Diện tích nuôi tôm ở Hoài Nhơn (Bình Định) giảm mạnh
Môi trường nuôi bị ô nhiễm
Từ những năm 2012 trở về trước, diện tích nuôi tôm cả năm của Hoài Nhơn chiếm gần 340 ha, nhưng đến cuối năm 2014 chỉ còn 240 ha. Bước vào năm 2015, mặc dù đang là thời điểm chính vụ nhưng hiện nay toàn huyện mới chỉ thả nuôi được gần 30 ha/120 ha theo kế hoạch.
Ông Sử Văn Hưng, cán bộ Trạm Thú y huyện Hoài Nhơn, lý giải: “Mặc dù khung lịch thời vụ nuôi tôm đã trôi qua hơn 1 tháng, nhưng diện tích nuôi đến nay mới đạt khoảng 25%.
Nguyên nhân do một số địa phương nuôi tăng vụ và mới thu hoạch xong, nhưng cơ bản vẫn là do nhiều diện tích ở các vùng nuôi chuyên canh đang trong thời kỳ xuống cấp nghiêm trọng vì bị ô nhiễm, bởi tất cả các hồ nuôi đều xả thải trực tiếp ra môi trường nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Hiện nay mới đầu vụ, nhưng đã có trên 2 ha tôm ở Hoài Mỹ bị bệnh đốm trắng và chết sớm gây thua lỗ cho người nuôi”.
Riêng tại xã Hoài Hải, địa phương có đến 80% người dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, nhưng trong kế hoạch năm nay chỉ triển khai thả nuôi tôm khoảng 13 ha, trên 50% diện tích còn lại bị bỏ trống.
Ông Huỳnh Có, Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, cho biết: “Hiện nay vùng nuôi tập trung trên địa bàn xã đang trong giai đoạn bị ô nhiễm nặng, khó có thể phục hồi, nên hiện chỉ còn 1/3 người nuôi có điều kiện kinh tế nâng đáy hồ lót bạt thả nuôi, còn lại phải chấp nhận bỏ trống”.
Ông Nguyễn Văn Lành, một hộ nuôi tôm ở xã Hoài Mỹ, cho biết: “Gia đình tôi trước đây đầu tư thả nuôi 2 hồ, diện tích 800 m², nhưng trong những vụ gần đây tôi phải tạm dừng để tránh thua lỗ vì điều kiện môi trường không đảm bảo”.
Giải pháp nào?
Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, cần tăng cường công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, điều kiện nuôi, đối tượng nuôi. Từ cuối năm 2014 đến nay, huyện tập trung chỉ đạo Trạm thú y và các địa phương ven biển tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi tôm các biện pháp kỹ thuật trước khi thả nuôi.
Vận động các hộ dân hình thành nhóm, tổ nuôi tôm cộng đồng để quản lý vùng nuôi, kịp thời báo cáo cho khuyến ngư viên và cơ quan chuyên môn về tình hình dịch bệnh tôm nuôi để có biện pháp xử lý; đôn đốc các địa phương xử lý triệt để các trường hợp nuôi tôm tự phát và sử dụng đất nuôi tôm sai mục đích.
Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Huyện đã triển khai lập dự án nâng cấp vùng đầm nuôi tôm tại hai xã Hoài Mỹ và Hoài Hải; phối hợp với Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” nâng cấp hạ tầng, chuyển giao quy trình nuôi tôm VietGap ở khu A, thôn Công Lương - Hoài Mỹ.
Đến nay, BQL Dự án đã tổ chức tập huấn hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các biện pháp thực hành nuôi tốt, nuôi nhiều đối tượng khác trên cùng một diện tích, thực hành ghi chép nhật ký kỹ thuật nuôi an toàn sinh học; phương pháp thu mẫu, chẩn đoán, xử lý bệnh trên tôm nuôi và hướng dẫn quản lý sức khỏe thủy sản nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Dự án cũng đã tổ chức điều tra truy xuất nguồn gốc con giống tại các vùng nuôi trong dự án; phổ biến lợi ích sử dụng giống sạch góp phần hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân 2 xã Tân Trung và Tân Hòa (Phú Tân - An Giang) đang vào vụ thu hoạch khoai cao – một trong những cây chủ lực của các loại hoa màu tại xứ cồn.
Càng vào cuối vụ thu hoạch, diện tích mía còn lại trên toàn vùng phía Đông Nam tỉnh lại càng thêm khô, nhiều diện tích mía đã bị cháy khiến cho không ít nông dân lo lắng. Để giảm thiệt hại và đốn mía theo đúng lịch, toàn thể công nhân-lao động tại Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) đang cho nhà máy hoạt động hết công suất.
Từ thị trấn Prao (huyện Đông Giang, Quảng Nam) dọc theo đường Hồ Chí Minh qua các xã Avương, Bhalêê, Atiêng, Lăng... đã thấy mây được tập kết trước nhà của người dân trong các bản làng...
Đây là số tiền mua bò được trích từ nguồn quyên góp ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An để giúp đỡ các xã nghèo biên giới phát triển kinh tế.
Tại huyện Châu Thành (An Giang), giá bán bắp cải tại ruộng chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg. Nhiều người không bán được đã đem đổ xuống sông hoặc cho bò ăn.