Điêu Đứng Vì Nghêu Chết Hàng Loạt
Những ngày đầu năm mới, hàng chục người dân nuôi con nghêu thương phẩm ở các xã bãi ngang ven cửa biển thuộc huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đang đứng ngồi trên đống lửa vì nghêu chết hàng loạt…
Nguy cơ trắng tay
Theo người dân nuôi nghêu ở xã Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), hiện tượng nghêu chết ở vùng này bắt đầu xuất hiện từ ngày 19-2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán), mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm để cứu nghêu, nhưng không có hiệu quả.
Người dân cũng khẳng định, chưa có năm nào mà nghêu thương phẩm lại chết nhiều và kéo dài liên tục như năm nay. Thời gian tới khả năng mật độ nghêu tiếp tục chết còn rất cao, hộ gia đình bị thiệt hại ít nhất cũng dao động khoảng 300 - 500 triệu đồng, nhiều nhất hơn 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến tiền phải bỏ ra thuê mướn nhân công về dọn dẹp nghêu chết đem đi đổ.
Ông Bùi Quang Tường (51 tuổi, ở xóm Tiến Sầm, thị trấn Thiên Cầm - người có 15 năm kinh nghiêm nuôi nghêu), cho biết, năm nay gia đình nuôi nghêu với diện tích hơn 2,6ha tại khu vực sông Gia Hội, với số tiền mua con giống ở tỉnh Nam Định về hơn 700 triệu đồng.
Từ mùng 4 Tết nghêu bắt đầu chết hàng loạt, ước tính đến nay đã chết gần 30 tấn, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Nếu sắp tới không có biện pháp cứu chữa hiệu quả thì số nghêu còn lại cũng sẽ chết dần. Hiện gia đình đang thuê 20 lao động địa phương đến thu dọn đưa toàn bộ số nghêu chết ra khỏi khu vực nuôi với tiền công 150.000 đồng/ngày.
Còn ông Phạm Văn Hân (ở thôn Hy Di, xã Cẩm Nhượng) ngồi thẩn thờ. Năm nay gia đình ông phát triển nuôi hơn 2ha nghêu, vốn đầu tư khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì nghêu chết hơn một nửa. “Chúng tôi rất mong cơ quan chuyên môn sớm kiểm tra tìm ra nguyên nhân để kịp thời cứu lấy số nghêu còn sống nhằm vớt vát được ít vốn”, ông Hân khẩn thiết nói.
Nghêu chết do môi trường
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin nghêu nuôi chết hàng loạt, Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các xã Cẩm Lĩnh, Thiên Cầm, Kỳ Hà, Kỳ Ninh trực tiếp cử các đoàn xuống bãi nghêu nuôi lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm để sớm tìm ra nguyên nhân; đồng thời chỉ đạo người dân triển khai các phương pháp xử lý môi trường bảo vệ nguồn nước không để lây lan sang diện tích nghêu còn sống.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh gửi UBND huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh, đến ngày 27-2-2015, nghêu chết hàng loạt tại các bãi nuôi thuộc địa bàn xã Cẩm Lĩnh diện tích 16ha, với sản lượng thiệt hại là 118,2 tấn của 7 hộ dân; còn tại thị trấn Thiên Cầm là 22,6ha, với sản lượng thiệt hại là 167,24 tấn của 14 hộ dân.
Các bãi nuôi đã thả giống từ 3 - 10 tháng, mật độ thả giống 330con/m2 (kích cỡ 400 - 450con/kg). Tại thời điểm hiện tại cỡ nghêu đạt khoảng 50 - 60con/kg. Còn tại xã Kỳ Hà và Kỳ Ninh đến ngày 26-2-2015 nghêu chết hàng loạt với tỷ lệ chết lên tới 90%, với tổng diện tích 29ha/15 hộ.
Tiến hành giải phẫu các mẫu nghêu đang còn sống cho thấy thịt nghêu có màu trắng nhạt, ruột rỗng. Người dân cho biết, vào ngày 19 và 20-2-2015 có hiện tượng thủy triều lên với màu đỏ, đục và không có hồ sơ kiểm dịch.
Ngày 2-3, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân khiến nghêu chết hàng loạt là do mật độ nuôi cao làm cho hàm lượng oxy hòa tan không đủ, mặt khác môi trường bất lợi (thủy triều lên có màu đục, đỏ) gây sốc cho nghêu.
Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị UBND huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên chỉ đạo Phòng NN-PT-NT và UBND các xã Cẩm Lĩnh, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Kỳ Hà tăng cường kiểm tra, giám sát diễn biến dịch bệnh xảy ra, hướng dẫn các hộ nuôi khẩn trương vệ sinh khu vực nuôi bị bệnh, thu hoạch chuyển số nghêu đã đạt kích cỡ thương phẩm, vớt nghêu chết ra khỏi khu vực nuôi. Tích cực cày xới, phơi bãi và không thả giống sau thời gian tối thiểu từ 3 - 4 tháng để khôi phục, ổn định môi trường...
Có thể bạn quan tâm
Đó là ông Bạch Văn Sơn, ở xã Nhơn Tân, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định chuyên chăn nuôi heo và trồng rừng kinh tế; là nông dân sản xuất giỏi của thị xã An Nhơn.
Ngày 25/11/2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bắc Ninh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà đẻ trứng trên nền đệm lót sinh học” tại xã Hoà Tiến, huyện Yên Phong.
Dù không có lợi thế về khí hậu, đất đai, song Hà Nam đã đặt ra mục tiêu trở thành “thủ phủ” nuôi bò sữa giữa đồng bằng sông Hồng với số lượng có thể lên tới 15.000 con.
Thời gian qua, trong khi một số địa phương đang loay hoay tìm hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thì tại một số xã của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang lại đang có bước chuyển dịch, phát triển theo hướng tích cực.
Vụ Mùa 2015, lần đầu tiên Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội (Hội Nông dân TP) thực hiện mô hình trên cây lúa giống phân bón NPK chứa silic và vi lượng dạng chelate (NPKSilic).