí và kỹ thuật còn hạn chế, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, khi xảy ra dịch bệnh không có khả năng phòng trị bệnh dẫn đến thiệt hại nặng nề đến vụ sau không còn khả năng tiếp tục nuôi.
Nguồn giống, thức ăn không có nguồn gốc, qua điều tra chủ yếu nhập từ Trung Quốc chưa qua kiểm dịch dẫn đến khó kiểm soát về dịch bệnh. Nhiều ao, đầm chỉ nuôi được 1 đến 2 vụ, đến các vụ sau năng suất đạt thấp, người nuôi bỏ hoang.
Hiện nay, thành phố có hàng trăm tàu khai thác thuỷ sản, trong đó tàu công suất trên 90CV có 17 phương tiện hoạt động khai thác thuỷ sản; diện tích mặt nước phục vụ nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản lớn song tính ổn định và mức độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Sản lượng thuỷ sản trong lĩnh vực khai thác chưa cao. Số lượng tàu cá làm nghề cá tuyến khơi (từ 90CV trở lên) không nhiều, chỉ chiếm dưới 5%, nên hiệu quả nghề khai thác chưa cao, trong khi đó, số lượng tàu khai thác ven bờ chiếm số lượng lớn dẫn đến công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản gặp nhiều khó khăn; giá trị nghề khai thác đạt thấp.
Được biết, để phát huy những tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế thuỷ sản, trong thời gian tới thành phố xác định đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên các loại vùng mặt nước: Ngọt, lợ, mặn.
Phát triển nuôi trồng thuỷ sản toàn diện từ sản xuất giống, công nghệ nuôi đến chế biến thành hàng hoá; từng bước giảm ô lồng nuôi tại các khu vực đang có nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch, đặc biệt là khu vực Bến Do phường Cẩm Trung. Phấn đấu đến năm 2015 số ô lồng nuôi thuỷ sản đạt 1.500 ô lồng.
Có thể bạn quan tâm
Theo ước tính ban đầu của ngành chức năng, đến hết ngày 20/8 trên địa bàn huyện đã có khoảng gần 1.000 tấn ngao sắp thu hoạch bị chết, thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ đồng.
Trên đường cùng chúng tôi đến trang trại của ông Đoàn Quang Ngọc ở khu Tân Lập (phường Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh), anh Lưu Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Phương Đông, giới thiệu: Ông Ngọc là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế trang trại, cũng là người tiên phong nuôi lợn rừng thương phẩm tập trung với quy mô lớn nhất, nhì của thành phố.
Khoảng 13 giờ ngày 22/8, trên địa bàn thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), đã xảy ra trận mưa đá với mật độ dày đặc, làm hư hại nhiều diện tích rau màu và dâu tây của người dân.
Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể - Bắc Kạn).
Chuyên gia về chè đã bóc mẽ sự mập mờ, lừa dối người tiêu dùng của công ty URC Việt Nam trong việc thông tin nguồn gốc sản giống chè làm nguyên liệu chế biến trà xanh C2 Ô Long.