Diện Tích Tôm Công Nghiệp Phát Triển Nhanh Nan Giải Bài Toán Hạ Tầng
Không nằm trong vùng quy hoạch phát triển, nhưng thời gian gần đây diện tích nuôi tôm công nghiệp đang phát triển nhanh trên địa bàn huyện Thới Bình. Sự phát triển ngoài dự kiến này kéo theo nhiều hệ luỵ cần được quan tâm, nhất là hạ tầng phục vụ nghề nuôi tôm công nghiệp.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện có hơn 50 ha ao nuôi tôm công nghiệp được người dân đào mới, tập trung nhiều ở xã Thới Bình, Tân Lộc Ðông, Tân Lộc và Biển Bạch Ðông. Sự phát triển ngoài dự kiến khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hạ tầng phục vụ nghề nuôi, xử lý môi trường, quản lý dịch bệnh...
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, nuôi thuỷ sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Do đó, việc phát triển diện tích tôm công nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Ðiều đó thể hiện sự chuyển biến tích cực trong cách thức tổ chức sản xuất của người dân. Tuy nhiên, điều đáng lo là hạ tầng phục vụ nghề nuôi không phát triển theo kịp sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.
Sự lo lắng ấy của ông Lâm giờ đây đã thành hiện thực. Tuy diện tích chỉ khoảng hơn chục héc-ta nhưng do sử dụng chung đường điện sinh hoạt nên mâu thuẫn giữa hộ nuôi tôm và người dân ấp 7, xã Tân Lộc (khu vực dọc theo kinh xáng Láng Trâm) bắt đầu nảy sinh, buộc chính quyền phải can thiệp.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, người ở ấp này than thở. "Ðiện vốn đã yếu nay lại phát sinh thêm một số hộ nuôi tôm công nghiệp khiến càng yếu hơn. Có những lúc vào giờ cao điểm chạy quạt (khoảng 6-8 giờ tối) gần như không sử dụng được món đồ nào, chỉ mở được một, hai bóng đèn mà còn chớp nhá liên tục. Ðồ đạc trong nhà từ đèn, quạt, ti-vi… thay nhau hư hỏng".
Do không phải là huyện nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp nên hệ thống điện chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt, việc phải tải thêm để phục vụ tôm công nghiệp dẫn đến quá tải là chuyện không thể tránh khỏi. Trước mắt là mâu thuẫn trong nội bộ người dân, về lâu dài, nếu diện tích tôm công nghiệp phát triển nhanh mà lưới điện không được nâng cấp theo kịp thì tình trạng quá tải dẫn đến nổ bình xảy ra.
Ông Lâm cho biết, do không có quy hoạch nên người nuôi tôm không được hỗ trợ hoá chất xử lý ao đầm khi có dịch bệnh và tình trạng xả nước thải thẳng ra sông, kinh, rạch là điều khó tránh. Ðối với vùng nước tĩnh như Thới Bình, nếu tình trạng này xảy ra thì rất nguy hiểm cho các diện tích nuôi còn lại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, Trần Văn Dũng cho biết, huyện đã kiến nghị tỉnh, Sở Công thương sớm khảo sát và nâng cấp lưới điện một số điểm hiện nay đang nuôi tôm công nghiệp dẫn đến quá tải.
Ðồng thời, huyện cũng đã kiến nghị tỉnh cho chủ trương để huyện quy hoạch và phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp khoảng 1.000 ha tại một số khu vực có điều kiện thuận lợi như tuyến kinh xáng Láng Trâm, một phần Tân Lộc Ðông… Từ đó, đạo điều kiện thuận lợi về đầu tư hạ tầng cho người dân phát triển nghề nuôi bền vững, cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nguồn bài viết: http://www.baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=34599
Có thể bạn quan tâm
Nhiều bà con nuôi tôm trong vùng ngọt hoá cho biết, do giếng khoan đã bị trám lấp nên họ định dùng muối để tạo độ mặn rồi thả nuôi tôm biển… Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều bà con ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã thử làm cách này trước khi biết khoan giếng lấy nước mặn, nhưng không mang lại hiệu quả.
TP. Cam Ranh hiện có 3ha nuôi tôm sú, 235ha nuôi tôm chân trắng; số lượng tôm hùm đang được nuôi khoảng 7.123 lồng. Nông dân trên địa bàn thành phố còn tổ chức nuôi cá biển với diện tích 159ha ao nuôi và 744 lồng. Ngoài ra, toàn thành phố có 21ha ốc hương, 1ha tu hài, 75ha rong sụn.
Theo Quyết định 24 của UBND tỉnh Cà Mau: Hoạt động sên vét đất bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản được thực hiện quanh năm. Tuy nhiên, người dân phải bố trí khu chứa bùn đất thải phù hợp, nước thải phải được lắng trước khi thải ra bên ngoài.
Những năm gần đây, nhờ phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập của người dân xã Liên Mạc (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã từng bước được cải thiện. Chất lượng cuộc sống bởi thế cũng ngày càng được nâng cao.
Thời gian qua, một vài cơ sở giết mổ heo không phép trục lợi bằng cách bơm nước vào heo để tăng trọng lượng đã gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu heo thịt Đồng Nai. Nếu không mạnh tay làm rõ vấn đề, người chăn nuôi, doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ bị thiệt hại nặng nề