Điều Tiết Nước Năm 2014 Đảm Bảo Nước Ngọt Trồng Lúa Và Nước Mặn Nuôi Tôm
Đặc thù của Bạc Liêu là phân chia ra hai vùng sản xuất Bắc và Nam Quốc lộ 1A, đó là vùng nuôi tôm và trồng lúa. Những năm gần đây, nước mặn xâm nhập đã làm ảnh hưởng đến diện tích sản xuất lúa. Để điều tiết nước hài hòa, vừa bảo vệ lúa nhưng đảm bảo nước mặn nuôi tôm, năm 2014, ngành Thủy lợi tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp điều tiết nước.
Để giải quyết vấn đề điều tiết nước trồng lúa và đảm bảo nước mặn nuôi tôm cho 3 tỉnh vùng bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng), mới đây, Tổng cục Thủy lợi (thuộc Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị điều hành hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Toàn tỉnh hiện có 18 hệ thống thủy lợi; 30 kênh thủy lợi cấp I với tổng chiều dài 619,5km; 269 kênh cấp II với tổng chiều dài trên 1.500km; 513 kênh cấp III với tổng chiều dài trên 1.900km; và 154 cống, bọng các loại. Để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản, ngành chức năng cần vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý và khoa học.
Theo kế hoạch, năm 2014, toàn tỉnh có hơn 127.000ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có khoảng 62.000ha nuôi trồng thủy sản phía Bắc Quốc lộ 1A (đất chuyên nuôi tôm khoảng 32.000ha, đất tôm - lúa 30.000ha); diện tích sản xuất lúa hè thu hơn 56.700ha.
Dự báo, mùa mưa bắt đầu giữa tháng 5 và kết thúc vào tháng 11/2014. Mùa mưa chủ yếu là tháo chua, rửa mặn, chủ động tiêu lượng nước dư thừa… nên việc vận hành hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp đầu năm 2014 khá tốt. Để đối phó với diễn biến bất lợi của thời tiết trong 6 tháng cuối năm 2014, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã đưa ra các biện pháp điều tiết nước để vừa bảo vệ lúa vừa đảm bảo nước mặn nuôi tôm.
Đối với vùng trồng lúa hè thu, khi mực nước phía thượng lưu trong các cống đầu mối (phía trong đồng) cao hơn 0,35m thì các cống đầu mối trong vùng ngọt phải mở ra tiêu nước trước khi có những trận mưa lớn đề phòng ngập úng trên diện rộng. Khi mực nước phía thượng lưu trong các cống đầu mối thấp hơn 0,35m, các cống đầu mối trong vùng ngọt phải đóng lại đề phòng khô hạn, thiếu nước ngọt cho lúa.
Đối với vùng nuôi trồng thủy sản, trong khu vực chuyên tôm phía Bắc Quốc lộ 1A, vào thời điểm cuối tháng 1 - 7/2014, cố gắng không cho nước mặn ảnh hưởng đến diện tích lúa các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng. Trước 15 ngày thu hoạch trà lúa trên đất tôm thì lấy nước ở các cống lớn phục vụ nuôi tôm.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy lợi tỉnh thực hiện 10 đợt lấy nước mặn cho nuôi trồng thủy sản, mỗi đợt kéo dài từ 4 - 5 ngày, không trùng với ngày triều cường biển Tây. Để hạn chế tình trạng thiếu nước nuôi tôm, có thể nạo vét một số kênh cấp II, cấp III ở một số xã như Phong Thạnh, Phong Tân (huyện Giá Rai).
Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo: Năm 2014, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng bão lũ, triều cường, giông mạnh kèm theo lốc, sét… Tổng lượng mưa toàn mùa ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Thời kỳ ít mưa có khả năng xảy ra trong tháng 7 và 8/2014.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang có nhiều đợt kiểm tra, rà soát, đề xuất đầu tư sửa chữa khẩn cấp các công trình bị xuống cấp, chưa hoàn thiện, để kịp thời phục vụ sản xuất. Qua đó, đảm bảo cung cấp đủ nước mặn cho nuôi trồng thủy sản; đồng thời giữ ổn định vùng sản xuất lúa không bị nước mặn xâm nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh: “Cứ 15 ngày, chúng tôi thông báo lịch điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản một lần để bà con nông dân chủ động lấy nước phục vụ sản xuất.
Đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đầu tư xây dựng hai kênh dẫn nước ngọt từ tỉnh Sóc Trăng về để phục vụ nước ngọt cho lúa vụ 3 ở Bạc Liêu. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt Bạc Liêu, và sớm triển khai xây dựng âu thuyền trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp tại ngã tư Ninh Quới (huyện Hồng Dân).
Bởi, nếu không có âu thuyền, vào mùa khô những năm tiếp theo, nước mặn vẫn xâm nhập lên Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng). Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu lại thiếu nước mặn, gây ra tôm chết, làm ảnh hưởng đến đời sống nông dân”.
Có thể bạn quan tâm
Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đã cùng với các bộ, ngành, địa phương bàn thảo và đi đến thống nhất về một chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ - đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh.
Vụ Đông Xuân năm 2013 – 2014 nông dân trên địa bàn thành phố trồng khoảng 2.000 ha mì. Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh cho biết, hiện có khoảng 135 ha mì ở các xã, phường: Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân, Tân Bình, Bình Minh bị nhện đỏ tấn công.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) dự báo, từ ngày 17 - 23/3, tại các tỉnh phía Bắc, do điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh đạo ôn tiếp tục gia tăng về diện tích nhiễm và mức độ hại trên trà lúa xuân sớm giai đoạn đẻ rộ.
Theo nhiều nhà vườn tại Long Mỹ (Hậu Giang), giá quít đường đang ở mức cao do bước vào vụ nghịch, nguồn cung khan hiếm. Thương lái thu mua tại vườn với giá từ 35.000-37.000 đồng/kg (tăng 3.000-5.000 đồng so với tháng trước), giá bán lẻ tại các chợ là 40.000-55.000 đồng/kg.
Do 2 năm liên tục bị lỗ, nên nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung sau khi thu hoạch xong đã phá bỏ ruộng mía để chuyển sang nuôi tôm, trồng bắp lai, khoai lang, ổi… Dự kiến vụ mía 2014-2015 sẽ có hơn 500ha mía bị phá bỏ. Theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Cù Lao Dung sẽ giảm từ 8.215ha mía hiện nay xuống còn khoảng 4.000ha, bởi cây mía ngày càng kém hiệu quả.