Diện Tích Tôm Công Nghiệp Phát Triển Nhanh Nan Giải Bài Toán Hạ Tầng
Không nằm trong vùng quy hoạch phát triển, nhưng thời gian gần đây diện tích nuôi tôm công nghiệp đang phát triển nhanh trên địa bàn huyện Thới Bình. Sự phát triển ngoài dự kiến này kéo theo nhiều hệ luỵ cần được quan tâm, nhất là hạ tầng phục vụ nghề nuôi tôm công nghiệp.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện có hơn 50 ha ao nuôi tôm công nghiệp được người dân đào mới, tập trung nhiều ở xã Thới Bình, Tân Lộc Ðông, Tân Lộc và Biển Bạch Ðông. Sự phát triển ngoài dự kiến khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hạ tầng phục vụ nghề nuôi, xử lý môi trường, quản lý dịch bệnh...
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, nuôi thuỷ sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Do đó, việc phát triển diện tích tôm công nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Ðiều đó thể hiện sự chuyển biến tích cực trong cách thức tổ chức sản xuất của người dân. Tuy nhiên, điều đáng lo là hạ tầng phục vụ nghề nuôi không phát triển theo kịp sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.
Sự lo lắng ấy của ông Lâm giờ đây đã thành hiện thực. Tuy diện tích chỉ khoảng hơn chục héc-ta nhưng do sử dụng chung đường điện sinh hoạt nên mâu thuẫn giữa hộ nuôi tôm và người dân ấp 7, xã Tân Lộc (khu vực dọc theo kinh xáng Láng Trâm) bắt đầu nảy sinh, buộc chính quyền phải can thiệp.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, người ở ấp này than thở. "Ðiện vốn đã yếu nay lại phát sinh thêm một số hộ nuôi tôm công nghiệp khiến càng yếu hơn. Có những lúc vào giờ cao điểm chạy quạt (khoảng 6-8 giờ tối) gần như không sử dụng được món đồ nào, chỉ mở được một, hai bóng đèn mà còn chớp nhá liên tục. Ðồ đạc trong nhà từ đèn, quạt, ti-vi… thay nhau hư hỏng".
Do không phải là huyện nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp nên hệ thống điện chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt, việc phải tải thêm để phục vụ tôm công nghiệp dẫn đến quá tải là chuyện không thể tránh khỏi. Trước mắt là mâu thuẫn trong nội bộ người dân, về lâu dài, nếu diện tích tôm công nghiệp phát triển nhanh mà lưới điện không được nâng cấp theo kịp thì tình trạng quá tải dẫn đến nổ bình xảy ra.
Ông Lâm cho biết, do không có quy hoạch nên người nuôi tôm không được hỗ trợ hoá chất xử lý ao đầm khi có dịch bệnh và tình trạng xả nước thải thẳng ra sông, kinh, rạch là điều khó tránh. Ðối với vùng nước tĩnh như Thới Bình, nếu tình trạng này xảy ra thì rất nguy hiểm cho các diện tích nuôi còn lại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, Trần Văn Dũng cho biết, huyện đã kiến nghị tỉnh, Sở Công thương sớm khảo sát và nâng cấp lưới điện một số điểm hiện nay đang nuôi tôm công nghiệp dẫn đến quá tải.
Ðồng thời, huyện cũng đã kiến nghị tỉnh cho chủ trương để huyện quy hoạch và phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp khoảng 1.000 ha tại một số khu vực có điều kiện thuận lợi như tuyến kinh xáng Láng Trâm, một phần Tân Lộc Ðông… Từ đó, đạo điều kiện thuận lợi về đầu tư hạ tầng cho người dân phát triển nghề nuôi bền vững, cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nguồn bài viết: http://www.baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=34599
Related news
Buổi hội thảo với chủ đề “Tôn vinh nhà lãnh đạo ngành NTTS Việt Nam – Celebrating Leadership in Vietnam’s Aquaculture Industry”. GAA gọi buổi hội thảo này là một “sự kiện đặc biệt” nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nhận thức về sự cần thiết của việc tăng cường các hoạt động có trách nhiệm giúp các trại nuôi thủy sản có quy mô vừa và nhỏ dễ dàng thâm nhập thị trường.
Cầm cố sổ nghêu, mới nghe hết sức xa lạ nhưng việc này đang diễn ra rầm rộ ở vùng ven biển Bến Tre, nơi có nghề nuôi nghêu và xuất khẩu nghêu nổi tiếng ở ĐBSCL từ nhiều năm qua.
Những năm gần đây, giá tiêu tăng cao nên người dân đầu tư mở rộng diện tích. Tuy nhiên do chưa nắm vững kỹ thuật nên tình trạng sâu bệnh xuất hiện nhiều, khó phòng trừ. Đáng lo ngại là hiện nay nhiều người trồng tiêu vì lợi nhuận trước mắt khai thác cạn kiệt làm cho cây tiêu mau xuống sức, thoái hóa.
Được chọn từ những cây lúa tốt nhất của giống IR 50404, giống lúa AP 2010 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú với nhiều đặc tính vượt trội hơn đã cơ bản thay thế được giống lúa IR 50404 truyền thống của nông dân An Giang nói riêng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến 30/9/2014 các DN xuất khẩu gạo cả nước đã ký hợp đồng xuất khẩu được khoảng 6,51 triệu tấn gạo. Số hợp đồng này bao gồm cả 613.000 tấn chuyển sang từ năm 2013.